Đằng sau cuộc chạy đua toàn cầu kiềm chế virus corona

Bình luận - Ngày đăng : 21:41, 28/01/2020

Dịch bệnh do virus corona đã cướp đi 106 sinh mạng, làm trên 4.500 người nhiễm bệnh tại Trung Quốc, trong khi các chuyên gia cảnh báo số người nhiễm virus có thể đã lên tới 100.000 người.


Nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ đưa một bệnh nhân tới Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán ngày 25.1. Ảnh: AFP/Getty Images

Đầu tháng 1, các bác sĩ ở  TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), một trung tâm công nghệ và giao thông ở miền Trung Trung Quốc, đã dốc sức tìm mọi cách để cứu mạng sống của một người đàn ông 61 tuổi bị nhiễm một loại virus mới và chưa được biết tới.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, bên cạnh các bệnh từ trước như những khối u ở bụng và viêm gan mãn tính. Thuốc chống nhiễm trùng không có tác dụng với ông. Máu của bệnh nhân được bơm qua phổi nhân tạo, sau đó ông bị sốc nhiễm trùng và các cơ quan nội tạng quan trọng ngừng hoạt động. Bệnh nhân qua đời vào ngày 9.1.

Đây không phải là cái chết bình thường. Ca tử vong này được lưu ý trong một thông cáo chính thức của chính quyền TP Vũ Hán, và đánh dấu ca tử vong đầu tiên trong ổ dịch đã gây báo động với các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới kể từ khi tin tức về "căn bệnh lạ" xuất hiện vào cuối tháng 12.2019.

Tới khi tháng 1 sắp kết thúc thì loại virus chết người nói trên, được xác định là một chủng của virus corona, đã lan đến bốn lục địa. Chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa phần lớn tỉnh Hồ Bắc, đồng nghĩa phong tỏa hơn 50 triệu người, trong một khu vực cách ly quy mô lớn nhất kỷ nguyên hiện đại. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của quốc gia, đã chỉ định một nhóm đặc biệt giám sát mọi việc từ tổ chức chăm sóc y tế cho đến nghiên cứu khoa học nhằm kiểm soát dịch bệnh. "Virus Vũ Hán" cho tới ngày 28.1 đã cướp đi sinh mạng của 106 người và làm trên 4.500 người mắc bệnh chỉ riêng tại Trung Quốc đại lục.


Nhân viên Đội Phản ứng khẩn cấp vệ sinh Vũ Hán rời Chợ bán buôn hải sản Huanan vào ngày 11.1. Ảnh: AFP/Getty Images 

Tại Vũ Hán, tâm chấn của cuộc khủng hoảng, sự hỗn loạn đã xảy ra khi các bệnh viện địa phương đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân, cũng như thiếu các thiết bị bảo vệ, khẩu trang và kính bảo hộ. Thành phố đang khẩn trương xây dựng và mở một bệnh viện chuyên khoa 1.000 giường cho bệnh nhân virus corona trong vòng 10 ngày.

Bắc Kinh đã điều nhiều các bác sĩ quân y đến địa phương. Một lệnh cấm mới đối với việc sử dụng xe ô tô cá nhân được áp dụng từ nửa đêm 25/1 đã khiến công dân Trung Quốc tự hỏi làm thế nào họ có thể đi làm hoặc mua nhu yếu phẩm. "Một tuần trước, mọi người vẫn đang chuẩn bị đón năm mới và chính phủ đã không công bố bất kỳ lệnh cấm hay tình trạng khẩn cấp nào”, ông James Jin, cư dân Vũ Hán nói với Bloomberg hôm 26.1. “Mọi thứ đột ngột thay đổi và làm tê liệt thành phố. Dường như họ đã bỏ lỡ cơ hội để ngăn chặn căn bệnh này ở giai đoạn sớm hơn”.

Đợt bùng phát dịch virus corona đã không thể diễn ra mạnh mẽ hơn, khi thời điểm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến gần, một thời kỳ diễn ra cuộc di cư lớn nhất hàng năm của con người trên thế giới. Và phản ứng ban đầu của Chính phủ Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng nhận được nhiều ý kiến ​​trái chiều. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi Trung Quốc vì sự cởi mở trong chia sẻ thông tin, thì một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tin rằng chính quyền địa phương đã quá chậm trễ để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ tháng 12.2019 và đầu tháng 1 này.

Chú thích ảnh
Du khách đeo khẩu trang bảo vệ trong khi chờ đợi tại ga đường sắt cao tốc Hồng Kiều, Thượng Hải trước Tết Nguyên đán vào tháng 22.1. Ảnh: Bloomberg

Ngay từ đầu, các chuyên gia đã lo lắng về khả năng virus biến đổi, cho phép lây lan dễ dàng hơn mà không có cách điều trị hay vắc-xin hiệu quả. Ngay cả một mầm bệnh ít gây chết người mà có khả năng lây lan không kiểm soát cũng có thể phá vỡ các hệ thống y tế công cộng toàn cầu, gây thiệt hại kinh tế và làm các thị trường toàn cầu trở nên hỗn loạn.

Theo WHO, chính quyền Trung Quốc hiện đã báo cáo về các ca nhiễm virus corona thế hệ thứ tư, trong đó các bệnh nhân gây ra một phản ứng dây chuyền lây nhiễm cho ba người khác và hiện tượng lây nhiễm từ người sang người đã xảy ra bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Một người cao tuổi Trung Quốc vô danh, qua đời vào đầu tháng 1, thường lui tới Chợ bán buôn hải sản nổi tiếng Huanan (Vũ Hán), nơi có rất nhiều người mua sắm, nhiều thịt động vật đã giết mổ và cả động vật sống được nhốt gần đó. Gà mái nhét trong lồng kim loại và rắn quằn quại trong xô nhựa, đặt ngay cạnh những bãi rác và thức ăn phân hủy, là cảnh tượng phổ biến ở những khu chợ như vậy trên khắp Trung Quốc. Đây cũng là những nơi sinh sản lý tưởng cho các mầm bệnh nguy hiểm.

Đến ngày 7.1, các nhà khoa học Trung Quốc đã phân lập được loại virus mới và mã di truyền của nó vài ngày sau được gửi đến một số cổng chia sẻ dữ liệu trực tuyến nơi các chuyên gia y tế công cộng trao đổi thông tin.

Chú thích ảnh
Máy xúc khẩn trương làm việc trên công trường xây dựng bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán vào ngày 24.1. Ảnh: Getty Images

Virus corona được biết đến chủ yếu lây nhiễm qua dơi, lợn và các động vật khác, lây từ động vật sang người và cả từ người sang người. Chúng có nhiều chủng, mức độ nghiêm trọng dao động từ cảm lạnh thông thường đến một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm đe dọa tính mạng con người, như Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông, được gọi là MERS. Chủng virus ở Vũ Hán, mà WHO gọi là 2019-nCoV, có vẻ ít độc tính hơn SARS vào lúc này, đe dọa tính mạng nhiều nhất đối với người bệnh và người già.

Tuy nhiên vào giữa tháng 1, ngay cả khi số người chết vẫn còn tương đối thấp, vẫn có lý do để lo lắng. Các virus corona (được đặt tên bởi những gai giống như vương miện trên bề mặt của chúng), có thể biến đổi dễ dàng sau khi nhảy lên vật chủ là con người.

Ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Phòng chống dịch bệnh có trụ sở tại thành phố Oslo (Na Uy), đã chỉ ra rằng đại dịch cúm năm 1918 có tỷ lệ tử vong dưới 5% nhưng lây nhiễm tới 1/3 dân số thế giới. Đại đa số những người bị bệnh chỉ bị cúm, tuy nhiên, cuối cùng ước tính khoảng 50 triệu người đã tử vong vì virus lây lan quá rộng.

Thời kỳ đầu cuộc khủng hoảng dịch SARS vào cuối năm 2002 (bùng phát ở phía Nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc rồi nhanh chóng lan qua biên giới), nhiều bác sĩ hàng đầu của Trung Quốc ban đầu kết luận rằng họ đang đối phó với bệnh viêm phổi do chlamydia, một loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Bộ trưởng Y tế Trung Quốc khi đó, ông Zhang Wen Khang cuối cùng đã mất chức vì xử lý sai cuộc khủng hoảng, vốn đã làm 774 người thiệt mạng và dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu 40 tỷ USD trong năm 2003.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua khẩu trang y tế tại một hiệu thuốc ở Hong Kong ngày 23.1. Ảnh: Bloomberg

Vài tuần trước, một trong những chuyên gia y tế công cộng thời kỳ đó tỏ ra lo lắng Trung Quốc có thể đã đánh giá sai một lần nữa. Guan Yi là một nhà virus học thẳng thắn và là giám đốc của Phòng thí nghiệm Các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện tại Đại học Hong Kong, và là một người nổi tiếng trong số các nhà vi trùng học trên toàn thế giới. Tạp chí Time đã giới thiệu ông là một trong số 18 Anh hùng sức khỏe toàn cầu năm 2005.

Ông Guan đã tỏ ra gay gắt trong những lời chỉ trích đối với việc chính quyền Vũ Hán chờ đợi cho đến ngày 23.1 mới áp đặt lệnh cấm đi lại - khi các ca nhiễm bệnh đã xảy ra trên nhiều vùng của Trung Quốc. Một phản ứng nhanh hơn sẽ giúp kiềm chế sự di chuyển của những người vẫn đang trong giai đoạn ủ bệnh và ngăn chặn họ đưa virus ra bên ngoài thành phố. Người ta ước tính, trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực thì có tới 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán.

Chú thích ảnh
Một thông báo cung cấp hướng dẫn cho khách du lịch từ Vũ Hán được hiển thị khi hành khách đi qua trạm kiểm dịch tại sân bay Narita ở Nhật Bản vào tháng 1. Ảnh: Bloomberg

Sau khi trở về từ chuyến đi ngắn đến Vũ Hán vào giữa tháng 1 và dựa trên ước tính của chính mình, trả lời phỏng vấn tạp chí Caixin, chuyên gia Guan dự đoán rằng dịch bệnh mới nhất này có thể kết thúc ít nhất gấp 10 lần quy mô dịch SARS.

Sự phát triển của dịch bệnh trở nên đáng lo ngại vào cuối tháng 1, khi thị trưởng Vũ Hán, Zhou Xianwang, tuyên bố các triệu chứng của một bệnh nhân phẫu thuật thần kinh đã bị nhân viên y tế tại một bệnh viện đại học y bỏ qua, khiến virus lây nhiễm cho bác sĩ và 13 bệnh nhân. Thông báo này lập tức được Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm ở Maryland, Mỹ chú ý. “Điều đó khiến chúng tôi nhận ra rằng, tương tự như SARS, có một số người là những người siêu lây lan”, ông nói.

Điều được nhận ra sau đó là 2019-nCoV có đặc tính ủ bệnh rất kỹ, cho phép nó thoát khỏi sự phát hiện của máy quét nhiệt ở sân bay. Sốt và các triệu chứng khác có thể không xuất hiện trong hai tuần sau khi nhiễm bệnh.

Chú thích ảnh
Máy quét nhiệt tại ga đường sắt Hán Khẩu ở Vũ Hán vào 21.1. Ảnh: AFP/Getty Images

Các bác sĩ đã mô tả các ca lây nhiễm bệnh giữa các thành viên trong một gia đình sống ở Thâm Quyến, đến Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019. Bốn người bị nhiễm virus đã lây sang người thứ năm sau khi họ trở về nhà vào 4.1 - một trong những ví dụ sớm nhất về việc 2019-nCoV lây từ người sang người.

Cách đó nửa vòng Trái đất, bà Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Trung tâm Phòng chống bệnh miễn dịch và hô hấp, đã làm việc cả 7 ngày một tuần để cố gắng làm sáng tỏ những bí mật của "virus Vũ Hán".

Các quan chức CDC ban đầu được an ủi bởi thực tế là các nhà chức trách ở Trung Quốc đã được đào tạo bài bản trong việc xác định nguồn gốc của một ổ dịch mới phát. Nhưng Messonnier và các đồng nghiệp của bà đã trở nên lo ngại khi thủ phạm vẫn không được tìm ra vài ngày sau đó.

Vào 8.1, CDC đã gửi một bản ghi nhớ tới các sở y tế nhà nước trên toàn nước Mỹ để cảnh báo họ về sự thật rằng “có điều gì đó bất thường đang xảy ra và cần tăng cường cảnh giác”. Sau đó khi các nhà khoa học công bố mã di truyền của coronavirus, cũng là lúc khẳng định mối lo ngại về điều tồi tệ nhất mà CDC nghĩ đến.

Chú thích ảnh
Trung tâm y tế khu vực Providence ở Everett, bang Washington, vào ngày 21.1. Ảnh: Bloomberg

Rồi khoảnh khắc tất yếu cũng xảy đến. Một cư dân Mỹ 30 tuổi ở Hạt Snohomish, bang Washington, đã trở về ngày 15.1 sau chuyến đi gần hai tháng tới Vũ Hán. Một ngày sau, anh ta xuất hiện các triệu chứng nhẹ, chủ yếu là ho.

Người đàn ông đã đến một phòng khám sức khỏe vào 19.1 và được đưa vào phòng cách ly tại Trung tâm y tế khu vực Providence ở Everett, Washington.

Trong khi những chuyên gia săn lùng bệnh tật giỏi nhất thế giới chạy đua tìm cách kìm hãm sự phát triển của virus, thì tình hình khẩn cấp tiếp tục nhân lên nhiều lần ở Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, và trớ trêu thay, là nơi có phòng thí nghiệm an toàn sinh học tối đa đầu tiên của đất nước được trang bị để nghiên cứu về những mầm bệnh nguy hiểm nhất.

Được mệnh danh là "Chicago của Trung Quốc", Vũ Hán là một trung tâm công nghiệp dọc theo sông Dương Tử, ngay phía hạ lưu đập Tam Hiệp khổng lồ. Trong suốt tháng 12.2019, chính quyền địa phương bắt đầu nhận thấy các ca viêm phổi trong công nhân và người mua sắm tại Chợ bán buôn hải sản Huanan đủ nghiêm trọng để buộc phải nhập viện.

Khi các phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu chuẩn không có tác dụng, và các xét nghiệm thông thường không thể tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ đã nghiên cứu dịch tiết đường hô hấp và các mẫu khác để xác định tác nhân gây nhiễm trùng. Sau khi nhận thấy virus lạ có vẻ giống với SARS, các nhà điều tra y tế đã thông báo cho thành phố, và sau đó là tỉnh và chính phủ vào khoảng cuối tháng 12.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã phái các quan chức đến Vũ Hán để hướng dẫn chiến lược ngăn chặn. Vào ngày 1/1 chính quyền đã đóng cửa các chợ ở Vũ Hán, nơi hầu hết những người bị nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu dịch bùng phát là công nhân, hoặc là người thường xuyên đi chợ. Sau đó, các ca lây nhiễm lan rộng, sang cả những người không đi chợ.

Chú thích ảnh
Nhân viên Đội Phản ứng vệ sinh khẩn cấp Vũ Hán làm việc tại chợ bán buôn hải sản Huanan đã đóng cửa vào 11.1. Ảnh: AFP/Getty Images

Đầu tháng 1, có vẻ như virus này không dễ lây truyền giữa con người. Các triệu chứng rất khác nhau, với một số bệnh nhân chủ yếu bị sốt, những người khác mệt mỏi, ho khan và khó thở.

Nhưng những ca nhiễm bệnh khác sau đó trở nên cực đoan hơn nhiều. Vào 13.1, bà Liu Rui, 65 tuổi, nhập viện tại khoa sốt bệnh viện Tongji, Vũ Hán. Tất cả 10 giường đã kín bệnh nhân vào thời điểm đó và tất cả các bác sĩ và y tá đều đeo mặt nạ bảo vệ. Tuy nhiên, khi không có lệnh phong tỏa chính thức, các bệnh nhân, bao gồm bà Liu, đã đến và rời đi theo ý muốn.

Một ngày sau đó, kết quả chụp CT cho thấy bà Liu Rui có “phổi trắng” – tức tình trạng các túi khí nhỏ trong phổ chứa đầy chất lỏng, khiến bà khó thở. Bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, được đặt máy thở nhưng qua đời ngay sau đó.

Vào 17.1, khi nhiều bệnh nhân hơn nhập viện, bà Messonnier - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, nói với các phóng viên rằng có những dấu hiệu mầm bệnh mới được truyền từ người qua người, chứ không chỉ từ động vật sang người như mong đợi ban đầu. Ba ngày sau, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin các nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Đó là một lời cảnh báo đáng lo ngại khi nhớ lại trong cuộc khủng hoảng dịch SARS, nhân viên bệnh viện và phòng khám chiếm gần 1/4 số ca nhiễm bệnh.

Gần một tuần sau, WHO đã quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch bệnh do virus corona. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chính phủ đã thực hiện một bước đi mạnh mẽ là hạn chế việc đi vào ra tại hàng chục thành phố ở miền Trung. Chính quyền cũng đình chỉ việc bán các tour du lịch và thậm chí đóng cửa Disneyland Thượng Hải.

Chú thích ảnh
Người đi bộ đeo khẩu trang đứng trước cửa hiệu trên đường Đông Nam Kinh, Thượng Hải, trước Tết nguyên đán ngày 23.1. Ảnh: Bloomberg

Giới chuyên gia cho ràng Chính phủ Trung Quốc chắc chắn đã thực hiện rất nhiều công việc kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhưng có nhiều điều khác họ có thể làm để cải thiện tình hình, như xử lý rác thải đúng cách tại các chợ. Không ai trong nền y tế công cộng có thể ngạc nhiên khi Trung Quốc lại là nơi phát sinh ra một dịch bệnh mới, do mật độ dân số và những tồn tại trong ngành công nghiệp thực phẩm. 

Sự xuất hiện và đang lan rộng toàn cầu của virus corona 2019-nCoV là một lời nhắc nhở rằng ngay cả trong thời đại hiện đại này, với những tiến bộ về tuổi thọ, vệ sinh, tiêm phòng và các liệu pháp chống vi trùng, mối đe dọa nguy hiểm từ các bệnh truyền nhiễm vẫn tồn tại và có thể gây ra khủng hoảng y tế đối với nhân loại bất cứ lúc nào. 

Theo báo Tin tức