Bếp mẹ ngày Tết
Đời sống - Ngày đăng : 17:18, 25/01/2020
Ngày Tết là lúc cả gia đình sum vầy
Cô nói làm mọi người chuyển chủ đề sang chuyện Tết. Lại nhớ mới hôm nào còn ra giêng, ăn Tết xong, lục đục sắp xếp quần áo, chất đồ đạc vào vali để bắt xe lên thành phố. Vậy mà giờ lại chuẩn bị gói ghém đồ đạc về quê. Tết với những người con xa quê luôn là khoảng thời gian đợi chờ nhất.
Hồi còn đang là sinh viên, mỗi bận tháng chạp sang ngày nào tôi cũng xem lịch đếm ngược ngày về quê. Sau này đi làm thời gian eo hẹp hơn, ngày nghỉ ít hơn, vì thế Tết lại càng thêm háo hức. Hôm điện thoại cho mẹ bảo tận hăm tám âm mới được nghỉ, mẹ rằng lâu quá, không nói ra nhưng mẹ rất mong tôi về nhà sớm, dù sớm hơn nửa ngày mẹ mừng lắm.
Những năm về sớm, tôi chở mẹ đi chợ Tết. Mẹ mua những thứ lặt vặt, gia vị, mắm muối, đèn dầu và nguyên liệu để làm mứt. Dọc đường, mẹ ghé sát vào tai tôi dặn đi dặn lại: “Nhớ lát đến chợ nhắc mẹ mua nguyên liệu làm mứt. Đừng quên đấy!”. Với mẹ, Tết là phải có mứt. Không có mứt thì coi như Tết đã giảm đi một nửa niềm vui. Thường thì mẹ sẽ tận dụng nguyên liệu có sẵn trong nhà để làm mứt. Cà rốt, bí đao, gừng, dừa...
Tháng chạp, mẹ vẫn còn bận rộn vụ cấy đông xuân. Mỗi mình mẹ năm nào cũng phải cấy hết năm sào ruộng. Có năm chị em tôi về sớm còn đỡ đần chút ít, có năm bận việc, học hành về muộn hơn thì coi như một mình mẹ phải bươn chải giữa cánh đồng. Ai làm nông thì đều hiểu rõ vụ cấy và gặt là hai vụ mệt nhất. Còng lưng giữa ruộng cả ngày với tiết trời căm căm rét. Lúc bước chân lên khỏi ruộng là muốn rụng rời chân tay. Hồi đó, không cần phải bố mẹ nhắc, trong lòng tôi lúc nào cũng thôi thúc là mình phải học thật giỏi để sau này không còn phải đi cấy nữa. Vậy mà công việc ấy mẹ gắn bó mấy chục năm trời.
Buổi tối cơm nước xong xuôi mẹ lao vào gian bếp để làm mứt. Tính mẹ cẩn thận, cầu toàn. Mẹ muốn mọi thứ phải hoàn hảo nhất. Mẹ chọn nguyên liệu kỹ lưỡng lắm. Nhiều lúc ở chợ chỉ vì chọn nguyên liệu mà mất nguyên cả buổi. Xưa nóng tính, sốt ruột vì phải đợi lâu, tôi có làu bàu với mẹ. “Mẹ cứ vẽ chuyện, loại nào mà chẳng được”.
Mẹ bỏ ngoài tai, tiếp tục chọn nguyên liệu. Sau này ngẫm lại tôi biết bản thân đã sai. Mẹ làm là cho chị em tôi, chứ cho ai đâu mà tôi lại buông lời như vậy. Miếng ăn ngon nhất mẹ cũng muốn con cái được thưởng thức đầu tiên. Rồi mẹ trở thành khách quen của những cô bán cà rốt, bí đao, gừng, dừa... Ai cũng biết tính mẹ, lựa sẵn cho mẹ những thứ mẹ cần. Mỗi lần sau Tết mẹ vẫn để dành cho họ, mỗi người một ít mứt, gọi là quà đầu năm.
Hồi xưa vẫn chưa có bếp gas hay bếp điện như bây giờ. Nhà tôi vẫn dùng đèn dầu để thắp sáng trong mỗi tối. Mẹ lụi cụi với củi, rơm rạ, với ánh sáng leo lét. Thật lạ, dường như việc làm mứt hay nấu ăn của mẹ đã thành kỹ năng. Mọi thao tác mẹ làm không lệch lấy một ly. Mẹ nhóm bếp. Mẹ thái cà rốt, thái bí đao, nạo dừa rồi ướp đường, bắc lên bếp và sên mứt.
Trong nhập nhoạng ánh sáng mờ mờ của đèn dầu và lửa, mẹ ngời lên với khuôn mặt hiền hậu, những nếp nhăn sao yêu thương quá đỗi. Mỗi năm, nếp nhăn ấy lại càng nhiều và rõ nét hơn. Trên trán mẹ lấm tấm những giọt mồ hôi lăn tràn xuống má. Mái tóc hoa tiêu xõa đôi lọn.
Tay mẹ cứ thoăn thoắt, làm hết mẻ này tới mẻ khác. Tôi ngồi bên mẹ, cốt chỉ nhìn mẹ nấu, hạnh phúc khi được mẹ sai một vài việc lặt vặt rồi là người đầu tiên được nếm thử. “Út, ăn có thấy vừa chưa?”, “Có bị ngọt quá không?”, “Nhạt quá không, để mẹ nêm nếm thêm”. Mọi thứ quá hoàn hảo. Thậm chí sau này tôi có cơ hội được thưởng thức nhiều món mứt đắt tiền ngoài cửa tiệm sang trọng, so với mứt mẹ làm thì còn thua xa. Không phải vì tôi là con của mẹ nên tất thảy mọi việc mẹ làm đều tốt, còn những đồ khác thì không ngon. Nhưng sự thật là như vậy.
Những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa mẹ kể với chị em tôi. Tết thời của tôi cũng nghèo nhưng không nghèo bằng thời của mẹ. Mẹ nói Tết ngày xưa “nghèo xơ nghèo xác”. Tết ngày xưa làm gì có kẹo bánh, mứt mà ăn. Tết chẳng khác ngày thường là bao. Vậy nên, mẹ muốn chị em phải trân trọng đồ ăn, bánh kẹo. Trong trí tưởng tượng của mình, Tết mà không có thịt thà, kẹo, mứt thì chán vô cùng. Lúc đó tôi thương mẹ lắm, thương tuổi thơ và năm tháng khổ cực mà mẹ đã trải qua.
Rồi mỗi lần nhắc đến Tết lại thèm ơi là thèm cái không khí mấy chị em quây quần bên mẹ, bên gian bếp nhỏ yêu thương. Với tôi Tết bắt đầu từ gian bếp của mẹ. Những hương, những vị cứ thế quẩn quanh, lẩn quất tạo nên một mùi nhớ đặc biệt - mùi hương bếp Tết!
TĂNG HOÀNG PHI