Phát huy tinh thần "Đồng khởi" trong thời kỳ mới
Tin tức - Ngày đăng : 18:05, 17/01/2020
Đội quân tóc dài, lực lượng nòng cốt của phong trào Đồng khởi. Ảnh: T.L
Đối với nhân dân Bến Tre, tinh thần Đồng khởi trở thành truyền thống bất khuất, thấm sâu vào máu thịt, trở thành ý chí quyết tâm của mỗi người. Tinh thần Đồng khởi ấy được phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương, làm thay da đổi thịt mảnh đất cù lao vốn bị chia cắt, trở thành một vùng đất thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư, bạn bè trong nước và thế giới.
Cơn sóng trào dâng cao ngọn cờ cứu quốc
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, những năm 1954-1959, ở miền Nam Việt Nam, nhân dân ta kiên trì tiến hành đấu tranh chính trị, buộc Mỹ thi hành hiệp định Giơnevơ.
Trong khi đó, địch lại trắng trợn phá hoại hiệp định, ra sức củng cố xây dựng chính quyền tay sai; ráo riết tiến hành khủng bố, đánh thẳng vào lực lượng cách mạng và phong trào đấu tranh của quần chúng. Thực hiện Luật 10/59, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam, giết hại những người kháng chiến cũ, gia đình có người đi tập kết và quần chúng yêu nước.
Sự tàn ác của Mỹ-Diệm đã dồn nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải vùng lên để giải phóng cho mình.
Trong bối cảnh đó, tháng 1.1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng được tiến hành tại Hà Nội. Hội nghị đã ra nghị quyết xác định: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân".
Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Nghị quyết 15 như một ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng "Đồng khởi" khắp miền Nam. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh Thạnh (Bình Định) và Bắc Ái (Ninh Thuận) vào tháng 2.1959. Sau đó lan đến Trà Bồng (Quảng Ngãi) tháng 8.1959 và đặc biệt là cao trào Đồng khởi ở Bến Tre.
Ngày 17.1.1960, tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày, với gậy, gộc, súng ống… đồng loạt nổi dậy đánh đồn bốt, diệt ác ôn, giải tán chính quyền địch, giành lấy quyền làm chủ thôn xã.
Từ ba xã trên, phong trào đã lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Bến Tre. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ Bến Tre, đồng bào nổi trống gõ mõ, gây tiếng nổ, kéo lực lượng vây đồn, đốt bốt, gọi hàng binh sĩ, tước súng để trang bị cho lực lượng quần chúng diệt tề, phá kìm kẹp, giải phóng cho 22 xã, phá khu dồn dân, giành quyền làm chủ cho 22 xã khác.
Đặc biệt, phong trào Đồng Khởi đã hình thành đội quân chính trị vô cùng to lớn, với biệt danh lẫy lừng “Đội quân tóc dài” do Nữ tướng Nguyễn Thị Ðịnh chỉ huy, đã đi vào huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Trung ương cục miền Nam đánh giá thắng lợi to lớn của phong trào Đồng Khởi của tỉnh Bến Tre và coi đó là hình thức khởi nghĩa tiêu biểu ở vùng nông thôn, đồng bằng với tấn công địch bằng 3 mũi giáp công: chính trị, binh vận kết hợp với vũ trang, đặc biệt là sự xuất hiện của “Đội quân tóc dài” tấn công trực diện vào cơ quan đầu não của địch.
Từ thắng lợi này, khắp đồng bằng Nam Bộ và các tỉnh miền Trung đến Tây Nguyên, quần chúng nhân dân đã nhất tề nổi dậy thành phong trào Đồng khởi của toàn miền Nam với khí thế to lớn chưa từng có.
Tổng kết phong trào Đồng Khởi, đến cuối năm 1960 đã có 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang, góp phần làm tan rã trên 2 vạn binh lính và dân vệ, 2/3 chính quyền của địch ở cơ sở bị tan rã, trên 60% số thôn ấp ở Nam Bộ, trên 70% số dân ở Tây Nguyên đã được giải phóng.
Thắng lợi của Đồng khởi Bến Tre và các cuộc Đồng Khởi trong toàn miền Nam đã làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam, đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20.12.1960.
Sự ra đời của Mặt trận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với Chương trình 10 điểm đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân miền Nam.
Từ đó, cách mạng miền Nam Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, vững vàng với hai trụ cột là chính trị và quân sự, trên ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn, đô thị.
Phong trào Đồng khởi đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, làm lay chuyển tận gốc chế độ Sài Gòn do Mỹ dựng lên, thể hiện ý chí bất khuất, khí phách anh hùng tuyệt vời của nhân dân Nam Bộ nói chung, ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Phát huy tinh thần "Đồng khởi" trong thời kỳ mới
Tròn 60 năm đã qua kể từ ngày phong trào Đồng khởi như cơn sóng trào dâng cao ngọn cờ cứu quốc, những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Bước ra khỏi cuộc chiến giành độc lập dân tộc, Bến Tre phải đương đầu với không ít khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Toàn tỉnh có hơn 30.000 ha đất ruộng bị hoang hóa, hơn 50% diện tích dừa bị tàn phá, rừng ven biển gần như bị hủy diệt. Hệ thống giao thông đường bộ gần như bị phá nát, đi lại hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, với ý chí kiên cường và tinh thần vượt khó, cộng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống người dân.
Bến Tre trước đây là tỉnh nhỏ lẻ, cách biệt với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, các hoạt động kết nối gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đi vào hoạt động đã phá thế biệt lập, tăng cường kết nối giao thương, đưa Bến Tre trở thành tỉnh đầu mối kết nối các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh và Cà Mau trên tuyến quốc lộ 60. Nhờ đó, kinh tế tỉnh Bến Tre càng thêm nhiều chuyển biến tích cực.
Trong những năm qua, Bến Tre đã không ngừng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững và đã đạt được thành quả đáng khích lệ.
Trong 3 năm gần đây, tỉnh giữ tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hợp lý, ổn định và duy trì ở mức cao, từ 6,5 đến trên 7%. Trình độ khoa học và công nghệ không ngừng được nâng lên qua từng năm. Năm 2018, tốc độ đổi mới công nghệ và giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt 90% so với chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh.
Năm 2019, có 24/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt, trong đó thu ngân sách (vượt trên 31%), tăng trưởng kinh tế (đạt 7,39%), TP Bến Tre đạt đô thị loại II. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể; quốc phòng, an ninh được giữ vững…
Tình hình sản xuất nông nghiệp có chuyển biến khá tốt nhờ ứng dụng và nhân rộng tiến bộ khoa học, công nghệ gắn với các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ tập trung. Nhiều sản phẩm của địa phương đã được khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường, như sản phẩm bưởi da xanh đã xuất khẩu qua các nước: Hà Lan, Đức cùng nhiều thị trường tiềm năng như Singapore, Nhật Bản, Nga…, dừa xiêm xanh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”; sản phẩm dừa hữu cơ và lúa hữu cơ Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới...
Để có được kết quả tích cực trên, bên cạnh việc tổ chức triển khai nhất quán các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bến Tre cũng tiếp tục xây dựng và đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư mới, như Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp.
Mới đây, Bến Tre cũng đã xây dựng hoàn chỉnh dự thảo Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 với nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chính sách liên quan về thuế, tín dụng... của tỉnh cũng được triển khai kịp thời, bảo đảm nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp được tôn vinh, như danh hiệu: “Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam”; “Cánh Sếu Vàng vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và “Doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2019 vùng đồng bằng sông Cửu Long”…
Song song với phát triển kinh tế, công tác chăm lo đời sống đối tượng chính sách luôn được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Theo thống kê, Bến Tre có hàng vạn liệt sỹ, thương bệnh binh đã được hưởng chế độ phù hợp. Hơn 6.800 Bà mẹ Bến Tre đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện, tỉnh có hơn 400 mẹ còn sống, tất cả đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến suốt đời.
Về công tác xóa đói giảm nghèo, sau 3 năm thực hiện đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Bến Tre đã hỗ trợ 15.655/15.858 hộ tham gia đề án, đạt gần 99% kế hoạch.
Toàn tỉnh có 9.337 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp; 3.438 hộ sản xuất phi nông nghiệp, trong đó có 549 lao động tham gia khởi nghiệp bằng con đường xuất khẩu lao động.
Đến nay, 9.652 hộ đã được hỗ trợ thoát nghèo, trong đó có 6.739 hộ thoát nghèo bền vững theo 3 tiêu chí của đề án. Đề án còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường…
Theo TTXVN