Mỹ - Nhật - Hàn củng cố hợp tác ba bên vì lợi ích chung

Thế giới - Ngày đăng : 23:15, 10/01/2020

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa tiến hành cuộc đối thoại an ninh cấp cao thường niên.

Quốc kỳ 3 nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, cuộc đối thoại là cơ hội để Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc củng cố quan hệ hợp tác ba bên vì lợi ích chung.


Coi trọng quan hệ đồng minh

Được tổ chức thường niên từ năm 2008, diễn đàn an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật với sự tham gia của các quan chức cấp cao này là nơi thảo luận các vấn đề an ninh khu vực lớn, trong đó có chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cuộc đối thoại năm nay diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa  Mỹ và Triều Tiên lâm vào bế tắc, hợp tác an ninh Mỹ-Nhật-Hàn đứng trước thách thức liên quan đến căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về Hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự (GSOMIA) cùng với căng thẳng Mỹ-Iran leo thang sau vụ Mỹ sát hại tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy nguy hiểm. Chính vì vậy, tại cuộc đối thoại ngày 8 và 9.1 ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong và người đồng cấp Nhật Bản của ông Chung, Shigeru Kitamura đã thảo luận các chủ để bao trùm gồm những diễn biến liên quan đến Iran, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Hiệp định GSOMIA cũng như tầm quan trọng của hợp tác an ninh 3 bên.

Về vấn đề Triều Tiên, ba nước đã thảo luận về việc phối hợp giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Nhật Bản Kitamura khẳng định lập trường không lay chuyển rằng Nhật-Mỹ-Hàn sẽ tăng cường hợp tác để hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Nhật Bản cũng sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để các nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên được thực thi nghiêm túc. Trong khi đó, Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong nhấn mạnh Hàn Quốc sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục diễn ra và đạt tiến triển. Ba nước đã cam kết sẽ tìm biện pháp thúc đẩy phối hợp nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập một nền hòa bình lâu dài.

Về căng thẳng Mỹ-Iran, Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Nhật Bản Kitamura cho biết Tokyo sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Trung Đông để có quyết định cuối cùng về chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới 3 nước Trung Đông dự kiến diễn ra vào giữa tháng 1 này. Ông Kitamura nhấn mạnh Tokyo "quan ngại sâu sắc" trước tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ liên kết với các nước liên quan và tiến hành các hoạt động ngoại giao để xoa dịu tình hình căng thẳng. Về phía Hàn Quốc, Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Chung Eui-yong cũng kêu gọi những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Iran nhằm tránh các hành động leo thang hơn nữa.

Tại buổi gặp, Tổng thống Mỹ Trump đã đánh giá cao “sự ủng hộ và tình hữu nghị sâu sắc” giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng thống Mỹ lưu ý rằng Seoul và Tokyo nằm trong số những đồng minh vững chắc nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp để giúp tăng cường mối quan hệ song phương và ba bên Hàn-Mỹ-Nhật.

Cũng trong khuôn khổ đối thoại, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã gặp Chánh Văn phòng An ninh quốc gia của Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung và Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Nhật Bản Kitamura. Cuộc họp đã tập trung vào tình hình gần đây trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng dọa sẽ thực hiện "hành động gây sốc thực sự" và ra mắt loại "vũ khí chiến lược mới" giữa lúc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ với Washington và "cách thức mang lại hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo thông qua đàm phán phi hạt nhân hóa".

Chánh Văn phòng An ninh quốc gia của Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung khẳng định quân đội nước này hoàn toàn sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào, trong bối cảnh Triều Tiên cảnh báo về một "vũ khí chiến lược mới". Ông Chung Eui-yong nhấn mạnh Mỹ cần thể hiện sự linh hoạt để phá vỡ bế tắc trong đàm phán với Triều Tiên.

Trong khi đó, thảo luận về GSOMIA, các quan chức Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đã tái khẳng định nhu cầu hợp tác ba bên đối với GSOMIA. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ O'Brien khẳng định với Nhật Bản và Hàn Quốc về sự cần thiết trong việc duy trì hiệp định quan trọng với hợp tác an ninh ba bên này.

Kết thúc cuộc gặp, Cố vấn An ninh quốc gia O'Brien khẳng định Mỹ đã có cuộc gặp 3 bên hết sức tốt đẹp với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hợp tác vì lợi ích chung

Có thể nhận thấy từ lâu khu vực Đông Bắc Á đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, chính sách này càng được khẳng định.

Một thực tế là, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi cuối tháng 2.2019 không đạt được thỏa thuận do những bất đồng liên quan đến các bước phi hạt nhân của Triều Tiên và việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Mỹ luôn khẳng định Triều Tiên phải có những bước đi đáng kể tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trước khi Washington nói lỏng trừng phạt cũng như có những nhượng bộ khác theo yêu cầu của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên khẳng định trước hết Mỹ phải chấm dứt "chính sách thù địch" đối với Bình Nhưỡng. Cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên càng trở nên nghiêm trọng khi trong năm 2019, Triều Tiên đã tiến hành 13 vụ thử tên lửa tên đạn đạo và vũ khí đa nòng siêu cỡ lớn. Trong phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên cuối năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố thế giới sẽ sớm chứng kiến "một vũ khí chiến lược mới" của nước này.

Chính vì vậy, việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì mối quan hệ mật thiết Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật và sự phối hợp ba bên trong vấn đề Triều Tiên nhằm đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và mang lại hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên trong cuộc đối thoại an ninh cấp cao lần này đã thể hiện sức mạnh của mối quan hệ ba bên cũng như việc duy trì đoàn kết trong việc giải quyết vấn đề còn nhiều chông gai này.

Ở một khía cạnh khác, quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dựa trên quan hệ đồng minh truyền thống, được khẳng định trong Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung Mỹ-Hàn. Trước một loạt diễn biến mới ở khu vực Đông Bắc Á, hướng liên kết của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trước tình hình hiện nay, dường như liên minh này đang ngày càng được thắt chặt để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và đối phó với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bởi vậy mà, thỏa thuận GSOMIA luôn được coi là biểu tượng trụ cột hợp tác an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời cũng là nền tảng chính cho hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Thế nhưng, hồi tháng 8.2019, Hàn Quốc đã quyết định chấm dứt GSOMIA trong một động thái "ăn miếng trả miếng" sau khi Nhật Bản áp đặt các hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với các vật liệu công nghệ cao, liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Dù việc chấm dứt hiệp định này đã được Seoul đình chỉ vào phút cuối hồi tháng 11.2019 sau khi Nhật Bản nhất trí tổ chức đàm phán về vấn đề hạn chế xuất khẩu và lao động cưỡng bức thời chiến. Tuy nhiên, ngày 9.1, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cảnh báo rằng Seoul có thể một lần nữa chấm dứt GSOMIA tùy thuộc vào tình hình.

Việc GSOMIA tiếp tục đứng trước nguy cơ đổ vỡ không chỉ gây hại cho Nhật Bản và Hàn Quốc khi hai bên có thêm nhiều khoảng trống về thông tin quân sự, mà còn có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực. Chính vì vậy, việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tái khẳng định nhu cầu hợp tác ba bên đối với GSOMIA tại cuộc đối thoại đã mở ra hy vọng cho việc giải quyết vấn đề này.

Liên quan đến tình hình Trung Đông, việc Mỹ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã làm khó quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn.

Với Nhật Bản, Tokyo đã rơi vào thế khó xử khi căng thẳng Washington-Tehran gia tăng. Trong nhiều tháng qua, Nhật Bản đã cố gắng duy trì quan điểm chính trị trung lập bằng cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Washington lẫn Tehran. Lý do chủ yếu là, hiện nay, lượng nhập khẩu dầu thô từ khu vực Trung Đông chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản, trong đó riêng Iran chiếm khoảng 5,2% trong tổng lượng dầu thô nhập khẩu trong năm 2017. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Tokyo có thể duy trì sự trung lập đó hay không nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang thành chiến tranh.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đang ở trong “thế kẹt” trong căng thẳng Mỹ-Iran. Trong thập kỷ qua, Hàn Quốc vẫn có thể duy trì một mối quan hệ tích cực - dù hạn chế - với Iran, bất chấp những căng thẳng về chương trình hạt nhân của nước này. Hàn Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ bước đột phá ngoại giao của thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Nước này đã nhận được sự miễn trừ của Mỹ và được phép tiếp tục giao dịch với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này. Năm 2018, Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran trong, chiếm 4,8% tổng sản lượng nhập khẩu dầu của Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Iran hiện nay về cơ bản đã gây cản trở đến quan hệ thương mại của Hàn Quốc với Iran. Việc Mỹ sát hại tướng Iran Soleimani đã làm gia tăng sự không chắc chắn ở Seoul về tác động của một cuộc đối đầu kéo dài hoặc thậm chí leo thang giữa Tehran và Washington. Khi khu vực này vật lộn với bất ổn do những tác động từ cái chết của tướng Soleimani, Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục cố gắng làm việc với Mỹ, đồng minh chủ chốt của nước này, nhưng cũng không hoàn toàn từ bỏ mối quan hệ khó khăn với Iran.

Trước “thế kẹt” trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn cùng những ảnh hưởng tới lợi ích của Nhật Bản và Hàn Quốc do tác động từ căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, việc hai quốc gia đồng minh chiến lược của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á tìm kiếm nỗ lực ngoại giao để xoa dịu căng thẳng tránh các hành động leo thang hơn nữa tại cuộc đối thoại an ninh quan trọng này là điều không khó hiểu.

Theo TTXVN