Bộ Y tế hướng dẫn uống rượu bia an toàn ngày Tết
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:02, 20/01/2020
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe ở Hà Nội. Ảnh: Bá Đô
Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Sau khi uống không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương... Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia.
Nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường nghĩ đến tai nạn giao thông và rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, thực tế hậu quả của uống rượu bia phức tạp hơn rất nhiều.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016, Việt Nam có 549.000 ca tử vong, trong đó rượu bia là nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng 39.000 người. Chủ yếu người tử vong do các bệnh liên quan đến rượu bia như tim mạch, xơ gan, ung thư, rối loạn tâm thần và tai nạn giao thông...
Những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia. Ví dụ, một người có nồng độ cồn trong máu = 0,01 g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia. Khi đó, người này đã bắt đầu có các rối loạn như giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh... trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, uống rượu bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ các quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
"Hãy hạn chế uống rượu bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn một ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày một tuần", thông tin từ Cục Y tế dự phòng.
Không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Cụ thể, tuyên truyền các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng chống tác hại rượu bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu bia trước và trong khi lái xe; không uống rượu bia trước, trong thời gian làm việc và tại nơi làm việc; địa điểm không được uống, không được bán rượu bia...
Các cơ sở y tế triển khai biện pháp sàng lọc phát hiện sớm người uống rượu bia, can thiệp giảm tác hại. Các bệnh viện điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh hoặc rối loạn chức năng do uống rượu bia và phòng chống tái nghiện.
Theo VnExpress