Tái hiện bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 13:38, 29/01/2020

Mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung với áo bào xám đen khói súng đã ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân tiến vào Kinh thành Thăng Long trong sự vui mừng của nhân dân.

Quang cảnh một lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa ở Gò Đống Đa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 29.1 (tức mùng 5 Tết), Lễ hội kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789 -2020) đã diễn ra trang trọng tại di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa (Hà Nội) nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung cùng các tướng sỹ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, TP Hà Nội, đông đảo người dân Thủ đô và khách thập phương đã đến dự lễ hội.

Tại lễ hội kỷ niệm, các đại biểu, nhân dân cùng ôn lại chiến công của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Vào năm 1788, lợi dụng cơ hội Lê Chiêu Thống cầu viện phát binh đánh nhà Tây Sơn, triều đình Mãn Thanh đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân, tiến vào nước ta nhằm xâm chiếm Đại Việt.

Trước tình hình cấp bách thù trong, giặc ngoài, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung, ra lệnh tiến quân ra Bắc.

Ngày 30 tháng chạp năm Mậu Thân, Hoàng đế Quang Trung khao quân ăn Tết sớm và hẹn với ba quân sẽ ăn Tết tại Kinh thành Thăng Long vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu.

Quân Tây Sơn chia làm 5 đạo quân chủ lực do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đánh vào mặt chính Nam đã vượt sông Gián Thuỷ, mở màn cuộc đại phá quân Thanh.

Các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết, Nhật Tảo... lần lượt bị hạ.

Nửa đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 28.1.1789), quân Tây Sơn đã bí mật bao vây tiến đánh đồn Hạ Hồi, bắt sống hàng vạn quân Thanh.

Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 30.1.1789), quân Tây Sơn do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đã bất ngờ tấn công đồn Ngọc Hồi với thế trận mạnh như "triều dâng, bão cuốn," phá hủy các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ phía Nam đồn Ngọc Hồi.

Tại hướng Tây, đạo quân do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy cũng đồng thời mở cuộc tiến công bất ngờ vào đồn Khương Thượng. Trước thế cùng, lực kiệt, Sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự tử tại Loa Sơn, Khương Thượng. Tiếp tục thế tiến công, quân Tây Sơn đã thừa thắng, tiêu diệt các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng tiến sâu, giải phóng kinh thành Thăng Long.

Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (tức ngày 30.1.1789), Hoàng đế Quang Trung với áo bào xám đen khói súng đã ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân tiến vào Kinh thành Thăng Long... trong sự vui mừng của nhân dân.

Phát biểu tại lễ hội kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong khẳng định trận Ngọc Hồi-Đống Đa đại thắng đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh.

Bằng thắng lợi này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, yêu độc lập-tự do ngàn đời của nhân dân ta; khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Lễ hội kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống: Tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân; lễ dâng hoa, dâng hương, chúc văn tại tượng đài, đền thờ Hoàng đế Quang Trung; biểu diễn trống hội...

Đại biểu và nhân dân cũng được thưởng thức màn sử thi tái hiện chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ dẹp tan quân Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long.

Ngoài ra còn có hoạt động dâng hương của nhân dân và khách thập phương, văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian.

Theo TTXVN