Ca sĩ Đăng Dương: Một tài năng của dòng nhạc thính phòng

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 15:11, 12/01/2020

Với chất giọng nam cao khỏe khoắn, khoáng đạt, nam ca sĩ quê Hải Dương - Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương sớm được biết đến là một tài năng trong dòng nhạc thính phòng.

Hơn 20 năm làm nghề, Nghệ sĩ Ưu tú Đăng Dương có chỗ đứng vững chắc trong lòng người nghe nhạc

Vất vả chữa ngọng

Những ngày này, ca sĩ Đăng Dương đang tất bật chuẩn bị cho các show diễn đầu xuân. Đặc biệt là live concert “Việt Nam love story” sẽ diễn ra vào cuối tháng 2, ca sĩ sẽ tái xuất cùng Trọng Tấn - Việt Hoàn. Chương trình được người hâm mộ mong đợi dịp xuân mới. 

Đến với âm nhạc từ rất sớm, nay đã hơn 20 năm làm nghề, hỏi Đăng Dương việc sinh ra ở Hải Dương có làm nên dấu ấn nào trong anh, Đăng Dương hài hước nói: “Đó là khoảng thời gian dài phải chữa… ngọng”. Anh kể tình yêu âm nhạc đến với anh từ rất sớm. 7 tuổi Đăng Dương đã rất thích hát, anh hay theo bố đến cơ quan để hát trong các buổi lễ, hội nghị.

Năm 13 tuổi, anh được Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm chọn đi học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Một mình anh khăn gói từ Hải Dương lên Thủ đô học với đủ thứ khó khăn nhưng khó nhất vẫn là chữa ngọng. Dương phải tập ngày, tập đêm, cứ mở miệng ra là răn mình uốn lưỡi nói sao cho đúng, từ học phát âm, luyện nói chậm, đến nói nhanh.

“Những tưởng cánh cửa âm nhạc sẽ đóng sập bởi hát mà ngọng là… chết rồi. Đó cũng là kỷ niệm vui mà chính từ đó rèn cho Dương tính kiên trì, không dễ bỏ cuộc”, ca sĩ Đăng Dương trải lòng.

Đăng Dương vào nghề không phải được học thanh nhạc ngay. Lúc đầu do giọng chưa hoàn thiện nên anh được chọn vào lớp đàn bầu. Năm thứ hai đại học, anh mới thi chuyển sang học thanh nhạc nhưng anh lại chọn dòng nhạc thuộc dạng khó là thính phòng cổ điển.

Dù biết dòng nhạc mình theo đuổi rất kén người nghe nhưng anh vẫn kiên định theo đuổi vì đó là đam mê. Đăng Dương đã mất một khoảng thời gian dài phải ngửa tay xin tiền bố mẹ để sống qua ngày.

Nhìn các bạn theo dòng nhạc nhẹ, cuối tuần được đi diễn, lại có tiền để trang trải cuộc sống, Đăng Dương bảo ngày nào cũng ước ao không biết bao giờ niềm hạnh phúc ấy mình sẽ có được?

Năm 1994, bước ngoặt đến khi anh nhận được lời mời tham dự cuộc thi của Quân khu 3 và nhận được huy chương vàng với ca khúc “Hát với biển khơi” của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh.

“Sau khi giành được huy chương vàng và đi hát thêm ở ngoài, tôi không còn phải xin tiền bố mẹ nữa”, Đăng Dương kể.

Thành công liên tiếp đến khi năm 1995, anh đoạt giải nhất Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”, tiếp đến là giải nhất Cuộc thi “Thính phòng toàn quốc” lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1998, bộ ba Đăng Dương-Trọng Tấn-Việt Hoàn đại diện cho nhạc viện dự thi “Liên hoan Tiếng hát sinh viên” tại Đà Nẵng. Từ đây, tam ca làng nhạc nổi lên như một hiện tượng và dần có được chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc.

Bền bỉ với nghề

Đến bây giờ bộ ba Đăng Dương-Trọng Tấn-Việt Hoàn vẫn là sự kết hợp hoàn hảo mà khó cái tên nào có thể thế chỗ, nhất là ở dòng nhạc cách mạng.

Chọn hướng đi bền bỉ, trung thành với dòng nhạc cổ điển, nhạc cách mạng vốn không thuộc thị hiếu của khán giả hiện đại, chúng tôi hỏi Đăng Dương: Anh có tự chọn cho mình con đường khó? Đăng Dương cười bảo biết khả năng của mình phù hợp với thể loại nào nên kiên định chọn con đường đi. Nếu cứ chạy theo thị hiếu mà lao theo sự nghiệp “ăn xổi” thì rồi cuối cùng cũng chẳng đạt được gì.

Ngay đến tận bây giờ hơn 20 năm làm nghề, Đăng Dương vẫn phải không ngừng học hỏi, bởi xác định theo âm nhạc bác học thì phải phấn đấu, rèn luyện cả đời. “Người ta cứ nói theo dòng nhạc này thì thu nhập khó sống nhưng dòng nhạc đã nuôi tôi rất tốt, tuy không quá dư dả nhưng có một cuộc sống ổn định là Dương tạm cảm thấy hài lòng”, Đăng Dương nói.

Nghệ sĩ Đăng Dương tự nhận mình là một người khó tính trong âm nhạc, điều này thể hiện rõ trong quá trình biên soạn những sản phẩm âm nhạc mà anh đã cho trình làng.

Với anh, nghệ thuật đòi hỏi sự chỉn chu nên sản phẩm nào cũng phải được chăm chút kỹ lưỡng. Đơn cử khi làm album “Khi nắng mai về”, anh đã cẩn thận lựa chọn các bài hát, tự tìm người phối nhạc cho hợp với phong cách của mình, thậm chí có nhiều bài phải thu đi thu lại nhiều lần.

Thế nên đến năm2017, Đăng Dương mới làm live concert đầu tiên có tên “Mặt trời của tôi” để kỷ niệm hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật của mình. Đó là sản phẩm mà Dương ấp ủ trong hơn 2 năm.

Năm ấy, live concert của Đăng Dương đã "cháy vé", nhiều người muốn được xem anh diễn nhưng không thể vào. Sau đêm diễn, Đăng Dương nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cả khán giả và đồng nghiệp. Anh bảo chính những lời khen ngợi ấy đã giúp anh có động lực để tiếp tục con đường âm nhạc của mình.

Nói về niềm vui hiện tại, Đăng Dương bảo không hối hận vì con đường và dòng nhạc mình đã luôn nỗ lực theo đuổi. Cứ bảo dòng nhạc kén người nghe nhưng anh vui vì những năm gần đây nó đã lấy được cảm tình của rất nhiều khán giả.

Bằng chứng là trong các chương trình biểu diễn, những ca sĩ như anh đã nhận được rất nhiều sự yêu mến, sẻ chia. Mỗi khi diễn, nhìn xuống sân khấu có đủ tầng lớp khán giả, nhất là có cả các em học sinh, sinh viên… thì đó là điều an ủi vô cùng.

HUYỀN ANH

Ca sĩ Đăng Dương tên đầy đủ là Phạm Đăng Dương. Anh sinh năm 1974 tại xã Đức Xương, huyện Gia Lộc. Anh được đánh giá cao vì có một chất giọng chuẩn mực của dòng nhạc thính phòng, dòng nhạc cách mạng. Đăng Dương đang là Trưởng đoàn Ca nhạc mới của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2016 và Giải thưởng Âm nhạc cống hiến vào năm 2018.