Lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương của kiều bào

Tin tức - Ngày đăng : 08:26, 19/01/2020

Bà con kiều bào cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp về quê hương đất nước, trong đó có những ký ức về chuyến thăm huyện đảo Trường Sa.


Các cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân cùng các nhà báo, phóng viên trên tàu Trường Sa 19 vẫy chào cán bộ chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/15 (Phúc Nguyên). Ảnh minh họa

Tháng 4.2018, chuyến tàu KN 491 chở gần 70 kiều bào từ 24 quốc gia trên thế giới đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1/18 Phúc Tần đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và xúc động, trong đó có hoạ sĩ Nguyễn Quý Kiên Henri, Việt kiều Pháp.

Họa sĩ Kiên biết đến chương trình đi thăm Trường Sa thông qua những người bạn Việt kiều và trở thành 1 trong 3 Việt kiều Pháp may mắn có mặt trên chuyến tàu KN 491. Đối với anh Kiên và nhiều kiều bào khác, dành thời gian hơn 10 ngày lênh đênh trên biển không phải sự lựa chọn đơn giản nhưng anh tin rằng, đây sẽ là quãng thời gian ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Xa quê hương từ năm 1995, anh Kiên chỉ biết đến Trường Sa qua sách vở, các phương tiện truyền thông đại chúng, lời kể của bạn bè trong nước và quốc tế… Anh muốn được một lần đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, nơi mà những người lính dũng cảm còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn phải đối mặt với nguy hiểm rình rập.

“Qua chuyến đi, tôi rất khâm phục những người lính dũng cảm trên đảo Trường Sa. Tuổi đời họ còn rất trẻ, có người vừa rời ghế nhà trường đã lên đường nhập ngũ. Cũng có những người lính lớn tuổi chung thủy, nguyện cả đời gắn bó với Trường Sa. Dù khác nhau tính cách, tuổi đời, quê hương, hoàn cảnh gia đình… nhưng tất cả đều có chung lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Những người lính rất chất phác, giản dị nhưng nhiệt tình, thân thiện. Hầu như ai cũng hát hay, đàn giỏi”, Việt kiều Pháp nhớ lại.

Không chỉ ấn tượng với những khuôn mặt chiến sĩ sạm đen vì nắng gió mà anh Kiên còn ngỡ ngàng trước phong cảnh biển đảo. Anh Kiên kể lại, được chứng kiến bình minh, hoàng hôn, cảnh những con cá chuồn bay trên mặt biển ở Trường Sa, anh rất xúc động - “Biển đảo Việt Nam đẹp hơn rất nhiều so với tranh, ảnh hay những lời tả trong văn thơ”.

Chuyến đi kết thúc, dư âm về Trường Sa trong anh Kiên còn đọng lại mãi. Khi có dịp, anh thường kể lại hành trình ý nghĩa cho bạn bè, người thân, vận động bạn bè tuyên truyền và quyên góp để tiếp tục hỗ trợ Trường Sa về cả vật chất lẫn tinh thần.

“Mỗi người dân Việt Nam dù sinh ra và lớn lên ở bất cứ đâu cần góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc từ việc làm nhỏ nhất”, anh Kiên chia sẻ.

Cùng đi chung chuyến tàu KN 491 năm 2018, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Việt kiều Đức, xúc động chia sẻ: “Khi ra thăm Trường Sa mới cảm nhận, hiểu rõ hai tiếng đồng bào, Tổ quốc thiêng liêng và thân thương. Ở trên tàu, không ai quen ai, lần đầu gặp nhau nhưng đoàn kết, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau. Nơi đầu sóng ngọn gió cuộc sống còn nhiều khó khăn, vấn vả nhưng từ những em nhỏ đến người lính đôi mươi, người lính đã có hai màu tóc… đều có chung tinh thần lạc quan và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Sau chuyến thăm Trường Sa, bà Thanh Loan luôn đau đáu và tự nhủ “phải làm gì đó cho Trường Sa trong khả năng của mình”.

Nghĩ là làm, với tư cách là Phó Ban kết nối cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, bà Thanh Loan phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Thái Nguyên… kết nối, tạo việc làm cho vợ, người thân một số chiến sĩ Trường Sa, để các chiến sĩ yên tâm công tác nơi xa.

“Nhiều việc nhỏ góp lại thành việc lớn, tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được góp phần nhỏ bé để xây dựng và bảo vệ quê hương. Gần hai năm trở về từ chuyến đi, những bức ảnh về Trường Sa còn lưu nguyên vẹn trong điện thoại, mỗi khi bạn bè, người thân ở Đức hỏi thăm, tôi cho họ xem và kể cho họ nghe về đất nước mình. Mỗi lần kể, trái tim tôi đều vẹn nguyên cảm xúc về tình yêu đất nước như lần đầu”, bà Loan xúc động nói.

Chuyến thăm, tặng quà nhân dân, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 là sự kiện thường niên dành cho kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức liên tục từ năm 2012 đến nay.

Trong những năm qua, chương trình góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các khu vực quần đảo Trường Sa; đáp ứng được tình cảm và nguyện vọng của kiều bào được đến thăm tuyến đầu của Tổ quốc; tuyên truyền về ý thức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị của Đảng và nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo TTXVN