Rổ lá trầu phiên chợ Tết

Đời sống - Ngày đăng : 06:26, 24/01/2020

Mỗi dịp năm hết Tết đến, lòng tôi lại cồn cào nhớ giàn trầu của u tôi, nhớ những phiên chợ Tết cuối năm ăm ắp màu xanh của rổ lá trầu tuổi nhỏ.

 Đã xa lắm rồi tuổi thơ tôi! Đã xa lắm rồi những ngày Tết cũ! Vậy mà mỗi dịp năm hết Tết đến, lòng tôi lại cồn cào nhớ giàn trầu của u tôi, nhớ những phiên chợ Tết cuối năm ăm ắp màu xanh của rổ lá trầu tuổi nhỏ. Nỗi nhớ đưa tôi trở về những tháng năm gian khó mà đằm sâu hương vị Tết quê.

U tôi ăn trầu vỏ. Mỗi lần nhớ về u tôi lại nhớ gương mặt thuần hậu với nét trầu đỏ thẫm khô viền vành môi thấp thoáng răng đen. Cũng vì ăn trầu vỏ mà u tôi trồng trầu không và cau. Trầu không trồng sát tường nhà thím Nghĩa trước mặt. Những dây trầu trồng từ bao giờ thỏa sức mà leo bám, lan tỏa khắp bức tường gạch và họa lên những phiến lá đổi màu từ xanh ngọc bích đến xanh đậm rồi ngả vàng. Có lúc hàng loạt những lá trầu già vàng rực. Tôi thích thú nhìn những chiếc lá như những trái tim vàng đung đưa trong gió. Ngày thường, u tôi chỉ hái lá để ăn trầu, để cho bạn già trong ngõ, cho những nhà có công có việc cần đến. Chỉ dịp Tết, u mới hái lá trầu đem bán.

Cây trầu không không ưa thời tiết giá lạnh, nhất là cái lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông xứ Bắc. Mỗi lúc có gió bấc, sương muối, u tôi thường dõi mắt nhìn lên những dây trầu leo trên tường loang lổ thoáng nét lo âu. Nhìn những lá trầu xanh xoăn lại, xám đen hay vàng cuống rụng dần thế nào u cũng chép miệng: “Chẳng biết đến Tết còn lá nào không?”. Rồi thì bao nhiêu lá chuối khô, bao tải đay được u che chắn, buộc bịn cho giàn trầu như người mẹ chăm chút cho đứa con lúc sơ sinh. 

Thường thì tối 27 Tết, u tôi châm đèn dầu, cầm rổ, gọi tôi ra hái lá trầu. Hai u con trèo lên mặt bể nước mưa gần bức tường chằng chịt dây trầu. U bảo: “Này con! Đánh thức trầu mới được hái nhé! Hái mà không đánh thức là trầu sẽ lụi hết đấy.”. Rồi u gọi: “Trẩu trẩu trầu trầu. Mày làm chúa tao. Tao làm chúa mày. Tao không hái ngày. Thì tao hái đêm”. Tôi cũng theo u gọi trầu. Chẳng biết trầu có nghe thấy không, có hiểu gì không mà lúc nào giọng gọi trầu của tôi cũng run run, chỉ sợ mình gọi như thế chưa đủ chân thành với những lá trầu trong đêm giáp Tết. U bảo tôi chọn hái những lá lành lặn, lá bánh tẻ, cân đối, đẹp màu vì trầu bán Tết là trầu để thắp hương cúng ông bà, ông vải từ đêm giao thừa đến hết ba ngày Tết. Tết to hay nhỏ tùy vào gia cảnh từng nhà, nhưng trầu cau cúng Tết thì nhà nào chẳng dùng đến như nhau. Mỗi lần thắp hương cúng Tết, ai chẳng phải thay bát nước mưa, thay chén rượu mới, thay quả cau với lá trầu có điểm trắng một vệt vôi ở đáy lá hình trái tim. Hai u con hái rất nhẹ nhàng vì sợ trầu tỉnh giấc. Cứ 10 lá xếp thành một tệp, nhúng nhẹ nhàng vào chậu nước mưa, dùng dây rơm nếp buộc lại thật khẽ rồi xếp vào rổ.

Sáng 28 Tết năm nào tôi cũng lũn cũn cắp rổ lá trầu bước theo u đi chợ Tết ở làng bên. U tôi thì gồng gánh một ít gạo nếp, một ít khoai tây mới dỡ, mấy đấu đậu xanh hay thêm mấy con gà. Đấy! Tất cả cái Tết của nhà tôi trông vào gồng gánh của u tôi và cái rổ lá trầu xanh tôi cắp bên sườn. Con đường đi chợ Tết với tôi bao giờ cũng đẹp, cũng xôn xao. Những lùm cỏ đẫm sương, vài khóm hoa trinh nữ đung đưa bên khúc sông, đám trẻ con theo bà, theo mẹ đi chợ đều như uống rượu Tết sớm. Tất cả cứ như chếnh choáng hơi men.

Đến nơi, u tôi dắt tôi đứng ở phía cổng chợ, dặn dò tôi giá cả bán hàng rồi quẩy quả gánh hàng vào phía trong chợ, không quên dặn với theo: “Bán xong cứ đứng đấy đợi u nhá!”. Năm đầu tiên đi bán lá trầu là lúc tôi khoảng 7 hay 8 tuổi. Đa phần thì tôi bán rất nhanh, chỉ một loáng lá hết, nhất là những năm giá lạnh và sương muối nhiều. Vui nhất là lúc gặp người nhà, người quen mua hàng, chẳng ai mặc cả, nhiều người còn mừng tuổi sớm cho tôi. 

U tôi giờ đã 90 tuổi và không ăn được trầu cũng cả chục năm nay. Bức tường nhà thím Nghĩa đã phá đi làm nhà mới và thím cũng mất 2 năm rồi. Thế mà nhà tôi vẫn còn những dây trầu leo lên bức tường nhà bác Tiễu phía tây. U tôi vẫn giữ bộ cơi và cối giã trầu, vẫn hái lá trầu đợi bạn già trong làng, trong ngõ. Bạn già thì vắng dần mà u tôi vẫn khắc khoải nhìn về phía những dây trầu lên xanh rồi ngả chín treo những trái tim vàng đung đưa trên bức tường đầy gió. Còn tôi, cứ những ngày giáp Tết lại thao thiết nhớ rổ lá trầu xanh, nhớ dáng u tôi quẩy quả gánh hàng...


NGUYỄN VĂN SONG