Công trình của tình anh em

Xã hội - Ngày đăng : 15:04, 28/01/2020

Thư viện tỉnh Phú Yên đã có lịch sử gần 45 năm. Bà con nhân dân và bạn đọc vẫn trìu mến gọi đó là Thư viện Hải Phú, một biểu tượng của tình kết nghĩa 2 tỉnh Hải Dương - Phú Yên.

Tên Thư viện Hải Phú được công bố vào một ngày tháng 7.1975. Ảnh do Báo Phú Yên cung cấp

Với nhiều cán bộ làm công tác thư viện, câu chuyện xây dựng thư viện kết nghĩa dường như mới hôm qua. Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Hồi ấy, hòa chung phong trào hướng về miền Nam ruột thịt, cùng với làm thư viện của tỉnh mình, các tỉnh miền Bắc tiến hành xây dựng thư viện kết nghĩa. Từ phong trào này, có những lời thơ kêu gọi xây dựng thư viện kết nghĩa rất mộc mạc, nghĩa tình như “Dù cho sông cạn đá mòn/ Mối tình Nam - Bắc vẫn còn thắm tươi/ Về nhà lấy sách ai ơi/ Gửi vào trong ấy tặng người anh em”. 

Tại Hải Dương, phải đến năm 1974, 14 năm sau ngày kết nghĩa với tỉnh Phú Yên, 500 cuốn sách cùng phông màn, thiết bị âm thanh, chiếu sáng mới theo bước chân của những chiến sĩ giải phóng đến Phú Yên. Ngày 1.4.1975, Phú Yên giải phóng, 500 cuốn sách từ căn cứ cách mạng Phú Yên được chuyển về và tổ chức thành 2 tủ sách để đến ngày 22.6.1975 mở cửa phục vụ bạn đọc. 

Tháng 7.1975, đoàn cán bộ của Ty Văn hóa Hải Hưng khi ấy do đồng chí Vũ Cát, Phó Trưởng ty dẫn đầu đã mang vào tặng Phú Yên 10.000 cuốn sách, 4 giá đựng sách, 1 tủ mục lục và nhiều thiết bị khác để xây dựng thư viện. 

Ông Nguyễn Đình Nhã, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, khi đó là cán bộ của Thư viện tỉnh Hải Hưng phụ trách thư viện kết nghĩa, là thành viên của đoàn cán bộ năm ấy bồi hồi nhớ lại: “Phải mất khoảng nửa tháng đoàn chúng tôi mới vào đến Phú Yên. Tình hình lúc ấy cũng chưa yên ổn, hành trình từ Hải Dương vào Phú Yên rất gian khổ.

Đường sá khó đi, chưa có nhiều cầu như bây giờ, muốn qua sông phải xuống phà. Ngoài mang sách, giá đựng, tủ mục lục… chúng tôi còn chuẩn bị đồ ăn, thức uống và mang theo cả xăng xe ô tô. Vất vả như vậy nhưng ai cũng vui vì có thể góp phần nhỏ bé của mình vun đắp tình cảm giữa hai tỉnh kết nghĩa”.

Ông Nhã cho biết những cuốn sách gửi vào Phú Yên đều là sách tốt, được cán bộ thư viện ngoài này chọn lọc, chuẩn bị kỹ lưỡng. Cán bộ, nhân viên của Thư viện Hải Hưng khi ấy đã làm việc bất kể ngày đêm để hoàn chỉnh kỹ thuật cho kho sách, tủ mục lục… làm sao khi mang đến nơi là thư viện có thể hoạt động ngay để phục vụ bạn đọc. 

Tên Thư viện Hải Phú được công bố vào một ngày tháng 7.1975. Tên gọi này là một trong những biểu tượng cho tình anh em kết nghĩa son sắt, đậm sâu giữa 2 tỉnh Hải Dương - Phú Yên. 

Trải qua gần 45 năm xây dựng và trưởng thành, Thư viện Hải Phú giờ đây là Thư viện tỉnh Phú Yên. Thư viện khang trang, hiện đại, nằm trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) với diện tích hơn 2.800 m2 gồm phòng đọc, phòng mượn, phòng tra cứu, phòng địa chí, phòng thiếu nhi, phòng đa phương tiện... với trên 340.000 bản sách, tài liệu quý. Mỗi ngày thư viện phục vụ từ 350-500 lượt người đến mượn và đọc sách tại chỗ.

Không chỉ là nơi cung cấp nhiều kiến thức cho người đọc, thư viện còn là trung tâm văn hóa của đông đảo người dân, khách du lịch khi muốn tìm hiểu về đất và người Phú Yên. Ông Dương Thái Nhơn, Giám đốc đầu tiên của Thư viện Hải Phú nhắc tới kỷ niệm về những ngày thành lập Thư viện Hải Phú với giọng xúc động: “Anh Nguyễn Đình Nhã là người đầu tiên dạy tôi về nghiệp vụ thư viện. Chỉ trong vòng 1 tháng anh đã dạy tôi những kiến thức cơ bản như tổ chức phân loại sách, kho sách, mục lục… Chúng tôi rất cảm kích trước sự chuẩn bị chu đáo của đoàn cán bộ văn hóa tỉnh Hải Hưng năm ấy".

Những cuốn sách cùng với tấm lòng của người xứ Đông đã vượt hơn 1.000 km từ Hải Dương đến với bạn đọc Phú Yên. Ông Nhơn kể nhiều người khi đến thăm Thư viện Hải Phú vẫn đặt câu hỏi: “Tại sao thư viện của tỉnh Phú Yên lại tên Hải Phú mà không tên Phú Yên?” thì câu trả lời là bởi cái tên đó tượng trưng cho tình kết nghĩa giữa 2 tỉnh Hải Dương - Phú Yên.

Bà Phạm Bích Phương, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Hải Dương chia sẻ trong một chuyến đi học tập, trao đổi nghiệp vụ với một số thư viện ở các tỉnh phía Nam, bà có dịp đến Thư viện Hải Phú, vào thăm tận nơi lưu trữ kho sách kết nghĩa.

Bà rất xúc động khi thấy những cuốn sách đã ngả màu, tấm phích viết bằng tay qua mấy chục năm đã mờ màu mực nhưng vẫn được Thư viện Hải Phú lưu giữ cẩn trọng. “Điều tôi cảm thấy đáng quý nhất là qua nhiều thế hệ, cán bộ làm công tác thư viện của hai tỉnh vẫn luôn sát cánh hỗ trợ, trao đổi nghiệp vụ và giữ với nhau tình cảm chân thành, ấm áp”, bà Phương nói. 

Ngoài Thư viện Hải Phú, trong 60 năm kết nghĩa Hải Dương - Phú Yên, nhân dân Hải Dương đã có nhiều công trình, phần việc dành tình cảm cho tỉnh Phú Yên anh em như làm các con đường, cánh đồng, hàng cây Phú Yên để tăng gia sản xuất trong những năm chiến tranh. Gần đây nhất, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Hải Dương đã tổ chức tặng và khởi công xây dựng công trình thanh niên cầu dân sinh tại thôn Đồng Thạnh, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa...

Tại TP Tuy Hòa có con đường mang tên Hải Dương. TP Hải Dương cũng có nhiều phố mang tên những địa danh ở Phú Yên. Bởi vậy, hai vùng đất lúc nào cũng hiện hữu trong nhau.

HÀ NGA