“Đào tạo 100 mà 70 em thành công dân nước ngoài là rất lãng phí"
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:00, 15/01/2020
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Quân tại Hội nghị tổng kết chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp quốc tế theo chương trình chuyển giao của Úc. Chương trình do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) tổ chức ngày 14.1.
Không nên đòi hỏi thái quá về ngoại ngữ mà bỏ qua kỹ năng nghề nghiệp
Đánh giá về những kết quả đạt được sau khi triển khai chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của Úc, Thứ trưởng LĐTBXH Lê Quân cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện, đã có 25 trường tham gia đào tạo với 724 sinh viên được tiếp cận và đào tạo trình độ, kỹ năng tay nghề đạt chuẩn quốc tế.
“12 nghề này được chúng tôi đánh giá cao bởi đó đều là những nghề xã hội rất cần, tập trung nhiều vào các ngành Công nghệ kỹ thuật và ngành có nhu cầu cao ở cả trong và ngoài nước”.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân
Thứ trưởng Lê Quân cho biết, muốn hội nhập tốt phải lấy tiêu chuẩn quốc tế làm thang đo, từ đó đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Với những tham chiếu quốc tế, tiêu chuẩn lao động quốc tế và thị trường lao động quốc tế, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ hơn khoảng cách để từng bước hoàn thiện và hội nhập.
Trong quá trình ấy, ông Quân cho rằng, cũng có những vướng mắc khi áp dụng và triển khai.
“Người học khi tham gia vào các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, rào cản lớn nhất là vấn đề ngoại ngữ. Để vượt qua được rào cản này, chúng ta phải đầu tư cho các em gấp 2, gấp 3 lần”.
Ông cho rằng, nếu đòi hỏi thái quá về trình độ ngoại ngữ mà bỏ qua cái gốc là làm sao đào tạo ra người lao động có kỹ năng đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp thì sẽ rất khó có được những người có năng lực.
Nhưng ngược lại, nếu quá tập trung vào kỹ năng nghề quá mà bỏ qua ngoại ngữ thì người học sẽ không có khả năng hội nhập.
Do vậy, theo ông cần phải vừa tiếp nhận, vừa điều chỉnh cho phù hợp.
“Khoảng năm 2000, chúng tôi đã phụ trách các chương trình đào tạo chuyển giao từ Pháp dành cho những sinh viên có trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Đây là thách thức rất lớn nhưng chúng tôi đã vượt qua bằng cách tổ chức đào tạo tăng cường cho các em.
Sau này khi tốt nghiệp, nhiều em đã đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và được làm việc trong môi trường quốc tế. Nhiều em sau đó đã học tập tiếp ở nước ngoài. Đây là những đối tượng các trường đại học nước ngoài rất quan tâm để giới thiệu chương trình học tiếp”, ông Quân dẫn chứng.
Phải đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp cần
Ông Quân cũng cho rằng, khi triển khai chương trình, bên cạnh việc đào tạo theo chuẩn quốc tế, chương trình cũng cần phải hướng đến sự phù hợp với thị trường Việt Nam.
“Không phải đào tạo nghề là cứ thế đi theo những chuẩn cứng. Chúng ta phải đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài, nhu cầu thị trường trong nước, nhu cầu của các doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện của nhà trường và người học.
Nếu chúng ta đào tạo ra nhân lực mà doanh nghiệp Việt Nam không có nhu cầu, khi đó cũng là không phù hợp. Những chương trình đào tạo “duy lý trí” rất dễ rơi vào tình trạng tỉ lệ sinh viên nghỉ học, bỏ học rất cao”, ông Quân khuyến nghị.
Trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, mục tiêu đào tạo chất lượng cao không phải thể hiện ở việc đào tạo xong, các em ra nước ngoài làm hết. Đào tạo 100 em nhưng đến 70 em trở thành công dân nước ngoài, như thế là rất lãng phí.
“Công sức, ngân sách bỏ ra để đào tạo trước hết phải đóng góp mạnh vào việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Đó mới là sứ mệnh của chương trình”.
Khẳng định lại hướng đi đúng đắn của chương trình đào tạo này, Thứ trưởng Lê Quân nói: “Đến hôm nay, chúng ta có thể thở phào khi một lứa sinh viên đã hoàn thành chương trình. Tỉ lệ sinh viên theo học từ đầu vào đến đầu ra đạt 93%. Nhờ vào việc gắn chặt định hướng nghề nghiệp, tạo động lực cho các em học tập và cũng phải rất kiên nhẫn, chúng ta mới có thể đạt được thành tích này”.
Theo Vietnamnet