"Bước đi quan trọng” cho tiến trình hòa bình ở Libya

Bình luận - Ngày đăng : 23:50, 20/01/2020

Các bên tham gia Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya đã nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện để giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

Đây chính là “bước đi quan trọng” cần thiết tế nhằm đem lại hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài gần 9 năm qua tại Libya.


Đất nước Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị, phân cực sâu sắc và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi

Vòng xoáy bất ổn và chia rẽ

Đất nước Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị, phân cực sâu sắc và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

Trên thực tế, Tướng Haftar là nhân vật đầy quyền lực song cũng gây nhiều tranh cãi, vừa được xem là "người hùng" trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó có tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Libya, song ông cũng bị coi là "mối hiểm họa tiềm tàng" đối với nền hòa bình của quốc gia nhiều bất ổn này. Ông vốn chủ trương hậu thuẫn cho chính quyền đối lập ở Libya đóng ở miền Đông nước này và đã từng nhiều lần từ chối hợp tác với GNA.

Tướng Haftar, vốn ưa áp dụng những biện pháp cứng rắn, và các đồng minh, cũng bị xem là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng chia rẽ chính trị ở Libya, do thực tế ông cùng các lực lượng thân cận có thể đóng vai trò quyết định trong tiến trình hòa giải dân tộc ở Libya để đi đến việc hình thành một chính phủ duy nhất tại quốc gia này.

Về phần GNA, mặc dù nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc (LHQ) và được quốc tế công nhận, song thế và lực của GNA không đủ mạnh để duy trì quyền lực và kiểm soát tình hình đất nước. Chính vì GNA không đủ khả năng kiểm soát tình hình đất nước, một số ý kiến cho rằng Tướng Haftar mới là người duy nhất có thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ở Libya, và những việc làm của ông Haftar được không ít người ủng hộ.

Tháng 4.2019, giao tranh bùng phát sau khi Tướng Haftar ra lệnh cho các lực lượng ở miền Đông tiến về miền Tây, tấn công thủ đô Tripoli với tuyên bố “giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm”, đẩy cuộc xung đột với chính quyền được LHQ hậu thuẫn ở Tripoli lên một nấc thang mới hết sức nguy hiểm, khiến tình hình quốc gia Bắc Phi này thay đổi theo chiều hướng rất đáng lo ngại.

Đối đầu quân sự giữa hai bên trở nên quyết liệt với cam kết của Thủ tướng Fayez al-Sarraj đáp trả bằng "mọi nỗ lực", đồng thời huy động quân tiếp viện từ các khu vực về Tripoli để "phản công" bảo vệ thủ đô. Không chỉ gây ra thảm họa chết chóc, tiến trình chính trị được LHQ thúc đẩy từ năm 2015 tại quốc gia Bắc Phi bên bờ vực đổ vỡ do cuộc giao tranh trên thực địa và những màn cáo buộc không khoan nhượng giữa hai phe phái đối địch tại Libya này.

Theo LHQ, giao tranh ác liệt giữa LNA và các lực lượng ủng hộ GNA từ đầu tháng 4.2019 đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo.

Ngay trước hội nghị quốc tế về Libya ở Berlin, Đức ngày 19-1, lực lượng ủng hộ Tướng Haftar đã chiếm các cảng dầu quan trọng ở Libya. Đầu tuần trước, Tướng Haftar đã từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn tại một hội nghị ở Moskva, Nga.

Trong khi đó, các tổ chức khu vực và quốc tế, cũng như nhiều nước trong và ngoài khu vực đều tuyên bố không ủng hộ giải pháp quân sự, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải theo đuổi giải pháp chính trị ở Libya, nhưng thực tế cũng chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi mà không đưa ra được một cơ chế hành động hiệu quả nào để ngăn chặn xung đột leo thang.

Không chỉ đẩy Libya chìm sâu vào vòng xoáy nội chiến không có hồi kết, diễn biến này cũng làm lung lay hy vọng về khả năng những nỗ lực ngoại giao con thoi của LHQ hơn 1 năm qua nhằm tháo gỡ các "nút thắt" trong cuộc khủng hoảng ở Libya có thể dẫn tới cuộc bầu cử theo đúng lộ trình tại quốc gia Bắc Phi. Con đường hòa giải và đối thoại chính trị ở Libya đang trở nên mờ mịt.

Nghiêm trọng hơn, các phe phái chính trị đã lợi dụng mâu thuẫn giữa các bộ tộc để kích động đối đầu, khiến bối cảnh ở Libya ngày càng phức tạp và hỗn loạn.

Cũng phải kể đến tác động của các thế lực bên ngoài. Nhiều nước trong khu vực như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập … được cho là hỗ trợ quân sự cho phe của Tướng Haftar và LNA nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Trong khi GNA được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italy ủng hộ.

Hồi đầu tháng 1 này Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đến Libya hỗ trợ GNA bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Có thể thấy, các cường quốc thế giới như Mỹ, Anh, Pháp và thậm chí cả Nga, Italy cùng nhiều nước đang có những toan tính địa chính trị khác nhau đối với Libya. Tình hình cho thấy Libya sẽ khó bề yên ổn chừng nào các thế lực bên ngoài không đạt được đồng thuận chung để đi đến một giải pháp mà các bên liên quan cùng chấp nhận được, và những nỗ lực của LHQ sẽ chỉ như "công dã tràng".

Cơ hội hòa bình

Nhằm bàn cách tháo gỡ cuộc xung đột tại Libya, hướng tới mục tiêu các cường quốc nước ngoài đang có tầm ảnh hưởng trong khu vực cùng cam kết không tiếp tục can dự cuộc xung đột tại Libya, ngày 19.1, Hội nghị quốc tế về Libya do LHQ bảo trợ đã diễn ra tại thủ đô Berlin, Đức.

Tham dự hội nghị gồm Tổng thống các nước Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL) và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng đại diện cao nhất của hai bên xung đột tại Libya gồm ông Fayez al-Sarraj đứng đầu GNA ở Tripoli và Tướng Khalifa Haftar đứng đầu lực lượng LNA. Mục tiêu dài hạn mà chính phủ Đức đưa ra là “một Libya có chủ quyền” và “hòa giải nội bộ Libya" cũng như đạt được sự ổn định cho toàn khu vực.

Tại hội nghị, đặc phái viên LHQ tại Libya Ghassan Salame đã kêu gọi các quốc gia bên ngoài chấm dứt can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya. Đặc phái viên Salame nhấn mạnh: "Tất cả những sự can thiệp của nước ngoài đều có khả năng mang đến tác động xoa dịu nào đó trong ngắn hạn, song điều Libya cần là chấm dứt mọi sự can thiệp từ bên ngoài.

Đó là một trong những mục tiêu của hội nghị này". Theo ông, Libya kêu gọi sự giúp đỡ của các thế lực nước ngoài, tuy nhiên "sự can thiệp của quốc tế chỉ khoét sâu thêm sự chia rẽ trong nội bộ người Libya" và do đó "vòng luẩn quẩn này cần phải được chấm dứt".

Trong khuôn khổ hội nghị, các bên tham gia đã tìm cách củng cố lệnh ngừng bắn tại Libya, thành "một lệnh ngừng bắn thực sự với sự giám sát, chia tách (các nhóm đối địch), tái bố trí vũ khí hạng nặng" ra khu vực bên ngoài các khu đô thị.

Sau nhiều khó khăn, cơ hội hòa bình cho Libya đã mở ra khi tại hội nghị, các bên đã nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện để giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 19-1 sau khi kết thúc Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tất cả các bên tham gia đã nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện để giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

Theo Thủ tướng Merkel, các bên tham gia hội nghị đã tiến hành đàm phán một cách hợp tác, nghiêm túc và kết quả đạt được tại hội nghị đã góp phần quan trọng vào nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho Libya. Nhà lãnh đạo Đức cũng nêu rõ hội nghị tại Berlin không thể giải quyết ngay mọi vấn đề ở Libya, song đây là bước tiến đầu tiên hướng tới hòa bình cho người dân nơi đây.

Bà cũng cho biết cuộc gặp ở Berlin đã tạo lập được quyết tâm của các bên nhằm hướng tới những bước đi tiếp theo, trong đó các bên đã nhất trí về một tiến trình ràng buộc với trách nhiệm của các bên liên quan trong việc hướng tới và thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện.

Cũng tại cuộc họp báo, TTK LHQ Guterres và Đặc phái viên LHQ Salame cũng phát biểu đánh giá cao nỗ lực "rất đáng được ghi nhận" của Thủ tướng Merkel trong việc tổ chức hội nghị.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Maas cho rằng những thỏa thuận đã được nhất trí ở Berlin không thể giúp ích cho hòa bình Libya nếu các bên xung đột ở quốc gia Bắc Phi không hợp tác và không tạo ra các tiền đề hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Libya.

Ông Maas cũng cho biết hội nghị tiếp theo về Libya sẽ đặt ra những những bước đi cần thiết để đạt được một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở nước này. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thì cho biết Rome sẵn sàng đóng vai trò đi đầu trong việc giám giám thỏa thuận hòa bình ở Libya.

Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết việc các bên tham gia hội nghị quốc tế về Libya đạt được một giải pháp chính trị toàn diện sẽ là "bước đi quan trọng" để củng cố thỏa thuận ngừng bắn tại Libya.

Theo TTXVN