Chờ một lớp trẻ tiến công!

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:45, 09/01/2020

Sau những Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, sau những phong trào hành động dưới màu áo của Đoàn, của Hội... sẽ là gì? Câu hỏi ấy cần được nhiều bạn trẻ tự đặt cho chính mình để tìm câu trả lời.


Các bạn trẻ tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện 2019

Ngày này (9.1.1950), 70 năm trước, sự kiện cậu học trò Trường Petrus Ký Trần Văn Ơn bị bắn sau trận đàn áp cuộc xuống đường chưa từng có trong lịch sử phong trào học sinh, sinh viên. Cái chết ấy gây chấn động không chỉ ở Sài Gòn mà lan khắp đô thị miền Nam, của những ngày tuổi trẻ đấu tranh.

Hôm rồi, khi đón những đứa con sinh viên ghé thăm, điều các ba má phong trào học sinh, sinh viên ngày trước gửi vào lớp trẻ ngày nay không gì khác ngoài mong ước chính các con - những người chủ đất nước hiện tại - phải làm cho nước mình mạnh lên! Để Việt Nam không chỉ được nhắc đến là đất nước với chiến tranh, bom đạn mà phải là xã hội ổn định, kinh tế phát triển và dân tộc hiếu khách.

Xã hội vẫn chờ và kỳ vọng vào một lớp trẻ tiến công! Đó phải là những tài trí Việt ghi tên mình vào bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Là mong mỏi về lớp trẻ khởi nghiệp được ươm mầm ngay từ giảng đường, để có niềm tin về một thế hệ doanh nhân mới vào một ngày không xa. Là những cái tên tuổi mười tám, đôi mươi làm Việt Nam rạng danh ở các đấu trường thể thao, văn hóa.

Không phủ nhận chúng ta có nhiều bạn trẻ giỏi, và những cái tên trong số họ đã góp phần giúp bạn bè thế giới biết đến Việt Nam nhiều.

Xã hội cũng dần quen với hoạt động tình nguyện đã trở thành "thương hiệu" của tuổi trẻ hiện nay. Những việc làm ý nghĩa ấy đã cùng chia sẻ, giải quyết nhiều câu chuyện trong xã hội, mang đến bộ mặt tích cực của giới trẻ.

Nhưng sau những Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, sau những phong trào hành động dưới màu áo của Đoàn, của Hội... sẽ là gì? Câu hỏi ấy cần được nhiều bạn trẻ tự đặt cho chính mình để tìm câu trả lời. Xã hội sẵn sàng ủng hộ nhưng sẽ không dễ chấp nhận nếu chỉ là lặp đi lặp lại câu chuyện cũ, theo một lối mòn sẵn có!

Nhưng hẳn xã hội còn kỳ vọng nhiều hơn vào một thế hệ trẻ biết thể hiện tiếng nói của mình trước các vấn đề của đất nước. Gần nhất sẽ là đợt góp ý văn kiện đại hội Đảng các cấp. Đừng xem đó chỉ là nhiệm vụ của đảng viên, của những đại biểu được bầu chọn đi dự đại hội.

"Ngày mới" của đất nước bắt đầu từ những hoạch định ấy. Và luôn cần được đóng góp, xây dựng trên nền tảng thế và lực hiện có của đất nước, cần sự chung lòng của mỗi người, trong đó có lực lượng trẻ.

Chúng ta có quyền kỳ vọng vào cách tư duy mới của lớp trẻ hôm nay khi nhìn về tương lai đất nước, không chỉ là năm năm của một nhiệm kỳ mà phải dài hơn, phải xa hơn.

Và mỗi bạn trẻ còn phải biết đòi hỏi. Đòi hỏi sự tự nỗ lực của chính bản thân mỗi ngày. Đòi hỏi với chính quyền, những nhà hoạch định chính sách về tư duy mở trong kiến tạo một môi trường đủ sức hấp dẫn, cùng sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, nơi mà mỗi người trẻ có năng lực được thể hiện mình.

Để từ "cột mốc" 70 năm này, cùng với sự đòi hỏi, người trẻ còn tự lập trình cho thế hệ mình một cơ chế sẵn sàng, để bước về phía trước với tất cả năng lực, sự tự tin vốn có và cả trái tim không thờ ơ với thời cuộc, không nguội lạnh với xung quanh.

QUỐC LINH