Mùi khói

Các em viết - Ngày đăng : 11:23, 23/01/2020

Cái vị đắng đắng, nồng nồng, cay cay của mùi khói nghi ngút buổi chiều tà. Có lẽ đó là một thứ gì đó mà đối với tôi rất đặc biệt, cái vị khói ấy càng nồng nàn bao nhiêu thì hương vị ngày Tết càng gần bấy nhiêu.



Cái vị đắng đắng, nồng nồng, cay cay của mùi khói nghi ngút buổi chiều tà. Có lẽ đó là một thứ gì đó mà đối với tôi rất đặc biệt, cái vị khói ấy càng nồng nàn bao nhiêu thì hương vị ngày Tết càng gần bấy nhiêu. Vậy là bà già thêm một tuổi và sự trưởng thành của tôi thì lớn dần. Tết đã gần đến, tôi lẽo đẽo xách giỏ cùng bà đi chợ, mua biết bao nhiêu là đồ, nào hoa, quả, bánh kẹo, chọn những cành đào rực rỡ nhất và một điều tôi thích nhất là được tổ chức “Tết xuân” cùng bà. Tôi mê lắm.

Bà xoa đầu tôi cười trìu mến:

- Mình cho đi là nhận lại hạnh phúc và niềm vui. Để làm ra một chiếc bánh chưng thật ngon, thật đẹp thì người thợ phải rất khéo tay, thật tỉ mỉ. Thịt lợn phải có cả nạc và mỡ, chọn gạo nếp cái hoa vàng hạt to và thật mẩy, đỗ thì đãi sạch vỏ, các gia vị đầy đủ. Quan trọng nhất là thời gian luộc bánh...

Câu chuyện “Bánh chưng bánh dày” được bà kể lại, tôi như hòa mình vào thế giới cổ tích, ngủ gật lúc nào không hay.

- Sâu! Dậy đi con - tiếng bà gọi làm tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi lớn tướng mà bà vẫn gọi bằng cái tên thân mật ở nhà như thế.

Bà cháu tôi gói xong bánh cũng là lúc trời nhập nhoạng tối. Tôi theo bà xuống bếp. Có lẽ công đoạn chất củi là khó nhất. Cái vị khói thật mãnh liệt xông thẳng vào miệng, vào mũi rồi cả vào mắt nữa. Miệng như người nghiện thuốc phì phèo, tôi ho đến rát cả họng, mắt cay xè đỏ hoe như khóc. Mùi củi nhãn cháy thơm thơm cộng thêm cái mùi trấu đắng khé cả cổ. Hai bà cháu tôi ngồi trông nồi bánh suốt đêm, cái bóng thật nhỏ bé dưới ngọn lửa bập bùng của đêm ngày cận Tết.

Với mỗi cái “Tết xuân”, bà thường gói một nồi bánh chưng thật to, cứ đến chiều 30 Tết bà phát cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mong họ có một cái Tết thật đầm ấm. Vì thế, bà được gọi bằng cái tên thân mật “U”. Mỗi lần theo bà đi như vậy, tôi cảm thấy tấm lòng bao dung của mình càng rộng hơn.

Tết của tôi còn thú vị hơn là buổi chiều 28 Tết, tôi trốn bà tụ tập ở một cái ngõ nhỏ bên cạnh cái bếp của nhà ông trưởng thôn. Chúng tôi chui ra rồi lại chui vào cái ngõ nhỏ ấy, hóa thành những người bán hàng mở phiên chợ nhỏ. Tôi rất thích là một người bán hoa nên thường đi ven đường ngắt những bông hoa dại cột thành bó thật đẹp rồi bán. Có bạn bán lương khô, có bạn bán trái cây, bán chè. Với chúng tôi, lương khô là lá chuối, lá nhãn màu vàng, màu nâu. Màu vàng của hoa mướp là chè ngô, màu xanh của rau muống giã là chè đỗ xanh, màu tím của quả mùng tơi là chè đỗ đen... Chúng tôi sử dụng lá nhãn làm tiền, tôi chưa bao giờ cảm thấy tiền lại nhiều đến vậy.

Một lần chúng tôi đang say sưa chơi trò bán hàng thì lửa bếp nhà ông trưởng thôn bốc lên, khói nghi ngút trắng xóa. Tưởng cháy bếp, chúng tôi hét lên kêu cứu. Cả xóm đổ xô đến định xách nước giội thì vợ ông trưởng thôn từ bếp chui ra: “Không phải cháy! Nhà tôi đốt đuổi muỗi”. Chúng tôi cười phớ lớ, ù té chạy.

Bây giờ cứ thấy khói là tôi lại nhớ đến bà, nhớ cái ngõ gắn bao kỷ niệm của tuổi thơ.

Lên mười tuổi tôi theo bố mẹ về thành phố sống, xa bà, xa tuổi thơ của mình. Ở thành phố, tôi rất nhớ khói bếp của bà. Nhìn ra đường chỉ toàn xe cộ đi lại tấp nập, tôi thèm được về quê. Nhiều lần bố mẹ bận công việc, tôi về quê một mình. Tiếng tàu càng vọng to dần, tôi muốn nó đi thật nhanh để được về với bà.

Về đến đầu làng, không khí Tết của chợ quê mới nhộn nhịp làm sao, nào đào, nào hoa quả, bánh kẹo, tiếng cười nói vui vẻ, tiếng the thé của những bà bán hàng. Ôi cái chợ Tết càng làm tôi nhớ bà hơn. Đi được một đoạn qua cái ngõ tuổi thơ của mình, nó vẫn ở đó nhưng giờ không còn ai cả, tôi muốn được bé lại, được chơi những món hàng do mình tự chế ra. Ôi nhớ quá! Tôi chạy thật nhanh về với bà. Ở góc sân, bà đang xếp lá để gói bánh. Tôi ôm chầm lấy bà: “Con về rồi đây!”. Bà cười: “Bà đợi con về cùng gói bánh”...

CHU THỊ NGỌC HOAN(Lớp 12B, Trường THPT Nam Sách)