Nhà có hai đào

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:24, 19/01/2020

Ngay từ khi tìm mua đất, ông Hạng đã thích cây đào cổ thụ trước cửa nhà ông chủ đất cũ. Thân đào rất to, cành lá sum suê, đầy sức sống.



Vợ chồng ông Hạng làm nghề mua bán sắt vụn. Nhận thấy địa điểm kinh doanh trong phố chật chội, vợ chồng ông quyết định chuyển địa điểm ra Hoàng Tân. Ngày ấy, Hoàng Tân đất rộng, người thưa, nghề trồng hoa đào heo hắt. Có vẻ người dân ở đây chẳng còn thiết tha với một loại cây vừa khó tính, vừa phụ thuộc vào thời tiết. Ngay từ khi tìm mua đất, ông Hạng đã thích cây đào cổ thụ trước cửa nhà ông chủ đất cũ. Thân đào rất to, cành lá sum suê, đầy sức sống. Ông yêu cái thế “Song long quá hải” của nó. Ông khâm phục trí sáng tạo, bàn tay tài hoa của người trồng. Phải tâm huyết, yêu nghề lắm mới đủ kiên trì tạo được dáng ấy. Ông chủ đất cũ bảo: “Cây đào này đến tôi là ba đời rồi đấy. Thấy ông là người yêu cây cảnh nên tôi để lại tặng ông”. Ngày xây nhà mới, ông Hạng lo thợ thuyền đi lại thi công làm hỏng mất cây quý, ông mua tôn về quây kín bảo vệ. Thành ra cây đào vẫn đứng uy nghi trước cửa nhà. Những lúc bị áp lực công việc, ông thường ngồi ngắm cây đào. Mọi ưu phiền, lo toan dường như tan biến. Hôm khánh thành nhà, một người bạn bảo: “Thế cây rất hợp với phong thủy. “Song long quá hải” nghĩa là hai rồng vượt biển. Vậy nhà ông có cả một biển nước rồi. Việc làm ăn của ông sẽ phát đạt. Thủy sinh kim mà”. Ông Hạng không tin phong thủy. Nhưng ông phải công nhận việc buôn bán sắt vụn của gia đình tiến triển đến không ngờ. Từ chỗ làm ăn con con, sau gần ba chục năm, ông Hạng có cả một cơ ngơi bề thế. Nhớ ngày sinh con gái đầu lòng, ông Hạng đặt luôn tên là Đào. Một phần để kỷ niệm ngày đầu về Hoàng Tân. Phần nữa là ngầm tri ơn cây đào đã ban phát lộc cho gia đình ông. Hai đứa con ông học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Vì thế mà ông Hạng yêu quý cây đào cổ thụ vượt lên cả một tình yêu thông thường. 

Ấy thế mà giờ đây, cây đào nhà ông tự nhiên mắc một căn bệnh lạ. Lá đang xanh, chỉ một đêm chuyển màu vàng như nghệ, chiều rụng đầy gốc. Ban đầu ông Hạng cho rằng cây mắc bệnh vàng lá. Ông vào phố mua thuốc. Nhưng càng phun thuốc cây càng rụng lá nhanh hơn. Ông Hạng tìm đến nhà những người am hiểu trồng cây cảnh để hỏi kinh nghiệm. Mỗi người phán một bệnh khiến ông hoang mang. Có người thành thật: “Tôi trồng đào hơn 40 năm nay, nhưng chưa gặp trường hợp này”. Một điều lạ là chỉ riêng cây đào nhà ông mắc bệnh. Những ruộng đào lại hoàn toàn yên ả. Thành thử ông Hạng hoảng lắm. Có lúc trong đầu ông thoáng qua một ý nghĩ tiêu cực: Đây là điềm báo trước về công việc buôn bán của gia đình ông? Mùa tuốt lá đang đến gần. Nghĩa là chỉ còn dăm chục ngày nữa là Tết. Thực ra, ông Hạng không phải là người hiểu biết về đời sống của cây đào. Mọi quy trình, từ chăm bón, tưới tắm đến khoanh vỏ, tuốt lá, ông Hạng đều thuê người làm. Nóng ruột quá, ông Hạng gọi điện cho con gái: “Đào này, con vào Nhật Tân hỏi cách chữa trị. Nếu cần, mời họ về đây”. Đào hỏi: “Thế bố đã hỏi anh Thắng chưa? Một chuyên gia đấy”. 

Nghe nhắc đến Thắng, ông Hạng thở dài. Ông chẳng lạ gì Thắng. Thắng xuất thân từ trại trẻ mồ côi. Ngày mới chuyển về Hoàng Tân, ông Hạng đã nghe. Cha mẹ Thắng mất từ khi Thắng mới chỉ vài tháng tuổi. Họ mạc đều khó khăn, không thể nuôi được. Sau khi bàn kỹ, mọi người quyết định đưa Thắng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Thắng được nuôi dạy đến năm 17 tuổi. Thắng trở về làng, quyết lập nghiệp từ căn nhà ọp ẹp của cha mẹ, cùng dăm sào ruộng trồng đào. Bắt đầu từ những loài hoa ngắn ngày, sau đến dài ngày. Từ những cây cảnh đơn giản, dần đến tạo dáng cầu kỳ. Cuộc sống dần khá lên. Dư thừa đồng nào Thắng mua thêm ruộng. Những ngày ấy mua một, hai sào ruộng trồng đào dễ lắm. Người xưa dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cấm có sai. Bằng nghị lực và kiến thức, cộng thêm may mắn thời tiết thuận hòa, Thắng trúng mùa hơn mười năm liên tiếp. Ngoài việc chăm sóc đào bằng kinh nghiệm vốn có, Thắng còn trang bị cho mình kiến thức kỹ thuật tiên tiến trong sách vở. Vào những phiên chợ Tết, đào của anh bao giờ cũng bán chạy nhất. Những cây đào được tạo dáng long, ly, quy, phượng. Dưới bàn tay điêu luyện của Thắng, cây nào cũng sống động, thanh thoát. Thắng được xếp vào những người giỏi của Hoàng Tân. Thắng bắt đầu mở rộng quan hệ với các Hội Sinh vật cảnh từ trung ương đến địa phương.

Tạo hóa luôn bày đặt ra nhiều chuyện trớ trêu. Con gái ông Hạng, cái cô Đào ấy, lại yêu say đắm anh chàng Thắng từ hồi đang học năm thứ hai đại học. Thắng hơn Đào gần chục tuổi, không đẹp trai, không biết tán tỉnh bằng những lời có cánh. Biết tin vợ chồng ông Hạng tưởng như có tiếng sét kinh hoàng nổ giữa trời quang. Ông Hạng không chê gì Thắng, thậm chí còn khâm phục nữa. Ngày xưa, vợ chồng ông nghèo lắm. Nhờ chỉn chu, toan tính cẩn thận nên mới được như ngày nay. Bọn trẻ bây giờ khó hiểu thật. Chỉ biết yêu là yêu. Ông thấy cuộc hôn nhân này có vẻ nó trái khoáy thế nào ấy. Con gái ông đâu có nghĩ hộ ông, nào môn đăng hộ đối, nào trình độ học vấn, nào địa vị xã hội… Ông mang điều này trải lòng với con gái, mong con suy nghĩ thật kỹ kẻo hối hận về sau. “Hôn nhân không phải cứ muốn là được”, ông Hạng bảo con gái. Đào im lặng lắng nghe. Chẳng biết trong đầu cô nghĩ gì. Bà Hạng thì tỏ rõ không chấp nhận Thắng làm con rể. Con gái bà xinh đẹp, giỏi giang nhường ấy, nhiều đại gia săn đón, cưng chiều. Thiên hạ đã hết đàn ông đâu mà phải lấy một thằng nông dân cổ cày, vai bừa. “Mày quyết lấy nó, tao coi như không có mày”, bà Hạng gầm lên. Một lần, chẳng hiểu nghĩ sao, bà sang nhà Thắng, bảo: “Tôi lạy anh hãy buông tha con Đào nhà tôi. Tương lai của nó đang rực rỡ”. Biết chuyện, ông Hạng buồn lắm. Không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt như thiếu dưỡng khí. Đào ít về hẳn. Thắng cũng không đến thăm ông nữa. Ông Hạng lo lắng, bảo vợ: “Nghe chừng chúng nó quyết tâm lắm, bà ạ. Tôi nghĩ mình làm căng quá, chúng nó cứ lấy nhau. Pháp luật bảo vệ. Thế là mình vừa mất con, vừa vi phạm chính sách. Thôi thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất vậy”. Bà Hạng ôm mặt khóc tu tu như đứa trẻ bị đòn oan.

Càng nghĩ chuyện đã qua, ông Hạng càng rầu ruột. Giờ đây, vì cây đào yêu quý mà ông phải sang cầu cứu cái anh chàng mà ông bà hắt hủi suốt năm qua nghe chừng sượng sùng quá. Thắng là người cuối cùng trong cái làng Hoàng Tân này có thể cứu sống được cây đào. Nói dại, nếu Thắng không cứu được cây, thì coi như số ông hưởng lộc trời chỉ có vậy. Tiếc đấy, nhưng phải chấp nhận. Ngược lại thì sao nhỉ? Ông Hạng không đủ can đảm nghĩ tiếp nữa. Dù muốn hay không, ông Hạng vẫn phải sang nhà Thắng. Cứu cây như cứu hỏa, sắp Tết rồi. Thoáng nhìn thấy bóng dáng ông Hạng đang xăm xắn đi vào lối nhà mình, Thắng phát hoảng. Cứ nghĩ lại như lần bà Hạng đến thì ê cả mặt. Thắng định lảng tránh, nhưng không kịp. “Cháu chào bác ạ! Mời bác vào nhà”. Ông Hạng khẽ cười: “Chào anh! Thôi, đứng ngoài này cũng được. Tôi có chuyện muốn nhờ cậy”. Ông Hạng ngừng lời, nhìn Thắng thăm dò. Thắng cũng nhìn ông Hạng, nín thở. Có thể ông bà Hạng đã biết cả năm qua, Đào và anh vẫn quấn quýt bên nhau. Ông Hạng thong thả trình bày tình trạng cây đào nhà mình. Thắng len lén thở ra nhẹ nhõm: “Vâng. Cháu sang ngay”. Người làng ngạc nhiên thấy ông Hạng và Thắng sánh vai cùng nhau, vừa đi vừa bàn luận điều gì sôi nổi lắm. Họ cũng biết mối tình của Đào và Thắng đang gặp trắc trở. Một người nói: “Đôi ấy lấy nhau là quá tốt, trai tài gái sắc”. Ông Hạng nghe thấy hết. Hình như ai cũng mong con gái ông với Thắng nên duyên vợ chồng. Chỉ vợ chồng ông là cấm cản. Một cái gì như ngường ngượng ngọ nguậy trong lòng ông. Chỉ tại vợ ông cố chấp. 

Về đến nhà ông Hạng, Thắng vội ra cây đào. Anh đi xung quanh cây đào vài vòng, ngắm nghía. Anh rứt mấy cái lá và đặt đôi mắt vào đó rất kỹ, như ông bác sĩ đang săm soi con bệnh. Màu vàng chạy dần từ đầu lá vào cuống. Hai đầu ngón tay Thắng vò cái lá nát vụn. Lại nhìn. Lại ngửi. Thắng nói: “Bác cho cháu mượn con dao sắc”. Ông Hạng vội vã vào nhà lấy dao. Thắng phạt ngay một cành đào nhỏ trước mặt, đưa lên nhìn vết cắt. Nhựa đào ứa chảy, màu nâu sậm. Chừng như chưa yên tâm, Thắng phạt tiếp một cành nữa. Cái đầu Thắng gật gật. Rồi Thắng cúi sát gốc đào. Cái gốc xù xì, to bằng thùng gánh nước. Thắng gọt lấy một mảnh vỏ đào. Vẫn dòng nhựa nâu sậm chảy ra. Ông Hạng chăm chú nhìn từng bước chân, từng động tác của Thắng. Ông nín thở... Chờ Thắng đứng thẳng người lên, ông Hạng mới hỏi khẽ: “Cây bị sao hả anh?”. “Dạ. Cháu chưa tìm được ra nguyên nhân. Để tối nay cháu xem thêm sách mới dám kết luận. Nếu chưa được, cháu sẽ hỏi các anh bên sinh vật cảnh trên trung ương”. Ông Hạng băn khoăn: “Liệu có chữa được không? Có kịp Tết không?”. Thắng nhẹ nhàng: “Bác yên tâm. Cháu xem kỹ rồi, cây còn tốt lắm. Cái khó là tìm ra bệnh. Còn việc chữa chạy và Tết nhất không phải là vấn đề quá lớn. Sáng mai cháu sang”. Ông Hạng nói giọng ngọt ngào: “Thôi, trăm sự chú trông cậy ở cháu”.

Chuyến tàu cuối năm đông ngàn ngạt. Mùa đông năm nay thật rét, mưa giăng giăng. Tàu về đến ga thì màn đêm đã bao phủ kín bầu trời. Dưới ánh đèn cao áp, từ xa, Đào đã nhận ra Thắng. Bóng anh kiên nhẫn đứng chờ. Thỉnh thoảng anh khẽ xốc áo che bớt gió lạnh nơi cổ. Anh đấy. Thắng của Đào đấy. Một chàng trai thông minh và bản lĩnh. Đào luôn tự hào về tình yêu của mình. “Anh Thắng. Anh Thắng. Em đây”. Tiếng Đào bị chìm trong mớ âm thanh hỗn độn nơi sân ga. Không cần nhìn, Thắng vẫn cảm nhận được Đào đang rất vui. Đào xuống tàu. Cô ào tới ôm chầm lấy Thắng: “Chúc mừng anh. Anh thật tuyệt vời”. Theo lệ thường, Thắng sẽ đưa Đào đi ăn tối, xong mới đèo cô về. Nhưng tối nay, Đào không muốn thế. Thành công của Thắng vừa cứu sống cây đào, lại thúc đẩy nó nở đúng dịp Tết, khiến cô vui mừng quên cả đói. Cô chưa biết bố mẹ có thay đổi ý nghĩ về Thắng hay không, nhưng cuộc nói chuyện qua điện thoại với bố, thấy giọng ông dịu lại. Nghe chừng ông khâm phục Thắng lắm. Ông bảo: “Lần đầu tiên, thầy hiểu vì sao người ta làm nhà kính trồng cây mà không cần đến kính”. Rồi ông khoe cây đào đang trổ rất nhiều nụ to, ngày một ngày hai sẽ bung nở. Chiều nay, ông Hạng sang gặp Thắng, thân mật bảo: “Con Đào nó nhắn chú, bảo anh, chín giờ tối nay ra ga đón nó về nghỉ Tết đấy”. Thật ra, Đào đã thông tin cho Thắng từ mấy hôm trước rồi. Đào nhắn qua bố chỉ là cái cớ để hai người đàn ông có dịp nói chuyện và hiểu về nhau. Một năm qua, tình yêu của họ sóng gió quá, trong đó xen lẫn cả trách móc, hờn ghen. Mỗi lần nghe Đào khóc, lòng Thắng đau quặn thắt. Nhiều lúc Thắng không đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt Đào, một đôi mắt luôn hiểu và biết anh nghĩ gì. Đào bảo: “Về thôi kẻo thầy mẹ mong”. Thắng cũng muốn về ngay. Công việc còn lại với cây đào nhà ông Hạng chưa xong hết.  

Sớm nay, tuy trời còn rét nhưng tràn ngập nắng vàng. Đào đạp xe sang nhà Thắng. Mắt cô long lanh: “Anh Thắng à, thầy mẹ bảo năm nay nhà ăn tất niên sớm, nhắn anh, buổi trưa sang ăn cơm”. Thắng vờ hỏi lại: “Đến ăn cỗ có phải mang gì không nhỉ?”. Đào gắt yêu: “Trời ơi, hơn ba chục tuổi mà chưa biết ngày Tết đến nhà bố mẹ vợ tương lai phải mang gì ư? Em cảnh báo, mẹ chưa thông lắm đâu, liều liệu mà nói”. Tiếng Đào trong trẻo, tươi rói. Mùa xuân đang về. Tết đến rất gần rồi.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN