Tiền lì xì và bài học về cách xài tiền

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 20:07, 19/01/2020

Trong những ngày Tết, bên cạnh nhiều mối bận tâm khác nhau thì chuyện quản lý tiền lì xì của con cái là điều khá lo lắng của nhiều người làm cha mẹ.

“Giữ tiền lì xì của con, cha mẹ có phạm luật?” là đề tài thu hút sự quan tâm của bạn đọc thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình


Chị K., giao dịch viên một ngân hàng tại quận 8 (TP Hồ Chí Minh), có một nguyên tắc bất di bất dịch là các con phải nộp hết tiền lì xì tết. Vì trong suy nghĩ của chị, mọi nhu cầu học hành, giải trí, mua sắm hay ăn uống đều đã được ba mẹ lo hết thì chẳng có lý do nào các con phải giữ lại tiền.

Số tiền lì xì mỗi năm được chị gửi thêm vào tài khoản tiết kiệm đã được mở cho mỗi đứa.

Gia đình anh T. - chị H. đều là giáo viên một trường cấp III ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) thì có vẻ nhân nhượng hơn trong chuyện này, tiền lì xì có mệnh giá từ 200.000 đồng trở lên bắt buộc nộp cho ba mẹ, còn dưới mệnh giá đó các con được giữ lại và tiêu xài tùy thích.

Anh H., chủ cửa hàng trang trí nội thất trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) bận bịu chuyện kinh doanh nên cũng ít khi quan tâm đến chuyện tiền bạc được lì xì của mấy đứa nhỏ trong nhà. Còn chị Q., một kế toán ở Tân Bình, lại "hạch toán" theo công thức: tiền con được giữ là số tiền còn lại sau khi lấy tổng số tiền con được lì xì trừ đi số tiền cha mẹ đã lì xì cho con người ta...

Lì xì là món tiền mà người lớn dành tặng con trẻ dịp đầu năm mới. Thiết nghĩ, điều cha mẹ cần làm là nên nhẹ nhàng hướng cho con cách chi tiêu hợp lý theo kiểu có phần để dành, phần chia sẻ với người khác và phần để trẻ được tự quyết định mua sắm những thứ cho bản thân hay theo ý thích riêng mình.

Cha mẹ hãy hành xử một cách khéo léo, hợp lý để chính con cái có thể tin tưởng, tham khảo ý kiến trước khi chi tiêu một số tiền lớn hay mua sắm một món hàng có giá trị hơn là cấm đoán, tước đoạt.

Hướng dẫn con cách sử dụng đồng tiền, chi tiêu hợp lý phải là một quá trình dài lâu từ trước đó qua những hoạt động và thời điểm khác nhau trong năm. Chứ không để cứ đến dịp tết, lúc con trẻ cầm trong tay số tiền bạc triệu thì cha mẹ mới cấp tập dạy dỗ đủ điều không khéo lại phản tác dụng.

Chính điều đó sẽ gây nên những ức chế dẫn đến những phản ứng tiêu cực nơi con trẻ. Khi quyết tâm phải tịch thu hoặc quản lý tiền lì xì của con cho bằng được đã phần nào phản ánh cha mẹ đang quá coi trọng giá trị vật chất của chuyện lì xì.

Theo Tuổi trẻ