Luật Đầu tư công (sửa đổi): Sẽ thuận lợi hơn trong giải ngân vốn

Kinh tế - Ngày đăng : 08:44, 08/01/2020

Ngày 1.1.2020, Luật Đầu tư công (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.
>>5 điểm mới trong Luật Đầu tư công năm 2019


Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, luật sửa đổi được kỳ vọng khắc phục được những hạn chế của Luật Đầu tư công  (ĐTC) 2014.

Cụ thể, luật sửa đổi phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động ĐTC; thuận lợi hơn trong công tác lập, giao và điều chỉnh kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC sẽ cải thiện hơn nữa.

Việc ban hành Luật ĐTC (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về ĐTC theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác, đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động ĐTC và nguồn vốn ĐTC cũng như tiếp tục khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật ĐTC (sửa đổi) sẽ còn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện hành liên quan đến các quy định pháp luật về ĐTC, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC gắn với việc đẩy mạnh phân cấp, trao quyền và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động ĐTC. Theo đó, luật quy định rõ việc phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, phân cấp quyết định đầu tư dự án gắn với trách nhiệm của từng cấp, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư. 

Luật cũng tạo hành lang pháp lý nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý ĐTC gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động ĐTC, sử dụng nguồn vốn ĐTC thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ĐTC, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật ĐTC đó là trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Theo đó, đáng chú ý nhất trong luật là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật ĐTC (sửa đổi) cũng đã xác định rõ một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư (khoản 6 điều 18). Quy định này nhằm gỡ bỏ thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí chuẩn bị, phê duyệt và thực hiện các nhiệm vụ, dự án này nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn ĐTC và mục tiêu thực hiện.

Với những điểm mới trong Luật ĐTC (sửa đổi), việc thực thi luật sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án, do việc đơn giản hóa thủ tục và phân cấp mạnh mẽ. Thực hiện Luật ĐTC (sửa đổi) cũng sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC vốn chậm trễ bao lâu nay. Các quy định mới tuy vẫn chặt chẽ để bảo đảm sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ĐTC quý giá nhưng cũng vừa tạo thuận lợi trong điều chỉnh kế hoạch để tăng tỷ lệ giải ngân, hạn chế kéo dài thời gian thực hiện…

Năm 2019, vốn đầu tư khu vực Nhà nước tăng 2,6%; trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa cải thiện nhiều, đạt 89,5% kế hoạch năm, tăng 5,8% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2019.

THÚY HIỀN