Từ 2021, cả vạn người tăng tuổi hưu mỗi năm
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:17, 22/01/2020
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quy định về tuổi hưu mới mang tính nhân văn, tạo đồng thuận xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc. Ảnh: Trần Thường
Không có chuyện “cài cắm” lợi ích
- Như Bộ trưởng từng nói, việc điều chỉnh, tăng tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với bất kỳ quốc gia nào. Thế nhưng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ qua 2 kỳ họp Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận cao và đã được Quốc hội thông qua. Bộ trưởng có thể chia sẻ “bí quyết” để biến một vấn đề quan trọng và khó như vậy trở thành hiện thực?
- Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung liên quan trực tiếp tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu lao động, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, ngay cả đối với những nước đã thực hiện.
Với Việt Nam, tăng tuổi nghỉ hưu là lời giải hiệu quả cho bài toán già hóa dân số mà chúng ta đang phải đối mặt. Xa hơn, là giải quyết mục tiêu bao trùm về tăng trưởng kinh tế - xã hội, việc làm ổn định, bảo toàn và phát triển bền vững Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu là chúng ta chuyển gánh nặng cho thế hệ sau.
Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có phương án điều chỉnh sao cho không tác động tiêu cực đối với thị trường lao động và bảo đảm tâm lý của người lao động và của người dân nói chung.
Xuất phát từ yêu cầu trên, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ LĐ-TB-XH đã tiến hành rất nhiều hoạt động nghiên cứu, tham vấn, đánh giá tác động.
Từ đó chúng tôi đề xuất được phương án mang tính khả thi cao, thể chế hóa các yêu cầu cải cách tuổi nghỉ hưu theo Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH.
Đó là: “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.
Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.
Như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm chứ không phải nâng ngay lập tức lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Đối với người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người bị suy giảm khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thì có thể nghỉ hưu ở độ tuổi muộn hơn khi có đủ sức khỏe, có nguyện vọng và người sử dụng lao động có nhu cầu.
Đó là những quy định mang tính nhân văn, tạo đồng thuận xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc.
- Khi bắt tay vào xây dựng Bộ luật Lao động nói chung và việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng, Bộ trưởng có tính đến chuyện lobby (theo nghĩa tích cực) để thuận buồm, xuôi gió?
- Một câu hỏi rất thú vị. Bản thân tôi và Ban Soạn thảo luôn xác định mục tiêu việc xây dựng Bộ luật Lao động phải coi lợi ích quốc gia, lợi ích của thị trường lao động và lợi ích của hàng chục triệu người lao động, các doanh nghiệp là trên hết.
Tôi khẳng định quá trình xây dựng Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) không có chuyện “cài cắm” lợi ích riêng cho ngành lao động, cho lợi ích của doanh nghiệp, công ty, tổ chức nào. Việc trao đổi, giải đáp, tạo sự đồng thuận từ cử tri, đại biểu Quốc hội, người lao động, người sử dụng lao động và báo chí, truyền thông góp phần rất quan trọng trong tiến trình sửa đổi Bộ luật Lao động 2012.
Cho dù anh lobby như thế nào nhưng vấn đề anh nêu ra nếu không đạt được sự đồng thuận, thì sẽ không thành công. Tỷ lệ 90,6% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) đã phản ánh sự đồng thuận từ đại biểu Quốc hội, từ cử tri và nhân dân….
Tăng tuổi nghỉ hưu không mang tính "cào bằng"
- Với quy định tăng tuổi nghỉ hưu và lộ trình như trong bộ luật thì có bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động, trong đó bao nhiêu người nằm trong diện tăng tuổi nghỉ hưu, bao nhiêu người có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn?
- Theo tính toán, khi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 với lộ trình tăng mỗi năm 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ thì số người ở lại thị trường lao động trong số những người đang tham gia BHXH hàng năm chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2027, dự báo bình quân có khoảng 9.927 người (nam là 1.562 người, nữ là 8.365 người) ở lại thị trường lao động do tăng tuổi nghỉ hưu.
Giai đoạn 2028-2030, bình quân mỗi năm có khoảng 8.898 lao động nữ ở lại thị trường lao động do tăng tuổi nghỉ hưu.
- Mặc dù Bộ luật Lao động đã được thông qua, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được chốt, nhưng trong dư luận vẫn còn một số băn khoăn về việc tăng tuổi hưu chỉ quan chức thích, còn người lao động bình thường vẫn muốn nghỉ hưu sớm?
- Thực tế cho thấy, cải cách chính sách BHXH, trong đó có tuổi nghỉ hưu đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn, được sự đồng thuận của phần lớn người lao động và doanh nghiệp; và tất nhiên không thể hài lòng tất cả.
Từ thực tế đó, bộ luật lần này điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không mang tính "cào bằng" đối với tất cả người lao động. Đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao có thể nghỉ hưu ở độ tuổi muộn hơn khi có đủ sức khỏe, có nguyện vọng và người sử dụng lao động có nhu cầu.
Đối với người lao động bình thường, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm chứ không phải nâng ngay lập tức lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ.
Đối với người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người bị suy giảm khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn.
Theo Vietnamnet