“Treo” bằng đại học, về quê làm nông nghiệp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:57, 11/01/2020
Anh Lê Văn Long nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2019
Dù bước sang một lĩnh vực mới, không được đào tạo chính quy nhưng anh Lê Văn Long (sinh năm 1988, ở xã Bình Dân, Kim Thành) vẫn gặt hái được thành công từ trồng măng tây. Anh là 1 trong 3 thanh niên tiêu biểu của tỉnh vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2019.
Dám mạo hiểm
Tốt nghiệp THPT năm 2006, anh Long thi đỗ vào Khoa Xây dựng Trường Đại học Giao thông vận tải. Ngay từ những năm đầu học đại học anh đã đi làm thêm. Vốn cần cù chịu khó, anh Long được nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện để vừa học vừa làm.
Tốt nghiệp đại học, anh Long làm việc cho một công ty xây dựng ở Hà Nội. Năm 2012, anh lập gia đình. Vợ anh tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, lúc đó cũng đã có việc làm ổn định tại Hà Nội.
Khi vợ chồng anh Long có con, cuộc sống đòi hỏi phải vững vàng hơn về kinh tế nên vợ chồng anh quyết tâm tìm hướng đi mới. Cuối năm 2014, anh “bén duyên” với cây măng tây qua một người bạn làm cùng công ty ở Bắc Ninh.
Người bạn này đã có kinh nghiệm trồng măng tây và một số loại rau nên anh Long đã về tận nơi tìm hiểu. Nhận thấy thị trường đang rất chuộng cây măng tây vì đây là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao nên anh bỏ nghề, gác tấm bằng đại học sang một bên để về quê trồng măng tây.
Trước khi bắt tay thực hiện mô hình, anh Long tích cực học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè và trên internet. Đầu năm 2015, anh thuê đất của 20 hộ ở xã Tam Kỳ (cùng huyện) để trồng măng. Lúc đầu, anh Long thuê đất cũng không dễ vì nhiều người không đồngý hoặc cho thuê với giá cao. Tuy nhiên với sự kiên trì vận động nên đến nay anh đã thuê được hơn 2 ha trong 10 năm chuyên trồng măng tây.
“Lúc vợ chồng tôi từ Hà Nội về quê không có một đồng vốn giắt lưng. Bố mẹ tôi không đồng ý cho làm nông nghiệp vì đã cho đi học đại học và đang có công việc ổn định. Sau đó một vài tháng, tôi mới thuyết phục được ông bà hai bên cho mượn sổ đỏ để vay ngân hàng và vay mượn bạn bè thêm được một ít để trả tiền thuê đất, thuê nhân công làm đất, vun luống trồng măng”, anh Long kể về lúc khó khăn khởi nghiệp.
Có được vốn và đất, anh Long đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trồng măng tây. Hiện nay ở Việt Nam chưa có giống măng này nên anh phải nhập tận Mỹ về ươm dẫn tới giá thành khá cao.
Vườn măng được trang bị hệ thống tưới tự động, máy làm đất để thuận tiện cho chăm sóc. Đây là vườn măng tây có diện tích lớn trong tỉnh nên hằng tháng anh Long đón tiếp nhiều đoàn khách ở các nơi đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Làm nông sản sạch
Những năm tháng khó khăn ban đầu rồi cũng qua. Giờ đây, anh Long đã có nhiều kinh nghiệm và thành công với mô hình trồng măng tây sạch. Thương hiệu măng tây đã gắn liền với tên của anh vì thế mà người dân ở đây hay gọi anh là Long “măng tây”.
Cây măng tây trồng sau 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Do diện tích lớn nên anh thuê khoảng 10 người đến làm thường xuyên, dọn cỏ và cắt bỏ cây già, héo.
Ngay từ các khâu chăm sóc măng tây ban đầu anh Long đã không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học vì theo anh sử dụng những loại này sẽ làm cho đất sớm mất đi dinh dưỡng, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng sản phẩm.
Anh Long quyết tâm phải sản xuất thực phẩm sạch để được mọi người tin dùng. Đến nay, anh đã hiểu được chu kỳ sinh trưởng của cây măng để điều chỉnh chăm bón thích hợp.
Hiện mỗi ngày anh thu 1,5 tạ măng tây. Măng tây của gia đình anh Long đang được bán ở nhiều nhà hàng, cửa hàng tiện lợi tại TP Hải Phòng. Nhiều người dân xung quanh khu vực cũng biết đến nên đặt mua với lượng lớn. Hiện anh không lo đầu ra cho sản phẩm, chỉ lo không có măng để bán.
Mỗi năm, anh Long thu hơn 1,5 tỷ đồng từ măng tây, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập 2-5 triệu đồng/người/tháng. Khi hỏi về lợi nhuận, anh Long ngại ngùng không nói song chúng tôi tin với mô hình này mức lãi không chỉ dừng ở con số hàng chục triệu đồng.
Tháng 12.2019, anh Long được Trung ương Đoàn Thanh niên trao Giải thưởng Lương Định Của. Đây là giải thưởng tôn vinh những thanh niên nông thôn vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
“Làm nông nghiệp không sợ đói. Chỉ cần có ý chí và kiên trì thì sẽ làm được. Đại học không phải là cánh cửa duy nhất dẫn đến thành công”, anh Long chia sẻ.
Mỗi sớm thức dậy, sau khi chuẩn bị cho con đi học xong, vợ chồng anh Long lại đến ruộng cùng các nông dân chăm sóc măng tây. Ngoài sản xuất nông nghiệp, anh Long còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn của hai xã Bình Dân và Tam Kỳ, Huyện đoàn Kim Thành tổ chức.
Với mong muốn làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo điều kiện cho các thanh niên có khát vọng khởi nghiệp, thời gian tới, anh Long tiếp tục thuê thêm đất để trồng măng tây và một số loại rau khác.
Anh mong muốn các ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng tạo điều kiện để anh thành lập HTX, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của mình.
MINH NGUYÊN