Dân nhậu chỉ cách 'sống chung' với Nghị định 100
Đời sống - Ngày đăng : 08:22, 11/01/2020
“Tôi với ông này uống nước lọc thôi, còn 2 ông được uống bia”, anh Tài phân công cho 3 người bạn của mình khi vừa vào một quán nhậu trên đường Nguyễn Trung Trực (quận 1). Uống vài ly bia sau khi chơi tennis buổi chiều là thói quen của nhóm bạn này từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, khoảng 1 tuần nay, thói quen này có sự thay đổi nhỏ. 4 người bạn sẽ lần lượt chia nhau để đảm bảo người lái xe thì không uống bia. “Trước ai lái xe thì uống ít thôi. Nhưng giờ có cồn là phạt nên anh em cũng rén”, anh Tài chia sẻ.
"Không thể bỏ nhậu"
Anh Tài và 3 người bạn không phải những người duy nhất thay đổi thói quen khi mức xử phạt mới có hiệu lực. Hơn 18h, quán bia trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) vẫn còn nhiều bàn trống. Nhân viên quán cho biết khoảng 1 tuần nay lượng khách đến quán giảm hẳn.
Những người ham nhậu vẫn có nhiều lựa chọn để uống rượu, bia mà không lo bị phạt |
Anh Nguyễn Thành ngồi một mình giữa quán, bên cạnh là một cốc bia. Ngồi đây đã nửa tiếng, từ khi tan làm, nhưng anh chưa gọi món vì đang chờ 2 người bạn khác tới. "Sáng nay mình nhắm là tối đi nhậu rồi nên đặt GrabBike (xe ôm công nghệ) đi làm luôn. Còn hai cậu bạn mình thì phải về cất xe rồi mới đi nên giờ vẫn chưa tới", anh Thành cho biết.
Dù biết những ứng dụng như say gọi tài xế đưa người và xe về nhưng anh Thành không muốn sử dụng do lo ngại nguy hiểm bởi "không biết đấy là ai mà lúc xỉn giao cả người lẫn xe cho họ". Anh chọn đi xe ôm để vừa an toàn, vừa không phạm luật mà vẫn được nhậu.
Khi được hỏi về việc Nghị định mới có khiến anh nghĩ tới việc từ bỏ thói quen uống rượu, bia, anh Thành lập tức khẳng định: "Không thể bỏ nhậu. Làm sao bỏ được!".
Anh Thành đã đi nhậu như một thói quen hàng tuần để gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, đối tác. Đặc biệt, dịp cuối năm thì các cuộc nhậu càng dày đặc hơn. "Nếu biết uống cầm chừng, nhậu đúng cách thì tôi cho rằng sẽ vui hơn ăn uống bình thường. Mình ngồi nói chuyện lai rai với bạn bè thấy gần gũi hơn", anh Thành chia sẻ.
Đánh thuế rượu bia cao để người dân bớt uống
Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Thái Sơn (Hà Nội) đã có thói quen gọi bạn về nhà nhậu cho tiết kiệm và an toàn. Tuy nhiên, ông vẫn lo "dính phạt" với nghị định mới bởi ông được biết phải mất 24 giờ cồn mới biến mất khỏi hơi thở. Tức là, nếu đêm nay ông uống quá nhiều thì sáng hôm sau vẫn có nguy cơ bị xử phạt nồng độ cồn khi lái xe.
Do đó, ông Sơn đã nghĩ ra một lựa chọn đặc biệt khác: Bia không cồn, hay còn gọi là bia chay. Ông Sơn cho biết đã nghe về loại bia này nhiều năm nay nhưng chẳng bao giờ lựa chọn vì “uống thế thì chẳng xem là uống”. Tuy nhiên, với luật mới thì ông “cũng đành phải thích nghi”.
“Bia không cồn có 0,5% nồng độ cồn nên nếu bị thổi có khi vẫn ‘dính’. Nhưng mà uống thế thì cồn nhanh chuyển hóa hơn. Đêm nay uống thì ngày mai đi xe vẫn được.”, ông Sơn phân tích.
Cảnh sát giao thông Hà Nội đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông |
Cũng là một “dân nhậu chuyên nghiệp", ông Huy (TP Hồ Chí Minh) đồng tình với luật mới và cho rằng mức phạt này hợp lý để xây dựng một “văn hóa sạch”. Tuy nhiên, ông cho rằng phạt chỉ giải quyết vấn đề ở phần ngọn, tức là phần hậu quả khi người dân đã uống xong. Ông đề xuất cần đẩy mạnh xử lý phần rễ là việc buôn bán, nhập khẩu rượu, bia.
“Trước kia, bia Heineken chỉ dân nhà giàu mới dám uống, giờ công nhân cũng uống được. Thử bán 1 chai bia 200 nghìn xem ai dám uống. Không ở đâu bia rẻ như Việt Nam, 15.000 đồng/chai, uống chục chai cũng được. Thuế phí phải cao lên”, ông Huy thẳng thắn đề xuất.
Giảm bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Mai Đức Huy cho biết cá nhân ông nhận thấy tỷ lệ nhập viện do tai nạn giao thông trong tuần qua có giảm so với trước. “Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng tôi thấy số ca nhập viện bớt. Vì các ca tai nạn giao thông chủ yếu xuất phát từ người uống rượu, bia nhiều. Số người uống giảm thì kéo theo số vụ tai nạn cũng giảm”, ông Huy nhận định. Bác sĩ Huy cho biết sắp tới, bệnh viện sẽ thống kê mô hình bệnh tật đề thấy rõ sự thay đổi trong lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, sau 1 tuần ra quân thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra xử phạt 200 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Trong đó có 190 lái xe gắn máy, 10 trường hợp là tài xế ôtô. |
Theo Zing