Thương nhớ chiều cuối năm
Đời sống - Ngày đăng : 14:05, 24/01/2020
Nhà thơ Nguyễn Bính có những câu thơ viết về về chủ đề "Xuân tha hương" thật cảm động. Qua đó, ông gửi gắm nỗi niềm nhớ quê da diết của mình mỗi mùa xuân đến, trong lúc nhà thơ vẫn mãi ở xứ người "tiếng pháo nghe nhờ thiên hạ đốt" mà lòng dạ rối bời, ngậm ngùi thương nhớ cố hương:
Xuân về những nhớ cùng thương
Trời ơi! Muôn vạn dặm đường xa xôi!
Chiều ba mươi, hết năm rồi
Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà!
Chiều nay tôi ngồi đây, nhớ về quê nhà xa lắm. Nơi ấy mẹ đang ngóng chờ thằng con trai xứ xa về quê ăn Tết. Nhìn đám mây trôi cuối trời xa, tưởng tượng mái tóc mẹ già cũng đang bạc trắng, đời mẹ đâu còn mấy mùa xuân nữa với thế gian. Đáng lý ra, gặp mẹ một năm con mừng thêm một, đằng này Tết đến xuân về mà con trẻ vẫn vời xa. Mẹ ơi! Mẹ tha lỗi cho con nhé, khi biết rằng năm hết Tết đến rồi mà con vẫn chưa về thăm mẹ.
Thường lòng mẹ vẫn âm thầm hi vọng, dù con đã báo là Tết này không về được. Mẹ cũng ừ cho qua chuyện, nhưng tình cảm của mẹ thì vẫn mỏi mong chờ, chờ hoài cho đến giao thừa mẹ mới tin con trai mẹ không về nữa. Nhà đông anh em, hầu như chưa có Tết nào con mẹ tập trung đông đủ cả, không vắng đứa này thì vắng đứa khác, cũng đành chấp nhận vậy chứ biết làm sao!
Chiều nay ngồi đây trong chiều ba mươi, phố xá tấp nập người đi, lòng con trẻ nơi xứ người quạnh quẽ nhớ không nguôi cảnh Tết quê nhà, từ cảnh vật thân quen của xóm làng cho đến hình ảnh con người nơi quê hương xứ sở nơi mình bước đi những bước nhỏ đầu đời.
Chiều ba mươi, hết năm rồi! Tối cứ ngồi lặng sau bữa cơm cùng vợ con trong căn nhà bé nhỏ. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi không đủ che hết nỗi u hoài trong mắt. Nhớ quá làng quê, lúc này mọi người í ới gọi nhau chuẩn bị đón giao thừa sao cho vui vẻ. Dòng sông quê hiền lành một màu nước biếc xanh, mấy đứa trẻ mải mê tắm cho thật sạch sẽ để chào mừng năm mới. Những hàng dương liễu nhỏ bên bờ biển như cũng đẹp hơn, dịu dàng buông xõa làn tóc phủ dụ đầy nỗi niềm. Những chiếc thuyền lưới thúng người dân quê cũng đưa lên bờ cho nó nghỉ ngơi để ăn Tết.
Bàn thờ tỏa khói hương, cha mất sớm, chỉ có mẹ mỗi Tết về cúng bái. Càng nghĩ, nước mắt cứ muốn trào ra. Mẹ ơi! Lòng con xa xót quá, ước gì bây giờ con được ở nhà mình, thắp nén nhang trên bàn thờ tiên tổ, vái lạy để ông bà phù hộ năm mới cho mẹ con mình sức khỏe. Chợt tưởng tượng năm nay mẹ già đi nhiều, đôi chân bước đi đã run rẩy, mỗi lần mẹ vái lạy cúng tổ tiên, cảm giác mẹ như không còn khỏe nữa, ngậm ngùi tưởng tiếc bâng khuâng.
Chiều ba mươi, hết năm rồi! Nhớ quá căn nhà người hàng xóm trước nhà mình mấy mươi năm trước. Nhà bà quá nghèo, bán mấy cái kẹo, mấy cái bánh tráng, lít rượu biết làm sao để đắp đổi cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con không lanh lợi. Ngày cuối năm này, nhà bà bao giờ cũng ì xèo tiếng chửi bới của những chủ nợ, nghe sao mà chua chát. Riêng hai vợ chồng ông bà thì ngồi lặng yên, mặt cúi gằm xuống đất mà hứng lấy cái nỗi nhục nhã của mọi người đổ lên đầu mình. Không hiểu sao chiều ba mươi này, con ngồi ở nơi xứ người lại chạnh lòng nhớ về ông bà hàng xóm đến vậy. Ông bà chết đã lâu rồi, hai đứa con lớn lên thì trôi dạt xứ nào không rõ nữa, cầu mong cho cuộc đời của họ khá hơn mẹ cha kẻo mà tủi nhục.
Chiều ba mươi, hết năm rồi! Nhìn khói bếp của một ngôi nhà hàng xóm, khói cứ tỏa bay lên mãi, bâng khuâng lòng nhớ khói bếp quê mình chiều hôm cuối năm. Mẹ nhớ không, cúng ông bà trưa ba mươi xong, bao giờ mẹ cũng nấu cho mấy đứa con một nồi nước lá thật to để tắm rồi ăn tết cho sạch sẽ. Ôi thôi đủ thứ lá cả, thơm ngào ngạt, tắm vào thấy tinh thàn nhẹ nhàng, thư thái, lòng thầm cảm ơn mẹ vô bờ bến.
"Tết vắng mẹ, mẹ ơi, buồn muốn khóc/ Thèm nghe xưa một giọng nói, một tiếng cười/ Thèm nhìn mẹ ngồi hiền như cổ tích/ Nước trầu xuân lem đỏ nếp môi già". Những câu thơ từ đâu vọng về không biết nữa, chợt xao động tâm tình con trẻ trong chiều ba mươi lặng lẽ đón xuân người.
LÊ THÀNH VĂN