Thưởng Tết không phải là ban ơn
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:50, 12/01/2020
Mặc dù công việc bận rộn như vậy nhưng ngoài lo những đơn hàng cho kế hoạch đầu năm, DN vẫn chủ động lo Tết cho cán bộ, công nhân. Công đoàn bàn với giám đốc, giám đốc thì tính toán lợi nhuận của năm để quyết định mức thưởng Tết cho người lao động (NLĐ).
Có thể nói thưởng Tết đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. "Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng". Nghĩ thế nên chủ DN cũng tìm mọi cách để thưởng cho NLĐ. Ở những DN lớn, lợi nhuận cao, phúc lợi nhiều thì tiền thưởng không khó khăn gì.
Nhưng ở những DN nhỏ, siêu nhỏ, tiền thưởng Tết cũng là những trăn trở, lo toan, tính toán của người sử dụng lao động, sao cho có tiền thưởng Tết để NLĐ yên tâm sản xuất ở DN, không còn tình trạng công nhân đình công trước Tết hay sau Tết công nhân "nhảy việc".
Muốn có tiền thưởng cao, DN và NLĐ phải triệt để tiết kiệm, tăng cường cải tiến quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến làm cho năng suất lao động cao, giá thành hạ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, lợi nhuận ngày càng lớn. Như vậy, tiền thưởng không phải tự nhiên mà có, nó nằm trong quá trình sản xuất, kinh doanh do NLĐ tạo ra.
Các Mác đã từng chỉ ra: "Vốn không sinh ra lời mà lao động sinh ra lời". Vì thế, dù việc thưởng Tết cho NLĐ không phải là quy định bắt buộc nhưng không vì thế mà chủ DN coi đây là sự ban ơn, là gánh nặng, mà chính là công sức đóng góp của NLĐ bỏ ra, chủ DN có trách nhiệm chia lại thông qua tiền thưởng Tết, nhằm động viên NLĐ càng thêm gắn bó với DN.
Để NLĐ cùng vui với cái vui của DN, cùng lo lắng, quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, gian khổ của DN để DN trụ vững và ngày càng phát triển, trong đó có công sức đóng góp của mọi thành viên trong DN.
Có đóng góp là có quyền lợi. Đóng góp nhiều, thưởng Tết sẽ nhiều và ngược lại, tránh thưởng kiểu cào bằng sẽ không khuyến khích được NLĐ có thành tích, năng suất cao.
Ngược lại, nếu NLĐ không chung tay góp sức cùng DN, DN sản xuất, kinh doanh yếu kém, thua lỗ, đương nhiên NLĐ sẽ phải chịu thiệt thòi cùng DN: Thiếu việc làm, lương thấp hoặc chậm trả lương, tiền thưởng Tết hẳn là không có. Cho nên không lấy gì làm lạ khi một số DN có mức tiền thưởng Tết "khủng".
Có nơi thưởng Tết dương lịch cao nhất như một DN ở TPHồ Chí Minh tới 3,5 tỷ đồng. Ở tỉnh ta, đến ngày 30.12.2019, có khoảng 180 DN báo cáo số liệu thưởng Tết cho NLĐ đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Mức thưởng Tết của các DN bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người, tăng 1 triệu đồng so với Tết Kỷ Hợi 2019.
Một cá nhân thuộc Công ty CP Nhựa An Phát xanh (cụm công nghiệp An Đồng, Nam Sách) nhận mức thưởng Tết Canh Tý 2020 cao nhất với số tiền 950 triệu đồng. Nhưng vẫn có DN thưởng Tết cho NLĐ chỉ 100.000 đồng/người.
Trong thưởng Tết, một số nơi còn thưởng vé tàu xe, vé máy bay cho công nhân, thậm chí còn bố trí xe đưa công nhân về quê ăn Tết và đón công nhân trở lại làm việc, vừa bảo đảm thời gian khai xuân đầu năm, vừa tỏ rõ sự quan tâm của DN với công nhân.
Tuy vậy, cá biệt còn có DN thưởng Tết cho công nhân bằng hàng hóa tiêu dùng không thiết thực với nhu cầu đời sống những ngày Tết, làm cho việc thưởng Tết không có ý nghĩa. Đây cũng là nguyên nhân công nhân "nhảy việc" sau Tết.
Có thể nói thưởng Tết trong những ngày cuối năm đang là đề tài "nóng" trong dư luận ở các DN. DN này nhìn DN kia, so sánh, tính toán nên thưởng ở mức nào? Còn NLĐ thì đang mong tiền thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn những năm trước.
Đó cũng là một mong muốn chính đáng. "DN là nhà, công nhân là chủ", khẩu hiệu này đã được đưa ra từ những năm còn bao cấp. Nhưng nay trong nền kinh tế thị trường cần được hiểu và áp dụng nó trong cơ chế mới để tiền thưởng nói chung, thưởng Tết nói riêng có ý nghĩa thiết thực động viên, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo thêm sự gắn bó giữa NLĐ với DN.
VŨ HOÀNG