Mỹ có chiến lược lớn hơn đằng sau vụ ám sát tướng Soleimani
Tin tức - Ngày đăng : 08:59, 14/01/2020
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Viện Hoover, Đại học Standford ở California, Mỹ ngày 13.1
Phát biểu tại Viện Hoover, Đại học Standford, California ngày 13.1, ông Pompeo không đề cập đến các mối đe dọa tiềm tàng từ các cuộc tấn công sắp xảy ra do tướng Soleimani lên kế hoạch.
Theo Hãng tin Reuters, bài phát biểu mang tiêu đề "Phục hồi sự răn đe: lấy Iran làm ví dụ" của ông Pompeo tập trung vào những gì mà ông gọi là chiến lược của chính phủ để "răn đe thực sự" Iran.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về lý do giết tướng Soleimani, chỉ huy đội đặc nhiệm Quds của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, chỉ làm loãng thêm những lập luận trước đó của Tổng thống Donald Trump để thực hiện cuộc không kích tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq nhắm vào vị tướng này.
Cũng trong ngày 13.1, ông Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định tiêu diệt tướng Soleimani trên mạng Twitter khi cho rằng không quan trọng việc vị tướng Iran này có phải là mối đe dọa trong tương lai hay không bởi vì "quá khứ khiếp đảm của hắn" là đủ rồi.
Trước đó, ngày 12.1, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định không có thông tin nào cho thấy Iran sắp sửa tấn công các đại sứ quán Mỹ. Ông Esper nói với Đài CBS rằng các phát ngôn của Tổng thống Trump không dựa trên bất kỳ bằng chứng nào.
"Có lẽ ông ấy muốn nói tới các cuộc tấn công trong tương lai. Về khoản đó thì tôi có cùng quan điểm với tổng thống", ông Esper nói.
Ông Pompeo nói rằng có "một chiến lược lớn hơn" đằng sau việc giết tướng Soleimani. "Tổng thống Trump và những người trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông ấy đang tái lập sự răn đe, sự răn đe thật sự, nhằm vào Iran", Ngoại trưởng Mỹ nói.
"Kẻ thù của bạn phải hiểu rằng bạn không chỉ có năng lực để bắt họ trả giá mà bạn còn thực sự sẵn lòng làm điều đó. Trong mọi trường hợp, chúng ta phải răn đe kẻ thù để bảo vệ tự do", ông Pompeo cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Pompeo cũng ví dụ thêm về sự răn đe kẻ thù của Mỹ như việc nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine đế chống lại các lực lượng nổi dậy do Nga hậu thuẫn, việc ông Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga cũng như các vụ thử tên lửa hành trình tầm trung mới của Mỹ.
Ngoại trưởng Pompeo cũng cho biết là các cuộc tập trận của hải quân Mỹ ở Biển Đông là nhằm tăng cường đối phó với việc quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực này, hay việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc cũng là một khía cạnh trong chiến lược răn đe của chính quyền ông Trump.
Theo Tuổi trẻ