Đừng "đầu voi, đuôi chuột" trong xử phạt nồng độ cồn

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:32, 11/01/2020

Hiệu quả của việc xử phạt nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã được chứng minh bằng thực tế. Tuy nhiên, người dân mong chờ là việc xử phạt sẽ không “đầu voi, đuôi chuột”

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019 đã được lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông cả nước thực hiện ngay khi có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.

Sau 6 ngày triển khai (từ ngày 1-6.1), cả nước đã có 2.673 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, mức phạt cao nhất lên tới 35-40 triệu đồng (mức kịch trần) dành cho lái xe ô tô.

Ngày 8.1, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông các địa phương về việc đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Trước đó, ngày 6.1, Cục CSGT (Bộ Công an) cũng đã ra công điện chỉ đạo lực lượng CSGT Công an các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có... phục vụ kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Điều đáng nói là sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt lần này của lực lượng CSGT nhận được sự đồng thuận rất lớn trong xã hội. Dù vẫn còn một số ý kiến nhưng cơ bản dư luận đều nhất trí với việc cần triển khai xử phạt, thậm chí mong muốn phải xử phạt nặng hơn, kiên quyết và dài hơi, để những con “ma men” không còn gây ra những nỗi đau, mất mát cho gia đình, xã hội.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thực sự đã tạo ra một tác động rất lớn tới xã hội sau 1 tuần triển khai; một phần là nhờ mức phạt rất nặng (mức phạt cao nhất với người điều khiển xe máy là 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng, với lái xe ô tô là 40 triệu đồng; lần đầu tiên sẽ xử phạt cả với người đi xe đạp, với mức xử phạt cao nhất khi “có rượu bia” là 600.000 đồng). Do vậy, những ngày qua, nhiều quán nhậu đã vắng đi trông thấy, các dịch vụ gọi xe sau khi nhậu cũng đã được triển khai và sử dụng nhiều.

Người điều khiển phương tiện giao thông đã biết sợ để kiềm chế uống và chọn thuê xe về nhà khi đã có hơi men. Hình ảnh một cụ ông vác xe đạp trên vai sau khi uống rượu để về nhà được lan truyền trên mạng, dù là vui vui, nhưng cũng đã cho thấy phần nào hiệu quả của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Bước đầu tiên đã thành công, những chuyển biến đã nhanh chóng xuất hiện, điều người dân mong chờ là việc xử phạt sẽ không “đầu voi, đuôi chuột”, không chỉ là một chiến dịch trong thời điểm nghị định mới có hiệu lực.

Muốn vậy, lực lượng CSGT phải có những kế hoạch để việc kiểm tra, xử phạt được thực hiện thường xuyên; đồng thời bổ sung phương tiện, máy móc phục vụ việc kiểm tra; bố trí lực lượng đủ cho việc xử lý và xử phạt, nhất là với những đối tượng ngoan cố, không chấp hành kiểm tra, hay những “ma men” vẫn nhờn luật, tiếp tục lạng lách, gây nguy hiểm cho xã hội.

Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình trong việc chấp hành luật để tự bảo vệ mình và những người xung quanh. Từ đó, biến việc hạn chế uống rượu bia và kiên quyết không lái xe khi đã có nồng độ cồn thành một quy tắc sống trong tương lai.

Hiệu quả của việc xử phạt nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã được chứng minh bằng thực tế. Tuy nhiên, cũng còn một số điều khiến dư luận băn khoăn, như quy định cứ có nồng độ cồn là sẽ bị xử phạt. Trên thế giới hiện có 20 nước áp dụng phương án này.

Trong khi có tới 80 nước chỉ xử phạt khi mức độ cồn trong khí thở phải đạt đến ngưỡng nào đó. Do vậy, cũng cần cân nhắc việc đưa ra mức “sàn” về nồng độ cồn, để việc xử phạt thật sự khiến người dân tâm phục, khẩu phục.


PHẠM TUYẾT