Đĩa gốm Chu Đậu lập kỷ lục Guiness: Chuyện bây giờ mới kể

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 09:13, 26/01/2020

Việc đĩa gốm 1.000 chữ "Long" thư pháp được Tổ chức Guiness công nhận là "Đĩa gốm 1.000 chữ Long thư pháp độc đáo nhất" trở thành một kiệt tác thư pháp hiện đại của chữ và gốm...

Đĩa gốm 1.000 chữ "Long" được trưng bày tại Công ty CP Gốm Chu Đậu

Ngày 9.9.2019, chiếc đĩa gốm trên có 1.000 chữ Long thư pháp của Công ty CP Gốm Chu Đậu đã được tổ chức Kỷ lục Thế giới vinh danh, trao bằng chứng nhận và quyền trượng xác nhận Kỷ lục Guiness "Đĩa gốm 1.000 chữ Long thư pháp độc đáo nhất".

Kỷ lục thế giới

“Duyên” là từ ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Gốm Chu Đậu nói về sự ra đời của chiếc đĩa gốm 1.000 chữ Long vừa được công nhận kỷ lục thế giới "Đĩa gốm 1.000 chữ Long thư pháp độc đáo nhất". “Năm 2009, tại triển lãm gốm sứ ở Vân Hồ (Hà Nội), tôi gặp lại nhà thư pháp Lê Thiên Lý sau nhiều năm xa cách. Tôi và anh Lý từng quen biết từ ngày tôi còn công tác ở TP Hải Phòng.

Sau khi hàn huyên đủ thứ chuyện, chúng tôi bàn nhau nên làm một cái gì đó thật đặc biệt để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, ông Lưu kể lại. Khi ông Lưu nêu ra ý tưởng này, nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Chủ tịch Câu lạc bộ Thư pháp TP Hải Phòng đồng ý ngay và gợi ý nên làm một chiếc đĩa lớn, trên đó viết 1.000 chữ "Long" để tạo dấu ấn đặc biệt cho thành phố nghìn năm văn hiến.

Sau khi từ Hà Nội về, ông Lưu lập tức thành lập một tổ gồm những cán bộ kỹ thuật, công nhân giỏi nhất của xí nghiệp. Do chưa từng làm chiếc đĩa nào to như vậy nên các nghệ nhân phải mày mò nghiên cứu, tìm tòi nhiều phương án để lựa chọn.

“Đĩa càng to càng dễ vỡ hoặc nứt, xệ. Các nghệ nhân phải tính toán chi tiết độ chịu lực, bảo đảm xương gốm cứng, không bị cong vênh hoặc nứt khi nung”, ông Lưu kể lại.

Do chiếc đĩa có đường kính lên tới 1,5 m nên các nghệ nhân Xí nghiệp Gốm Chu Đậu đã phải làm maket để chia từng ô chữ với tỷ lệ hợp lý, bảo đảm sự hài hòa, cân đối của từng con chữ, từng loại hoa văn trên đĩa. Sau khi làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng phôi đĩa cũng được chế tác thành công, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.

Làm phôi đĩa đã kỳ công, viết được chữ lên đĩa lại càng phức tạp hơn gấp nhiều lần. Trong căn nhà nhỏ ở ngõ 119 phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân (TP Hải Phòng), nhà thư pháp Lê Thiên Lý nhớ lại: “Do chiếc đĩa quá lớn, số chữ lại nhiều nên để viết được 1.000 chữ "Long", tôi phải bỏ rất nhiều công sức.

Nếu dựng lên, đĩa sẽ bị nứt, vỡ nên nhiều lúc tôi phải nằm ở tấm gỗ bắc trên chiếc đĩa để viết theo đúng các ô đã được chia sẵn”. Vì viết trên gốm, phôi đĩa lại chỉ có 2 cái nên khi viết phải tuyệt đối chính xác, không được hỏng dù chỉ 1 chữ.

“Chỉ cần hỏng 1chữ là công sức của mọi người đổ xuống sông, xuống bể hết. Mỗi ngày tôi chỉ viết được vài chục chữ nhưng không phải ngày nào cũng viết được. Riêng việc viết chữ đã mất hàng tháng trời. Chữ còn phải bảo đảm cân đối, hài hòa về tổng thể cũng như mang tính nghệ thuật cao”, ông Lý cho biết. 

Mang hồn dân tộc

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý hoàn thiện những nét chữ cuối cùng

Để hoàn thành tác phẩm này, 10 nghệ nhân gốm Chu Đậu và nhà thư pháp Lê Thiên Lý phải lao động cật lực trong nhiều tháng với các công đoạn từ làm khuôn, nguyên liệu, đổ mộc rồi chuốt nhẵn, viết chữ, vẽ hoa văn minh họa, phủ men, nung đốt.

Đĩa được làm từ đất sét trắng lấy từ vùng núi Chí Linh địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ khí thiêng trời đất gắn liền với những danh nhân bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Sét trắng kết hợp với cao lanh lấy từ vùng núi phía bắc Phú Thọ linh thiêng, nơi hình thành Nhà nước đầu tiên của các vua Hùng - những ông tổ dựng nước của dân tộc.

Sét trắng và cao lanh lại được hòa lẫn với nhau bằng nguồn nước sông Thái Bình, dòng sông nhận nước từ dòng Lục Đầu Giang linh thiêng, nơi hội tụ của 6 con sông cũng là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng quân dân nhà Trần làm nên trận Vạn Kiếp lừng lẫy vào thế kỷ thứ XIII, đánh đuổi quân Nguyên Mông, một trong những đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới ra khỏi bờ cõi.

Ngoài các thể thư pháp truyền thống là Triện, Lệ, Khải, Thảo và Hành, nhà thư pháp Lê Thiên Lý còn viết bằng 2 thể hoàn toàn mới do chính ông sáng tạo ra là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. “Nhân diện thư” có nghĩa chữ là người, người là chữ.

Dưới bàn tay tài hoa của nhà thư pháp, chữ "Long" biến hóa thành dũng tướng bảo vệ thành Thăng Long, thành nhà nho suy tư bên ngòi bút lông, là anh bộ đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc, là chiến sĩ hải quân giữa biển khơi lộng gió hoặc em bé ưu tư bên quyển sách. Còn “Vật điểu thư” có nghĩa chữ là vật, vật là chữ.

Đó có thể là cây đàn, con thuyền đánh cá, âm dương lưỡng cực, quyển sách hoặc lá, hoa, con tôm, con cá. Rồi chữ còn là rồng chầu, rồng ẩn, rồng múa, rồng bay, là bản đồ Việt Nam…

Cả nghìn chữ biến hóa khôn lường, kỳ diệu. Từ những nét mảnh mai, nhẹ lướt hư ảo đến nét nặng, tả thực mạnh mẽ đều được thể hiện dưới bàn tay tài hoa của nhà thư pháp Lê Thiên Lý.

“Khác với viết trên giấy, để viết được trên gốm, tôi phải dùng loại cọ đặc biệt, mực mầu cô-ban pha chế riêng. Tôi còn phải viết thử lên một số sản phẩm gốm cho quen tay và điều chỉnh sao cho nét cọ, màu mực thật chuẩn”, nhà thư pháp Lê Thiên Lý kể lại.

Sau khi viết chữ và vẽ hoa văn hoàn chỉnh, đĩa được phủ lên một lớp men tự nhiên làm từ tro trấu - dòng men đã được xác lập độc bản kỷ lục Việt Nam để tạo nên màu men đặc trưng, riêng biệt so với các dòng gốm khác trên thị trường.

Sau khi phủ men, đĩa gốm được nung ở nhiệt độ 1.250 độ C trong suốt 17 giờ. “Đó là khoảng thời gian lo lắng, hồi hộp nhưng cũng đầy hy vọng. Suốt thời gian đó, chúng tôi hầu như không dám chợp mắt để bảo đảm lò nung hoạt động trong điều kiện tốt nhất.

Khi lò nguội, nắp lò được mở thì ai cũng vui mừng. Trong 2 chiếc đĩa đem nung thì 1 chiếc bị nứt, không bảo đảm yêu cầu nên bị loại. Chiếc còn lại ra lò hoàn hảo, không bị co rút, cong vênh”, ông Lưu nhớ lại.

Việc đĩa gốm 1.000 chữ "Long" thư pháp được Tổ chức Guiness công nhận là "Đĩa gốm 1.000 chữ Long thư pháp độc đáo nhất" trở thành một kiệt tác thư pháp hiện đại của chữ và gốm, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tinh hoa thư pháp Việt Nam gắn với sự trường tồn của gốm Chu Đậu. Chiếc đĩa không những tôn vinh tài hoa của người nghệ nhân dòng gốm nổi danh mà còn góp phần làm rạng danh nghề gốm Việt Nam.

VỊ THỦY