Những mối tình trong lửa đạn

Đời sống - Ngày đăng : 17:43, 08/01/2020

Lớp người đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước luôn ước mơ về một ngày mai chiến thắng, cuộc sống tươi đẹp và phồn vinh.


Hai vợ chồng ông Nguyễn Thế Truyền và bà Đặng Thị Xuân Phượng

Lên đường chiến đấu, họ không chỉ mang trong mình tình yêu nước, yêu quê hương thiết tha mà còn có cả những tình yêu lứa đôi được ươm mầm từ trong lửa đạn.

Tình yêu nơi tiền tuyến

Trên chuyến xe về thăm chiến trường xưa của các cựu chiến binh Trung đoàn 10 (E10) có vợ chồng ông Nguyễn Thế Truyền và bà Đặng Thị Xuân Phượng cùng con trai Nguyễn Thế Thanh. Vợ chồng ông Truyền bà Phượng là một tình yêu đẹp giữa người con trai quê Hải Dương với người con gái Phú Yên. Tình yêu của họ được ươm mầm trong chiến tranh. Ông Truyền sinh năm 1944, tại xã Minh Tân (Nam Sách).

Tháng 2.1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ. Cuối tháng 4.1963, ông theo đoàn quân Nam tiến vào Phú Yên chiến đấu. Ông đã theo đơn vị chiến đấu, gắn bó với mảnh đất và nhân dân Phú Yên từ năm 1965 đến cuối năm 1968. Là một y tá, ông đã cứu chữa cho hàng nghìn lượt thương binh, bệnh binh.

Trong những năm tháng gian khổ ác liệt ấy, ông Truyền đã gặp và đem lòng yêu thương một người con gái Phú Yên, đó chính là bà Đặng Thị Xuân Phượng.

Bà Phượng sinh năm 1949 tại xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, Phú Yên. 14 tuổi, bà đã tham gia du kích. Tròn 17 tuổi, Xuân Phượng đẹp như một bông hoa, làm say đắm không ít những chàng trai ở chiến khu. Bà Phượng bảo ông bà đến với nhau là do "cái duyên trời định". Hồi đó, rất nhiều người đẹp trai, có chức quyền để ý nhưng bà lại thích ông Truyền. "Có lần tôi đi lấy gạo bị lạc đường.

Đến tối sợ cọp ăn thịt phải leo lên cây ngồi chờ trinh sát đi tìm dẫn đường về. Lúc về, tôi trách ông ấy sao không đi tìm và giận cả tuần không nói câu nào", bà Phượng kể. 


 Những lá thư tình trong chiến tranh giữa trai Hải Dương, gái Phú Yên và ngược lại

Vượt lên bom đạn

Cuối năm 1968, sau trận đánh ngày 4 và 5.4 ở Mỹ Thành, Hòa Thắng, E10 được lệnh rời Phú Yên vào miền Đông Nam Bộ.  Đầu năm 1970, ông Truyền được đi học lớp cao cấp quân y trên đất Campuchia. Bà Phượng tiếp tục công tác tại Cục Hậu cần, B2 miền Đông Nam Bộ. Sau ba năm biệt tin nhau, cuối năm1972, ông Truyền về làm Trạm Trưởng Trạm phẫu tại Đoàn 320, Mặt trận B2.

Được tin bà Phượng cũng có ở đây, ông Truyền đã đi tìm và thật may mắn, họ gặp lại nhau. Được sự tác thành của các thủ trưởng và đồng đội, tháng 3.1973, một đám cưới hạnh phúc diễn ra giữa núi rừng Campuchia.

Đến tháng 12.1973, ông bà có con trai đầu lòng, kết quả của tình yêu đi qua lửa đạn. Anh Nguyễn Thế Thanh ra đời ngay giữa khu rừng Bến Cầu, Tây Ninh. Chính ông và một người đồng đội đã hộ sinh cho vợ. Kể đến đây, ông Truyền cao hứng đọc: “Cha mẹ sinh con nơi biên giới rừng già/ Tiếng khóc chào đời sặc khói đạn bom/Cha đặt tên con Thanh Bình theo đất nước/Dẫu chiến tranh sự sống vẫn vuông tròn”.

Tôi hỏi bà Phượng: “Thế khi sinh con rồi làm thế nào cô vừa chiến đấu, công tác vừa nuôi con trong rừng?”. Thay cho câu trả lời bà Phượng đọc mấy câu thơ: “Suốt cả chặng đường tiền tuyến, hậu phương/Mẹ vẫn bồng con lên đường đi đánh giặc”.

Bà Phượng bảo, Thanh nhà cô cùng mẹ đánh Mỹ từ trong bụng, qua không biết bao lần chết hụt. Có lần nó ngã vào xoong canh, ông Truyền phải chữa bằng dầu nhớt suốt mấy tháng ròng mới khỏi. Giải phóng, vợ chồng ông bà Truyền - Phượng ra Bắc, chuyển công tác, sinh thêm được một người con. Đến bây giờ ông bà lại sinh sống tại quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Sau câu chuyện của ông Truyền, các cựu chiến binh còn nhắc nhiều đến những mối tình đẹp giữa những chàng trai Hải Dương, gái Phú Yên và ngược lại. Tiêu biểu như cặp vợ chồng ông Vũ Quốc Hội, quê Thanh Miện và bà Ngô Thị Hồng Lan, quê Đông Hòa, Phú Yên, hiện sinh sống tại khu 2, phường Phú Lâm hay cặp vợ chồng ông Sang, bà Sửu đang sống ở phường Phú Thạnh...

Chuyến xe đưa các cựu chiến binh E10 về những nơi trước đây là chiến trường của họ. Chợ TPTuy Hòa, xóm Đạo, phường 8, núi Nhạn… là nơi trước đây ta phải hy sinh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong Xuân Mậu Thân 1968. Đến dốc Bà Ền ở Tuy An, ấp Bắc Lý ở Sơn Hòa, hội Trường Mùa Xuân, cầu Cháy… cũng là những nơi diễn ra trận chiến đấu vô cùng oanh liệt. Hàng nghìn người con từ miền Bắc, từ Hải Dương ra đi nay lấy Phú Yên làm nơi yên nghỉ.

Đi đến đâu, kỷ niệm chiến tranh cũng ùa về. Những người mẹ hết lòng vì các con, những người đồng đội thân yêu, những người con trai, con gái nằm xuống mãi mãi tuổi hai mươi trên đất Phú Yên.

NGUYỄN BÁ THUYẾT