"Lì xì có 100.000 đồng, keo thấy ớn"
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:19, 17/01/2020
"1 triệu! Wow! Nhím ơi, chú Sáu lì xì anh 1 triệu đồng luôn!" - "Ờ, đúng rồi, em cũng vậy luôn nè" - "Em cũng vậy nữa" - "Anh cũng vậy, chú Sáu giàu quá"...
Tiếng bàn tán rất hồ hởi của mấy đứa trẻ trên phòng khách (trong đó có con tôi, năm nay cháu đang học lớp 4) khiến tôi chạy vội từ dưới bếp lên. Thì ra, sau khi được lì xì, các cháu đã mở ngay phong bao ra và bình phẩm các kiểu.
Thói quen mở bao lì xì ra ngay tắp lự của các cháu bên gia đình chồng tôi không phải năm 2019 mới xuất hiện mà đã có trước đó 2 năm. Đó là cái Tết tôi không thể nào quên. Bởi tôi quan niệm lì xì không nên quá nhiều tiền, nhất là với những đứa trẻ ở tuổi tiểu học như con và các cháu tôi.
Thế nên, với 15 đứa cháu, tôi đều cho vào phong bao đỏ mỗi cái 100.000 đồng (những năm trước đó cũng vậy). Năm ấy, khi nhận bao lì xì từ ông bà, cô chú, bé trai 8 tuổi con chị chồng tôi đã mở ngay ra xem khiến những đứa trẻ khác trong nhà cũng làm theo (chỉ có con tôi không tham gia bởi cháu đã được mẹ giải thích rất kỹ: mục đích của lì xì là mang điều may mắn, tốt đẹp đến cho trẻ em).
Tiền nhiều hay ít tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của người lớn. Nếu giàu có họ sẽ lì xì nhiều. Nếu khó khăn họ sẽ lì xì ít nhưng ý nghĩa của việc lì xì thì không thay đổi. Bởi vậy, con tôi có thói quen nhận lì xì xong là đưa hết cho mẹ giữ.
Thế rồi đám cháu xướng tên từng người trong nhà cùng với số tiền lì xì: "Chú Sáu lì xì tới 500.000 đồng lận! Quá đã", "Hả? Thím Tư (là tôi - NV) lì xì có 100.000 đồng à. Keo thấy ớn!", "Thím Năm cũng có 100.000 đồng, chán ghê!"... Tôi ngượng chín mặt với gia đình bên chồng. Sau năm đó, tôi và em dâu bảo nhau: "Ráng mà "đu" theo em chồng. Nếu không năm sau lại nghe tụi nhỏ nhận xét "keo thấy ớn" thì thẹn lắm".
Tết năm 2018, tôi bỏ mỗi phong bao 500.000 đồng, 15 đứa cháu - số tiền này không phải ít với đồng lương công chức của vợ chồng tôi nhưng vẫn phải ráng. Được 1 năm yên ổn, năm 2019 em chồng tôi lì xì mỗi đứa cháu tới 1 triệu đồng, làm sao gia đình tôi "đu" theo nổi?
Tôi nghe mấy đứa nhỏ bàn tán mà nóng mặt. Ai đã tập cho chúng cái thói quen xấu xí mở bao lì xì ra trước mặt người lì xì rồi bình phẩm loạn xạ như vậy? Mà năm nay lại có thằng con tôi tham gia nữa chứ. Tôi nóng mặt, quát con: "Bắp! Ai cho phép con mở bao lì xì ra vậy? Mẹ đã dặn như thế nào?". Thằng con tôi mếu máo: "Các anh, chị mở quá chừng nên con làm theo, huhu...".
Thấy thế bố mẹ chồng tôi can ngăn: "Thôi, chuyện không có gì, trẻ con mà, kệ tụi nó đi...".
Sáng mồng 1 Tết thành ra mất vui vì chuyện trẻ con như thế. Tôi giận đám cháu thì ít mà tôi giận người lớn thì nhiều. Tại sao không dạy trẻ về ý nghĩa của việc lì xì cũng như cách sử dụng tiền lì xì chứ! Tôi giận luôn cậu em chồng.
Có nhất thiết phải sĩ diện, ra vẻ "ta đây" giàu có mà thể hiện bằng đồng tiền trong bao lì xì như thế hay không?
Theo Tuổi trẻ