Phát triển du lịch bền vững
Du lịch - Ngày đăng : 10:58, 08/01/2020
Chỉnh trang khu di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An chuẩn bị cho Lễ khai bút đầu Xuân Canh Tý 2020
Chuyển động mới
Đền Gốm ở phường Cổ Thành đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành trùng tu, nâng cấp đền chính xong trước Tết Canh Tý 2020 với số tiền đầu tư hơn 8 tỷ đồng. Mé sông trước cửa đền là nơi phục dựng đền Thủy (được coi là đền trình trước khi du khách nhập lễ hội Kiếp Bạc). Công trình này cũng đang được đẩy nhanh tiến độ với mức đầu tư dự kiến 5,7 tỷ đồng. Năm 2019, đền Gốm đã thu hút hơn 5.000 lượt khách, gấp đôi năm trước.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc được tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Thành phố đẩy mạnh trùng tu tôn tạo nhiều công trình ở đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi... Gắn với chỉnh trang đô thị, trong năm qua TPChí Linh cũng tập trung đầu tư khoảng 50 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường đến các di tích, lễ hội. Cùng với Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc thường niên, TP Chí Linh đang tập trung chuẩn bị cho Lễ khai bút đầu xuân tại đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An và khai hội đền Cao.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh cho biết: "Trong dịp lễ hội mùa xuân, thành phố sẽ công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận 2 khu du lịch cấp tỉnh là khu di tích và danh thắng Phượng Hoàng ở phường Văn An và khu di tích đền Cao ở phường An Lạc. Cùng với đó địa phương sẽ khánh thành một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật quan trọng để nâng tầm lễ hội, phát huy hiệu quả du lịch".
Để thu hút khách du lịch đến với thành phố trong mùa lễ hội, TP Chí Linh cũng không quên quảng bá những điểm du lịch hấp dẫn của địa phương đến người dân, doanh nghiệp. Địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú, dịch vụ thương mại, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Thành phố tích cực phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh để liên kết phát triển các tour, tuyến du lịch.
Chí Linh đang hoàn thiện Đề án "Phát triển du lịch TP Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035". Đề án tập trung đánh giá các nguồn lực và hiện trạng phát triển du lịch trên địa bàn. Định hướng không gian để quy hoạch 4 vùng du lịch là vùng trung tâm phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, thương mại; vùng phía tây với Côn Sơn- Kiếp Bạc; vùng phía bắc với chùa Thanh Mai; vùng phía nam với đền Cao.
Còn nhiều việc phải làm
TP Chí Linh là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Nằm trong cánh cung Đông Triều, Chí Linh có đồi núi xen kẽ, ruộng đồng phì nhiêu, giao thông thủy, bộ thuận lợi. Nơi đây đã gắn với cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa, Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, Vạn thế sư biểu Chu Văn An, Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi...
Mảnh đất Chí Linh dày đặc các di tích về Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu, di tích gắn với các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú, nguồn lực du lịch dồi dào để Chí Linh trở thành vùng du lịch đặc sắc, hấp dẫn. "Trên địa bàn hiện có tới 422 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 10 di tích lịch sử cấp quốc gia. Hầu hết các di tích này đều gắn với lễ hội rất thuận lợi cho phát triển du lịch", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Chí Linh cho biết.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hoạt động du lịch trên địa bàn TP Chí Linh còn thiếu chuyên nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật dịch vụ du lịch còn đơn sơ, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ xã hội... Thành phố hiện có 62 cơ sở lưu trú với gần 700 phòng nghỉ nhưng chỉ có 2 khách sạn đạt 3 sao và 1 đạt 2 sao cùng 10 doanh nghiệp và điểm dừng chân kinh doanh du lịch.
Năm 2019, TP Chí Linh đón khoảng 2,5 triệu lượt du khách, tăng khoảng 5% so với năm 2018. Khách đến Chí Linh ít lưu trú qua đêm. Kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đề án đang xây dựng, thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng hơn nhằm phát huy và khai thác các trầm tích lịch sử, văn hóa. Nâng cấp về quy mô, chất lượng các lễ hội như tín ngưỡng thờ Mẫu ở các đền Sinh, đền Hóa, đền Kiếp Bạc, cầu tự ở đền Sinh, khai bút đầu xuân ở đền thờ Chu Văn An...
Phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch mới như thực hành thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ, hầu đồng; hành hương về Trúc Lâm thiền phái; một ngày làm nho sinh; mô phỏng kỳ thi hương... sẽ được xây dựng, phát triển. Các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm; tham quan thắng cảnh, di tích; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch cộng đồng; du lịch kết hợp tổ chức sự kiện... cũng được định hướng phát triển. Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho du lịch từ nay đến 2025 ước 1.700 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 cần hơn 4.500 tỷ đồng.
"Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, thành phố đã có kế hoạch thu hút đa dạng nguồn đầu tư để phát triển cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ du lịch. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương", ông Nguyễn Đức Hóa, Chủ tịch UBND TP Chí Linh khẳng định.
THÀNH LONG