Dè dặt tái đàn lợn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:51, 09/01/2020

Mặc dù giá lợn hơi đang ở mức cao nhưng các hộ chăn nuôi vẫn dè dặt tái đàn do giá lợn giống cao gần gấp đôi bình thường và lo sợ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) quay lại.


Hiện nay, việc tái đàn lợn chủ yếu ở các trang trại đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học

Giá lợn giống cao

Từng bị tiêu hủy toàn bộ đàn lợn do DTLCP, sau hơn nửa năm, ông Nguyễn Khắc Liên ở thị trấn Gia Lộc mới dám tái đàn. Trước khi tái đàn, ông sơn sửa lại toàn bộ dãy chuồng trại, làm lại nền chuồng. Các dụng cụ chăn nuôi trước đây đều được ông khử trùng cẩn thận. Cuối năm ngoái, ông bắt 1 con lợn nái hậu bị và 7 con lợn giống của Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh để nuôi.

Đến nay, toàn bộ số lợn này phát triển bình thường. "Thời điểm này, DTLCP đã tạm lắng nên tôi yên tâm tái đàn. Tôi đang định bắt thêm khoảng chục con lợn nữa để mở rộng chăn nuôi nhưng hiện giá lợn giống cao gần gấp đôi so với 2 tháng trước.

Tháng 11 năm ngoái, tôi mua có 1,5 triệu đồng/con lợn giống (loại 10 kg), nhưng thời điểm này đã lên 2,5 triệu đồng/con. Với giá này, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó tái đàn do không đủ vốn", ông Liên nói.

Ông Phạm Văn Dũng ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) là chủ một trong những trang trại lợn an toàn lớn còn sót lại. Trang trại của ông hiện có hơn 150 con lợn nái và khoảng 2.000 con lợn thịt. Với tổng đàn lợn nái như vậy mỗi tháng trang trại của ông có khoảng 500 lợn con tách mẹ. Trước đây, trang trại vừa bán lợn thịt và lợn giống nhưng hiện nay tạm dừng.

"Mặc dù nhiều hộ có nhu cầu mua lợn con về nuôi nhưng chúng tôi không bán mà giữ lại nuôi. Trang trại đang tập trung tái đàn tại chỗ, mở rộng quy mô chuồng trại. Với tình hình như hiện nay, sau Tết giá lợn hơi dự báo vẫn ở mức cao, nếu trừ các loại chi phí thì người chăn nuôi vẫn có lãi", ông Dũng cho biết. 

Theo anh Trịnh Văn Vy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ninh Giang, toàn huyện còn khoảng 20.000 con lợn, trong đó có 12.000 con lợn thịt, 2.000 con lợn nái, còn lại là lợn con theo mẹ. Hiện giá lợn con giống ở mức 2-2,5 triệu đồng/con, cao hơn trước khoảng 1 triệu đồng/con.

Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn nhưng do giá cao cộng với nguy cơ DTLCP quay lại nên một số hộ chưa dám nuôi trở lại. Việc tái đàn chủ yếu tập trung ở các trang trại đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã khuyến cáo các chủ hộ chăn nuôi không nên mua lợn ở các cơ sở chăn nuôi không có uy tín, chỉ mua lợn giống ở những cơ sở có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch của ngành thú y. 

Chủ động phòng bệnh

Hiện tất cả các địa phương đã hết DTLCP nhưng do thời tiết diễn biến bất thường nên nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao. Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tổng đàn lợn trong tỉnh còn khoảng 220.000 con, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

"Các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn", bà Đào nói.

Ngành thú y cũng cần tích cực hướng dẫn các hộ chăn nuôi chưa bị dịch tiếp tục thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, đặc biệt bảo vệ đàn lợn nái để bảo đảm cung cấp con giống khôi phục chăn nuôi. Các trại chăn nuôi đã bị dịch cần cải tạo chuồng trại, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh và không nhập lợn giống vào nuôi.

Việc tái đàn cần thực hiện từng bước, từng vùng bảo đảm an toàn dịch bệnh. Chính quyền cơ sở cần xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại chăn nuôi lớn, trang trại, gia trại đủ điều kiện để tái đàn.

TRẦN HIỀN