Ấm lòng ngọn lửa yêu thương
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:18, 24/01/2020
Hình ảnh về cái Tết truyền thống trong tâm trí nhiều người dân Việt Nam không thể thiếu nồi bánh chưng đêm ba mươi tháng chạp. Dường như với tất cả mọi người, Tết được bắt đầu tính từ khi ấy, lúc bố hì hụi kê gạch nơi góc sân hay giữa bếp để tạo cái bếp “dã chiến” chỉ dùng duy nhất đêm ba mươi, khi mẹ xếp bánh vào nồi rồi nhóm lửa. Tuổi thơ của nhiều người đã trải qua những đêm giao thừa ngồi canh nồi bánh chưng bên bếp lửa bập bùng với niềm háo hức khôn nguôi. Bởi vậy, khi bắt gặp bài thơ “Bếp lửa ngày Tết”, người đọc như được thêm một lần sống lại những xúc cảm yêu thương trong khung cảnh ngày Tết truyền thống thật gần gũi, ấm áp.
Bài thơ miêu tả cảnh nấu bánh chưng vào đêm ba mươi một cách rất giản dị, nhẹ nhàng song khung cảnh ấy có tới hai lớp không gian và thời gian. Lớp không gian thứ nhất là góc sân nơi bếp lửa đặt nồi bánh chưng đang bập bùng cháy. Lớp không gian ấy có đủ cả màu sắc và hương vị dù đang là ban đêm. Nó có mùi thơm của cỏ, “hương đêm”, mùi hoa thơm, mùi khói bếp, mùi bánh đang chín dần; có màu đỏ của lửa, màu vàng của nụ mai chuẩn bị bung nở đón xuân, màu xanh tấm khăn chéo mặt của mẹ… Bản thân không gian ấy trong thời điểm ấy đã dễ gợi cho lòng người nhiều xúc cảm. Và cảm xúc còn dâng đầy hơn khi chàng trai trong bài thơ được canh nồi bánh chưng đón giao thừa bên người con gái anh yêu thương. Phải chăng bởi thế nên cái không gian thực kia bỗng có thêm một chiều kích khác khi nó được nhìn bằng con mắt của tình yêu? Bởi vậy lửa mới mang mùi thơm của đêm, giọt mưa mùa xuân không được nhìn trực tiếp mà được cảm thấy qua “tóc mai ướt sợi dài”, “rơi thầm vạt áo ai”. Hai không gian vừa có sự đối lập giữa “trời khuya vắng” lạnh lẽo và hun hút với “đáy mắt long lanh” của em vừa ấm áp, gần gũi kề bên, giữa “cội mai vàng” tượng trưng cho vẻ đẹp truyền thống bền vững với vẻ đẹp tươi mới của tuổi trẻ, của tình yêu. Song hai không gian ấy cũng thật đồng điệu. Hình ảnh của “em” đặt cạnh cội mai vàng chờ khai nhụy làm giàu thêm sức sống của mùa xuân, khi cây cối đâm chồi khai hoa còn con người đong đầy những yêu thương mới mẻ.
Dòng thời gian thứ nhất của bài thơ là thời gian cụ thể, trực tiếp. Đó là đêm ba mươi Tết, chuẩn bị đón giao thừa, bước sang năm mới. Thời gian vừa mang tính khái niệm, vô hình: “đêm”, “khuya”, “mùa xuân”, lại vừa được hữu hình hóa bằng nhiều sự vật, hình ảnh. Và sự hữu hình hóa này là chủ đạo khiến người đọc hình dung ra thời gian một cách rõ ràng hơn. Dường như ta có thể cầm nắm, có thể chạm vào dòng thời gian đang trôi chảy ấy. Thời gian hiện hữu trong hạt mưa mùa xuân vương trên mái tóc, vạt áo người thương, trên nụ hoa mai e ấp chờ thời khắc xuân sang để bung nở rực rỡ, trong cả hương bánh thơm báo hiệu nồi bánh đã gần chín tới, là khi giao thừa đang đến rất gần. Không khí mùa xuân ngập tràn, len lỏi trong từng câu thơ không khỏi khiến người ta muốn hít hà tận hưởng.
Trong dòng thời gian thực đó còn tồn tại một dòng thời gian nữa, là thời gian của lòng người, của những xúc cảm và suy ngẫm. Dòng thời gian này được gợi nhắc bởi dòng thời gian thứ nhất, tồn tại vừa đan xen, vừa độc lập với nhau. Trong dòng thời gian ấy, Tết là thời gian của sum vầy, đoàn tụ, bếp lửa nấu bánh chưng là dấu hiệu một năm mới sắp sang “bếp lửa hồng thêm tuổi”. Nhưng quan trọng hơn cả là “tay ấm mở bình minh”, năm mới, tuổi mới đồng nghĩa với những hy vọng về tương lai tốt đẹp. Bao nhiêu cái mới của đất trời như hòa ca cùng cái mới của lòng người đang “non tươi một cuộc tình”. Trong đêm giao thừa, đất trời và vạn vật bước sang năm mới thì lòng người cũng sinh sôi, hứa hẹn những xúc cảm yêu thương đẹp đẽ. Đến khổ cuối bài thơ, hai lớp không gian, hai lớp thời gian đã hòa quyện vào nhau một cách giản dị mà ấm áp khôn cùng.
"Bếp lửa ngày Tết" là bài thơ Tết xinh xắn, nhẹ nhàng, từ hình ảnh, xúc cảm đến những suy ngẫm được gửi gắm bên trong. Nó giống như thứ men say lâng lâng, như hạt mưa xuân nhè nhẹ, như mùi khói bếp bâng khuâng, tuy không đao to búa lớn, không day dứt hay da diết nhưng khiến người đã một lần tận hưởng cứ lưu luyến mãi không thôi.
SONG KHUÊ
Bếp lửa ngày Tết Góc sân thơm mùi cỏLửa bén vào hương đêm Mùi hoa se se gió Thơm lặng vào tiếng chim Khói bếp cay nồng mắt Tóc mai ướt sợi dài Mùa xuân bay lất phất Rơi thầm vạt áo ai Ta với trời khuya vắng Em đáy mắt long lanh Cội mai vàng thinh lặng Chờ khai nhụy đầu cành Nồi bánh thơm chín tới Mẹ cười xanh chéo khăn Thời gian như sương khói Khua rộn trước thềm sân Bếp lửa hồng thêm tuổi Tay ấm mở bình minh Cho em cành lộc mới Non tươi một cuộc tình. TỪ KẾ TƯỜNG |