Thi đua trồng cây theo gương Bác
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:24, 31/01/2020
Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân", cứ mỗi độ Tết đến xuân về, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh lại hưởng ứng phong trào trồng cây, đem lại hiệu quả thiết thực.
Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày 11.1.1960, Bác trồng cây đa tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), noi gương Bác, nhân dân trong tỉnh luôn hăng hái thi đua trồng cây. Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Cứ sau dịp Tết Nguyên đán, trong tiết trời xuân ấm áp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Năm 2019, tỉnh ta đã trồng được 1 triệu cây phân tán, 400.000 cây lấy gỗ, cây phong cảnh, bóng mát và 600.000 cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả toàn tỉnh tăng lên đạt 21.500 ha, chủ yếu là vải, ổi, na, cam, quýt... Hàng trăm ha vải ổi, na, nhãn đã sản xuất theo quy trình VietGAP. Vải thiều tiếp tục được xuất khẩu. Năm 2019, tỉnh ta đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 80 mã số vùng trồng và 116 cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Việc chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng lúa, thích hợp với vùng khó khăn nguồn nước. Các địa phương chủ động xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị vùng trồng. Việc trồng cây đã góp phần tích cực duy trì diện tích rừng, làm đẹp cảnh quan công sở, trường học, đường giao thông, các khu đô thị và khu công nghiệp, bảo vệ môi trường sống.
Năm 2020, hưởng ứng Tết trồng cây, tỉnh ta phấn đấu trồng 1 triệu cây phân tán, duy trì 21.500 ha diện tích cây ăn quả. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, hơn lúc nào hết, việc trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ càng có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần khắc phục những biến đổi tiêu cực của thời tiết, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để thực hiện tốt việc trồng cây, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để phân bổ cho các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nhất là giống cây, trồng đi đôi với chăm sóc để bảo đảm trồng cây nào sống cây ấy.
Đối với các địa phương có rừng, cần quan tâm phát động Tết trồng cây gắn với trồng rừng, bảo vệ rừng. Về diện tích cây ăn quả, các địa phương cần bám sát định hướng của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể, bảo đảm trồng cây đạt hiệu quả cao. Việc trồng cây ăn quả cần được quy hoạch thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung để tạo ra sản phẩm thế mạnh, vùng chuyên canh; tránh phát triển ồ ạt những cây trồng có giá trị kinh tế cao dẫn đến cung vượt cầu.
Các ngành liên quan, nhất là ngành nông nghiệp cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất cây ăn quả. Các cấp, các ngành liên quan cần chủ động xúc tiến thương mại, ký hợp đồng và tạo điều kiện tiêu thụ trái cây thuận lợi, tránh tình trạng được mùa mất giá. Mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể cần chủ động hưởng ứng Tết trồng cây để làm cho cơ quan, công sở ngày càng xanh, đẹp hơn.
HẢI DƯƠNG