Để mọi người, mọi nhà đều có Tết
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:52, 16/01/2020
Nhưng với người nghèo, người có thu nhập thấp thì dịp Tết đến xuân về lại thêm phần lo toan.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối cùng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo Tết cho người nghèo, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải quan tâm chăm lo Tết cho người nghèo, không để người nghèo nào trên cả nước đứt bữa trong dịp Tết, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng phải lo cho các gia đình được đón Tết vui vẻ, đầm ấm".
Với tinh thần “không để ai ở lại phía sau”, “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo Tết cho người nghèo. Nhân dịp Tết Canh Tý, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-CTN về việc tặng quà Tết cho người có công với cách mạng như Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Trên khắp cả nước, rất nhiều hoạt động “tương thân, tương ái” đã được tổ chức với hy vọng mang một cái Tết vui vẻ, đầm ấm đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách.
Ở tỉnh ta, tối 10.1 vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hải Dương và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tổ chức chương trình “Xuân ấm tình người” năm 2020. Chương trình thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến các gia đình chính sách và hộ nghèo. Ngay trong chương trình, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận 30.165 suất quà với tổng trị giá trên 24 tỷ đồng cho hộ nghèo.
Những ngày gần đây các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đến thăm, động viên, tặng nhiều phần quà giá trị về cả vật chất và tinh thần chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn...
Chung tay giúp đỡ hộ nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết cổ truyền là việc làm thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành và toàn xã hội để ngày Tết của đồng bào nghèo được trọn vẹn hơn. Để việc lo Tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em mồ côi, người già cô đơn được chu toàn rất cần có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ, trao tặng có thể dưới nhiều hình thức như tặng tiền, quần áo, chăn màn; có thể là các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ trực tiếp cho việc đón Tết của các gia đình...
Các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã cần điều tra, khảo sát nắm thật cụ thể những hoàn cảnh, đối tượng nghèo khó, bệnh tật, cơ nhỡ để việc hỗ trợ, giúp đỡ đúng đối tượng, không nhầm, không để sót. Bên cạnh đó, cần quán triệt cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhận thức đúng về ý nghĩa của việc tặng quà cho người nghèo và đối tượng chính sách; kiểm tra, giám sát việc phân phát, hỗ trợ quà Tết cho người nghèo và đối tượng chính sách, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền hoặc quà Tết hỗ trợ người nghèo.
Điều không kém phần quan trọng là việc tặng quà Tết phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và chất lượng. Tránh tình trạng tặng những mặt hàng kém chất lượng, quá hạn, không còn giá trị sử dụng. Bởi như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của hoạt động mang tính nhân văn, đồng thời cũng làm giảm niềm tin của đối tượng được trợ giúp cũng như của xã hội.
YẾN NHI