Nhớ Tết tòng quân kháng chiến

Tin tức - Ngày đăng : 14:18, 26/01/2020

Những Tết ấy ở quê tôi - thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng (nay là xã Đại Sơn, Tứ Kỳ) tưng bừng lắm...

Thanh niên nô nức tòng quân kháng chiến. Ảnh: Kim Hùng

“Có những ngày vui sao cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục…", âm vang bài hát Đường ra mặt trận của nhạc sĩ Huy Du luôn gợi lại khí thế thời thanh niên miền Bắc tòng quân chống đế quốc Mỹ xâm lược, đặc biệt là trong những ngày Tết Nguyên đán.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1965-1975, các tỉnh miền Bắc dốc sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Mỗi năm có hai đợt giao quân với quy mô lớn.

Đợt đầu được tiến hành ngay sau Tết Nguyên đán, thường là trước rằm tháng giêng. Công tác tuyển chọn quân đợt đầu được làm xong trước Tết. Bởi vậy, không khí Tết bao giờ cũng có sắc thái hoạt động đưa tiễn trai tráng lên đường nhập ngũ, đi giải phóng miền Nam.

Những Tết ấy ở quê tôi - thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng (nay là xã Đại Sơn, Tứ Kỳ) tưng bừng lắm. Cả xã sôi nổi phong trào “Thi đua 60 ngày”, từ đầu tháng chạp đến hết tháng giêng, nhằm mục tiêu “Cấy xong trước Tết và giao quân kịp thời”.

Khi chưa đủ tuổi nhập ngũ, tôi được ông Vũ Cao Biên, cán bộ phụ trách công tác văn hóa thông tin của xã giao nhiệm vụ viết khẩu hiệu “Cấy chưa xong chưa yên lòng ăn Tết”, “Thanh niên Đại Đồng vui xuân mới không quên nhiệm vụ, hăng hái lên đường nhập ngũ” bằng màu đỏ lên các bức tường quét vôi trắng ở những nơi công cộng, lối đi liên xóm, liên thôn.

Cổng chào đón xuân của làng được dựng trước Tết một tháng, quay ra hướng đông, phía đường đê 191 (nay là đường tỉnh 391), rực rỡ băng rôn nền đỏ chữ vàng “Nhiệt liệt hoan nghênh những người con của quê hương Đại Đồng tòng quân cứu nước!”.

Giáp Tết, Chi đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thôn nhộn nhịp tổ chức giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bộ đội neo túng và các hộ có con em sắp sửa tòng quân chuẩn bị đón Tết.

Trước hết là làm vụ chiêm xuân kịp thời. Tiếp theo là đánh gianh, tuốt rạ lợp nhà, thau rửa giếng khơi… Những việc này phải xong trước ngày ông Táo chầu trời (23 tháng chạp). Từ ngày 28 Tết, đoàn viên thanh niên, thiếu niên, học sinh đến các gia đình giúp quét dọn nhà cửa, đi nhận thịt lợn do HTX phân phối, gói và luộc bánh chưng.

Các bà trong Hội Mẹ chiến sĩ đi thăm, tặng quà cho anh em thanh niên do cơ thể thấp bé đang được nuôi dưỡng tại các điểm tập trung của tỉnh. Nhiều Tết, các mẹ mang cả rau, gạo, bánh chưng, dưa hành đến trại Văn Tố (Tứ Kỳ) để nuôi các thanh niên cần bồi dưỡng cấp tốc, chuẩn bị nhập ngũ đầu xuân…

Không khí Tết sôi nổi nhất là ở các gia đình có con em sắp nhập ngũ. Từng đoàn đại diện của lãnh đạo thôn, xã, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến chúc Tết, thăm hỏi. Tin chiến thắng, tình hình chiến sự ở các chiến trường được các đồng chí lãnh đạo phổ biến ngay cả trong lúc đi chúc Tết.

Cảm động nhất là chứng kiến số thanh niên nhập ngũ đợt đầu của thôn lập thành đoàn cùng nhau đi chúc Tết tất cả các gia đình trong làng. Đến đâu anh em cũng được đón tiếp ân cần. Những thứ hương vị Tết quý nhất được các gia đình dành sẵn để mời anh em thưởng thức. Tình làng nghĩa xóm quyện hòa trong tình yêu đất nước.

Đêm văn nghệ tự biên tự diễn đầu xuân của thôn được tổ chức trong chương trình tiễn đưa những người con quê hương chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Các tiết mục tập trung phản ánh chủ đề “Sản xuất giỏi và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương; hướng ra tiền tuyến, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Tôi nhớ mùng 5 Tết Đinh Mùi 1967, đội văn nghệ thôn Nghĩa Dũng thể hiện vở cải lương “Tòng quân giữa mùa xuân” do ông Phạm Văn Ky - người dân của thôn sáng tác và dàn dựng. Sân khấu đặt trong hội trường HTX để ánh đèn măng-sông không lộ ra ngoài trời, phòng khi máy bay địch đến bắn phá. Không khí buổi diễn rất rôm rả, âm hưởng thì thiết tha, sâu lắng.

Trước khi vào tiết mục, đồng chí bí thư chi bộ thôn trịnh trọng đọc lại bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ, hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa!”.

Ba chàng trai trong số thanh niên của thôn cùng nhập ngũ vào ngày 16.2 (tức mùng 8 Tết) được chọn làm diễn viên luôn, hóa trang lông mày lưỡi mác, mặt hồng hào, quần phăng xanh tím than, áo sơ mi trắng, trông vừa đẹp, vừa gần gũi.

Đoạn thể hiện tâm trạng người thanh niên nông thôn sắp lên đường ra trận diệt giặc, cứu nước được các anh diễn xướng với nghệ thuật hát nói, rất thực và vui: “Lúc muốn lên đường lập tức/ Lúc muốn thư thả vài hôm/ Để còn thăm hỏi bà con/ Cho đỡ nhớ trước khi lên đường!”. Người xem tỏ lòng yêu thương, thông cảm, mấy chị má đỏ hây hây đấm nhau thùm thụp, cười khúc khích…

Vở diễn có đoạn phê bình ông Nhè - nhân vật say sưa rượu chè ngày Tết, quên cả nhiệm vụ của người hậu phương, bà vợ ông quay xuống khán giả than thở: “Ới bà con ơi!/ Khắp nơi nô nức tòng quân/ Gái trai sôi nổi mùa xuân lên đường/ Vậy mà tôi bị chúng bạn coi thường/ Vì ông chồng suốt ngày ngất ngưởng bên đường với cái be" (dụng cụ bằng sành để đựng rượu).

Rồi bà quay sang túm áo ông Nhè, quát: "Có về đi không tôi đập be ra bây giờ!”… Khán giả được phen hả hê. Cảnh cuối là bà con thôn xóm mang bánh chưng, thuốc lá Tam Đảo, chè Hồng Đào ra tiễn chân các chàng trai đi bộ đội. Tốp thanh nữ hát điệu khúc ca Hoa Chúc: “Mong anh hãy gắng công/ Gìn giữ lấy núi sông/ Em, chúng em ở nhà cùng vào dân quân quyết một lòng thi đua/ Giữ yên làng quê”...

Ôi, nhớ sao những cái Tết tòng quân thời chiến! Quá nửa thế kỷ trôi qua mà hình ảnh, âm thanh, sắc màu, hương vị, nghĩa tình… trong những ngày Tết ấy vẫn không phai mờ trong ký ức nhiều thế hệ. Nỗi nhớ hai chiều - một chiều từ đất quê hương nghĩ đến người lên đường ra trận giữa mùa xuân dân tộc, một chiều do các cựu chiến binh nhớ lại những ngày Tết đất mẹ tiễn mình đi làm nhiệm vụ diệt thù, cứu nước, làm cho người trong cuộc lưu luyến mãi.

PHẠM XƯỞNG