Công nhân nghèo chật vật lo Tết
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:25, 19/01/2020
Công nhân có hoàn cảnh khó khăn mua hàng giảm giá của doanh nghiệp bán tại khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng)
Căn cơ để con có manh áo mới
Mấy hôm nay trời trở lạnh, thỉnh thoảng lại có mưa phùn lớt phớt nhưng hễ có việc ra khỏi nhà, chị Nguyễn Thị Nguyên ở thôn Phú Lương, phường An Đồng (TP Hải Dương) chỉ mặc thêm chiếc áo khoác mỏng, đi chân trần. Tôi thắc mắc sao chị không mặc thêm áo, đi đôi dép cho đỡ lạnh, chị bảo: "Bao năm nay tôi vẫn mặc như này kể cả khi trời lạnh. Phần vì quen, phần vì cũng không có tiền để mua nhiều quần áo ấm".
Gia đình chị Nguyên thuộc diện hộ nghèo ở thôn Phú Lương. Chồng chị mắc bệnh nan y thường xuyên phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Chị Nguyên là lao động chính trong gia đình, nuôi 2 con ăn học. Trước đây chị làm ruộng và dọn rác thuê cho thôn. Thu nhập ít ỏi từ những công việc vất vả ấy chỉ đủ để gia đình 4 miệng ăn qua ngày.
May mắn từ năm 2017 đến nay, chị Nguyên được Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương ký hợp đồng làm việc. Cầm mẩu giấy ghi tiền lĩnh lương gần đây, chị khoe số tiền lên đến hơn 5 triệu đồng/tháng.
Nhờ công việc ổn định nên chị đã trả hết nợ xây nhà, nuôi con học, chữa bệnh cho chồng. Nhưng bây giờ làm việc không nghỉ được, mỗi lần chồng đi bệnh viện lại phải thuê người chăm sóc cộng với đủ thứ chi tiêu hằng ngày nên chị cũng chẳng có tiền tích lũy.
Ít ngày nữa là đến Tết nhưng trong nhà chị Nguyên chỉ có sắc đỏ của hộp bánh công đoàn và công ty tặng là thứ mang hương vị Tết. Một niềm ao ước mỗi khi Tết đến, xuân về suốt từ năm 2005 đến nay của gia đình chị vẫn chưa tròn. Đó là “sắm áo mới” cho ngôi nhà chỉ mới xây dựng được phần thô. Ngôi nhà này được xây phần lớn do chính quyền địa phương, người thân và bà con lối xóm hỗ trợ.
Chừng ấy cái Tết đã qua, chưa bao giờ trong căn nhà tuyềnh toàng này có bóng dáng cây quất, cành đào. Giọng buồn buồn, chị Nguyên bảo: “Tết mình cũng phải theo hoàn cảnh thôi. Để tiết kiệm, tôi cũng không gói bánh chưng.
Thứ duy nhất trong ngày Tết không thể thiếu đó là sắm cho con bộ quần áo mới để chúng bớt thiệt thòi với bạn bè”. Con cái cũng chính là động lực để người mẹ ấy làm việc đến cận giao thừa mới trở về quây quần cùng gia đình đón mừng xuân mới.
Chị Nguyễn Thị Nguyên lau lại những bông hoa vải - vật trang trí duy nhất để trưng bày trong nhà mỗi dịp Tết
Tôi gặp anh Cầm Văn Doai, quê ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khi anh đi nhận tiền hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết của Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh trong chương trình "Tết sum vầy 2020".
Anh Doai đang làm công nhân Công ty TNHH Falcon Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương). Vợ anh Doai cũng làm việc trong một công ty ở khu công nghiệp Đại An. Vợ chồng anh đang thuê trọ tại phường Tứ Minh, khá gần nơi 2 người làm việc. Anh Doai bảo, căn nhà trọ bé lắm nhưng tính cả tiền điện, nước, mỗi tháng cũng phải trả hơn 1 triệu đồng.
Do vợ chồng anh thường xuyên phải làm các ca sáng, tối khác nhau nên đành gửi con ở quê nhờ ông bà chăm cháu. Để tiết kiệm tiền, vợ chồng anh luôn hạn chế đến mức tối đa mọi chi tiêu hằng ngày từ cái ăn đến cái mặc...
Tôi hỏi vợ chồng anh đã sắm gì cho Tết này chưa, anh rụt rè bảo: “Tôi đợi đến 28 Tết có tiền thưởng của công ty rồi mới đi sắm Tết, chứ đi làm ăn xa, ngày Tết về có nhiều khoản phải sắm sửa chi tiêu lắm. Nếu vung tay mua sắm từ giờ thì sau Tết lại tay trắng đi làm.
Chắt chiu cả năm lại thành công cốc mất, rồi lấy đâu ra tiền mà lo cho con. Vợ chồng tôi mới có một đứa con, sau này phải sinh thêm nữa. Bây giờ còn đi làm được thì phải cố gắng. Ở quê làm nương chỉ đủ ăn thôi”.
Cầm số tiền hỗ trợ vé xe của công đoàn trên tay, anh Doai rất vui vẻ. Người bố trẻ dường như vui hơn với ý nghĩ khoản tiền này anh có thể mua thêm cho con bộ quần áo mới mà không phải đắn đo nhiều như những năm trước.
Không trọn niềm vui
Với những công nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp thì Tết đến đồng nghĩa với tâm lý không trọn niềm vui. Căn nhà nhỏ cũ kỹ của chị Trần Thị Hương (sinh năm 1994) đang là công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi ở khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành) nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn (Nam Sách).
Trong ngôi nhà ấy chỉ có mấy thứ đồ dùng cũ kỹ, chẳng đáng giá. 6 tháng nay căn bệnh lao phổi trở nặng khiến sức khỏe chị Hương ngày càng yếu, kinh tế cũng cạn kiệt. Do hoàn cảnh gia đình một mình nuôi con nhỏ nên trong suốt thời gian qua, lúc không phải đi điều trị ở bệnh viện, chị Hương vẫn gắng gượng đến công ty làm việc.
Tôi đến thăm chị Hương vào một ngày chủ nhật cuối năm. Hôm ấy, trời trở lạnh khiến căn bệnh của chị càng thêm nặng. Chị ho dữ dội hơn. Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng vì những cơn ho kéo dài của chị. Những thông tin chắp nối giữa chúng tôi đủ cho thấy tâm trạng của chị Hương những ngày cận Tết này rất buồn.
Với nhiều công nhân, mong ước mỗi khi Tết đến là sắm cho con bộ quần áo mới. Trong ảnh: Công nhân chọn quần áo miễn phí trong chương trình "Tết sum vầy 2020" do Liên đoàn Lao động TP Hải Dương tổ chức
Chị Hương cho biết: “Tôi mới lĩnh lương được hơn 5 triệu. Nhưng chỉ hôm trước đến hôm sau trong túi chỉ còn vỏn vẹn 100.000 đồng vì phải trả tiền vay nợ đi chữa bệnh trước đó. Cứ đà này đến bộ quần áo mới cho con diện Tết chắc tôi cũng không đủ tiền mua. Tôi chỉ sợ Tết lạnh bệnh sẽ càng nặng hơn, không đi làm trở lại được nữa”.
Do đặc thù công việc, không ít công nhân phải đối mặt với nguy cơ bị tai nạn lao động. Những người không may mắn bị tai nạn sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Mấy tháng trước, anh Trần Văn Cường ở phường Tân Dân (Kinh Môn) không may bị tai nạn lao động trong khi đang làm việc tại công ty.
Đến nay, anh Cường mới chỉ phục hồi được phần nào sức khoẻ. Anh đi lại khó khăn, có dấu hiệu liệt nửa người bên phải, các ngón tay phải không thể hoạt động bình thường. Theo kết quả chẩn đoán của các bác sĩ, khả năng phục hồi của anh Cường không nhiều. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình 4 người đổ dồn lên vai vợ anh. Với suy nghĩ từ Tết này trở đi mình không còn đủ khả năng lo cho các con khiến anh Cường càng buồn hơn.
Cầm món quà Tết do Liên đoàn Lao động thị xã Kinh Môn tặng trong dịp này, anh Cường thêm chút hy vọng. "Tôi mong rằng trong thời gian tới, công đoàn sẽ tác động để công ty quan tâm, tạo điều kiện cho tôi vào làm việc gì đó phù hợp với sức khỏe theo đúng quy định. Nếu không cuộc sống của gia đình tôi sẽ rất khó khăn", anh Cường bày tỏ suy nghĩ.
Khi đọc hàng dài danh sách trích ngang của công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Dương cảm thấy lòng trĩu nặng. "Trong những ngày này khi nhà nhà đang háo hức chuẩn bị đón chào năm mới thì những công nhân ấy vẫn có những nỗi buồn, lắm mối lo toan. Công đoàn chỉ có thể hỗ trợ họ được một phần trong khả năng của mình", bà Hằng chia sẻ.
NGỌC THANH
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, đến hết năm 2019, các doanh nghiệp trong tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 27 vạn lao động. Thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Ở hầu hết các khu công nghiệp nơi tập trung đông công nhân, lao động đều thiếu nhà ở, nhà gửi trẻ và các thiết chế văn hóa. Nhiều công nhân, lao động thường xuyên phải thuê nhà trọ, điều kiện sống thiếu thốn, phải gửi con về quê. |