Ông Trump vướng 'mớ bòng bong' sau lệnh hạ sát tướng Iran
Bình luận - Ngày đăng : 06:54, 21/01/2020
Kế hoạch loại bỏ thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã được Trump phê duyệt nhiều tháng trước, sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia khi đó là John Bolton thúc đẩy ông làm nhiều hơn để đối phó với Iran tại Trung Đông.
Quân đội Mỹ sau đó không hành động, bởi Trump từ lâu đã cố gắng tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Tehran, trong khi hạ sát Soleimani là động thái có thể khiến hai nước tiến gần hơn đến miệng hố chiến tranh.
Tổng thống Mỹ Trump tại Texas ngày 19.1 |
Nhưng sau khi một nhà thầu Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công căn cứ ở Iraq và sứ quán Mỹ tại Baghdad bị người biểu tình bao vây cuối tháng 12.2019, Trump đã bật đèn xanh cho kế hoạch tấn công. Vụ hạ sát ngày 3.1 là một bước ngoặt so với chính sách thông thường của Trump và các quan chức biết rằng họ sẽ phải nỗ lực để giải thích không chỉ lý do đằng sau cuộc tấn công mà còn cả mục tiêu của chính quyền trong đối sách với Iran.
"Có yếu tố bất ngờ trong việc này. Đúng là chúng tôi đã lên kế hoạch trong một thời gian dài nhưng đã không tính kỹ về cách xử lý sau cuộc hạ sát. Giống như chúng tôi nói với nhau 'được rồi, đã xong một việc, giờ làm gì tiếp đây?", một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump cho biết.
Trong hơn một tuần, Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Phó tổng thống Mike Pence và các quan chức từ cộng đồng an ninh quốc gia tổ chức hai cuộc họp mỗi ngày và các cuộc thảo luận từ xa để đảm bảo tất cả cơ quan chính phủ đều đưa ra thông điệp giống nhau về vụ hạ sát Soleimani.
Dù vậy, nỗ lực này không thành công, khi các quan chức Nhà Trắng sau đó đưa ra những câu trả lời khác nhau về thông tin tình báo và cơ sở pháp lý cho cuộc không kích, cũng như loay hoay xác định chiến lược của chính quyền Trump với Iran sau cuộc tấn công. Những điều này gây lo ngại rằng Trump và phụ tá đã khiến đất nước "lạc lối" vào con đường leo thang căng thẳng với Tehran.
Trong vài ngày sau vụ hạ sát Soleimani, các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo Trump và các cố vấn an ninh quốc gia rằng Iran có nhiều phương án đáp trả Mỹ như tấn công vào sĩ quan cấp cao Mỹ ở nước ngoài hoặc nhắm vào tiền đồn Mỹ ở các quốc gia như Iraq. Tổng thống lo lắng về cách cuộc tấn công có thể tác động đến cuộc bầu cử sắp tới. Tránh các cuộc chiến tranh nước ngoài tốn kém ở Trung Đông vốn là lời hứa chủ chốt ông đưa ra khi tranh cử năm 2016.
Trong các cuộc họp tại Nhà Trắng, Trump nhấn mạnh các phụ tá phải trấn an công chúng rằng Mỹ sẽ không sa lầy vào một cuộc chiến mới. Một khi Soleimani đã chết, chính quyền Trump sẽ đưa "mọi thứ trở lại bình thường" với Iran, theo một quan chức giấu tên.
Trump và các quan chức chính quyền cấp cao muốn nhấn mạnh cuộc tấn công là biện pháp giảm leo thang căng thẳng, với lập luận rằng nếu Mỹ không hạ sát Soleimani, nhiều người sẽ chết vì Iran sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công trong khu vực.
Trong tuần đầu tiên sau cuộc tấn công, các quan chức xuất hiện trên các chương trình truyền hình và đài phát thanh để nỗ lực thể hiện thông điệp đó. Brian Hook, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran, nói trên chương trình phát thanh của BBC rằng vụ hạ sát Soleimani nhằm "thúc đẩy hòa bình".
Bộ Ngoại giao, phối hợp với Nhà Trắng, soạn thảo các lưu ý để tư vấn cho những quan chức sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Họ được yêu cầu nhấn mạnh các "hoạt động hung ác" của Soleimani.
Nhưng Nhà Trắng còn muốn thúc đẩy một lập luận khác, không phải về những gì Iran đã làm mà là điều các quan chức Mỹ cho rằng Iran sắp làm. Họ nói Mỹ giết Soleimani vì ông lên kế hoạch cho các cuộc tấn công "sắp xảy ra", sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ.
Những lưu ý đó liên tục được gửi qua email cho các quan chức Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và cả một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Vào đêm xảy ra cuộc không kích, Lầu Năm Góc nói Soleimani đang "tích cực phát triển kế hoạch" cho một cuộc tấn công không xác định.
Tuy nhiên, ngày 5.1, Pompeo cho biết trong một số chương trình talk show buổi sáng rằng có "những mối đe dọa liên tục" từ Iran, chứ không phải là một cuộc tấn công cụ thể. Các quan chức nêu những giả thuyết khác nhau về số lượng người Mỹ có thể bị giết nếu Soleimani còn sống.
Vào tuần sau đó, trong các cuộc họp với quốc hội, chính quyền loay hoay giải thích chính xác cuộc tấn công "sắp xảy ra" của Soleimani là gì. Các thượng nghị sĩ rời một cuộc họp kín ngày 8.1 với tâm trạng giận dữ vì cảm thấy lập luận của Nhà Trắng không thuyết phục, cảnh báo rằng các thông tin tình báo được đưa ra không phù hợp với cách các quan chức cấp cao mô tả. Khi các nhà lập pháp đòi hỏi một bức tranh rõ ràng hơn, thượng nghị sĩ Lindsey Graham tuyên bố kết thúc cuộc họp dù một số người chưa đặt câu hỏi.
"Khi mọi thứ bắt đầu nóng lên thì Graham nói 'này, chẳng phải các ông nên hỏi lại Nhà Trắng sao?' và dừng cuộc họp", một người kể.
Đối với thượng nghị sĩ Tim Kaine, vấn đề không nằm ở thông tin tình báo mà ở các quan chức diễn giải những thông tin đó. "Tôi nghĩ rằng thông tin tình báo có sức nặng. Nhưng một số chính trị gia đã phóng đại thông tin", Kaine nói. "Những gì tôi nghe từ các chính trị gia dường như vượt xa những gì thông tin tình báo thể hiện".
Nghị sĩ Mike Quigley, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện đã được cung cấp thông tin mật về vụ hạ sát Soleimani, không thấy có nguy cơ tấn công "sắp xảy ra" như mô tả của các quan chức Nhà Trắng. "Đánh giá quá đà thông tin tình báo là hành động nguy hiểm", ông nói. "Họ đã diễn giải sai hoặc không đủ năng lực phân tích thông tin tình báo".
Các thượng nghị sĩ không hài lòng với cách những đại diện của chính quyền, bao gồm Pompeo, trả lời các câu hỏi về Iraq và việc quốc hội nước này biểu quyết để yêu cầu Mỹ rút quân sau vụ hạ sát Soleimani. Các đại diện của chính quyền phớt lờ câu hỏi về cuộc biểu quyết, nói với các nhà lập pháp rằng "không cần phải lo lắng". Một trong số họ khẳng định "người Iraq chỉ nói suông vậy thôi. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này".
"Khi bạn thực hiện cuộc tấn công ở Iraq mà không có sự đồng ý của họ thì bạn chắc chắn sẽ phải trả giá. Và đó là điều phải được xem xét kỹ lưỡng", Kaine nói. "Nhưng tôi cảm thấy như họ chưa cân nhắc vấn đề này kỹ càng".
Trump ngày 9.1 nói với các phóng viên rằng thông tin tình báo cho thấy Iran "tìm cách làm nổ tung đại sứ quán". Ngày hôm sau, ông nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News rằng "có thể 4 đại sứ quán" bị nhắm mục tiêu.
Nhưng hai ngày sau, ngày 12.1, tuyên bố của Trump vấp phải sự hoài nghi của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Thông điệp Liên bang của CNN, Esper thừa nhận không thấy thông tin tình báo nào "liên quan đến 4 đại sứ quán". Esper sau đó nhấn mạnh vào niềm tin cá nhân hơn là thông tin tình báo cụ thể, nói rằng Tổng thống "tin các đại sứ quán có thể bị tấn công".
Theo hai quan chức giấu tên, Trump thất vọng khi tuyên bố "4 đại sứ quán" của ông bị nghi ngờ. Tổng thống nói với các thân tín rằng ông rất tức giận với màn xuất hiện của Esper trên CNN.
Các nghị sĩ quốc hội kêu gọi chính quyền Trump giải thích về bình luận của Tổng thống. Họ cũng yêu cầu họp với Pompeo và các quan chức chính quyền khác. Cuộc họp được lên kế hoạch trong tuần này nhưng sau đó bị hủy không rõ lý do. Theo hai quan chức cấp cao, Trump và Pompeo muốn tránh trả lời thêm câu hỏi về mối đe dọa đối với đại sứ quán.
Sau hai tuần chính quyền Trump đưa ra những phát ngôn bất nhất về vụ sát hại tướng Iran, Pompeo dường như đưa ra câu trả lời rõ ràng nhất về chính sách của chính quyền khi phát biểu tại Viện Hoover của Đại học Stanford ngày 13.1.
"Tổng thống Trump và đội ngũ an ninh quốc gia đang tái lập sự răn đe đối với Iran. Đây là một mũi tên trúng hai đích. Đầu tiên chúng tôi muốn khiến Iran cạn kiệt nguồn lực. Thứ hai, chúng tôi chỉ muốn Iran hành động như một quốc gia bình thường", ông nói. "Giống như Na Uy vậy".
Theo VnExpress