Hồng Dụ trồng cây theo lời Bác
Môi trường - Ngày đăng : 15:07, 31/01/2020
Tết trồng cây được xã Hồng Dụ phát động vào ngày mùng 4 Tết hằng năm, thu hút đông đảo nhân dân tham gia
Nhớ lời dặn của Người, cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây luôn phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nhớ ngày Bác về thăm
Những ngày đầu xuân, làng quê Hồng Dụ (Ninh Giang) khoác thêm tấm áo màu xanh biếc của lộc non. Xuân về cũng là thời điểm cán bộ và nhân dân nơi đây tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Hồng Dụ từng là điển hình của miền Bắc trong những năm 60 của thế kỷ trước về phong trào trồng cây, làm thuỷ lợi và vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Mặc dù đã 73 tuổi nhưng ông Nguyễn Sĩ Đệ vẫn nhớ như in lần đầu được gặp Bác. Ông Đệ kể, buổi sáng 15.2.1965, khi Bác về thăm xã Hồng Thái, hàng trăm người dân đứng xung quanh yên lặng nghe Bác nói. Đôi mắt Bác hiền từ, giọng nói trầm ấm. "Năm đó tôi được phân công kẻ vạch vôi ngoài sân bãi để chuẩn bị cho ngày mai đón đoàn lãnh đạo cấp cao về thăm. Tầm 8-9 giờ sáng hôm sau có khoảng 5-6 chiếc xe ô tô đi vào xã. Bác từ xe bước xuống, mọi người đều bất ngờ. Biết Bác về thăm, mọi người đồng thanh hô vang Hồ Chủ tịch muôn năm. Bác giản dị và gần gũi lắm", ông Đệ nói.
Theo các bậc cao tuổi trong xã, những năm 60, xã Hồng Thái là địa phương kiểu mẫu trong phong trào làm thủy lợi nên được đón Bác về thăm. Ngày đó, mọi người chỉ biết có cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về nên chuẩn bị đào hầm, bố trí sân bãi cho cuộc nói chuyện. Không ngờ lại được đón Bác.
Hôm về xã, Bác không đến ngay nơi đã được chuẩn bị sẵn mà đi một vòng từ thôn Tiêu đến thôn Tương rồi mới quay về thôn An Rặc, nơi bà con đang đợi. Bác khen ngợi thành tích của Hồng Thái, một nơi bao năm “chiêm khê, mùa thối”, nhờ làm thủy lợi tốt mà năng suất, sản lượng lúa tăng lên.
Bác động viên phong trào trồng cây của các cụ rồi căn dặn: “Đồng bào và cán bộ Hồng Thái chớ nên tự mãn với những thành tích bước đầu mà cần phải cố gắng hơn nữa”. Bác nhắc nhở mọi người phải làm cho năng suất lúa tăng hơn. Phải đẩy mạnh chăn nuôi hơn nữa, chăm sóc hơn nữa công việc trồng cây và tạo sự gắn kết trong Đảng, củng cố phát triển đảng viên và đoàn viên. Năm đó, Bác tặng Hồng Thái chiếc máy bơm nước Trần Hưng Đạo để phục vụ sản xuất.
Trở thành nét đẹp văn hóa
Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Dụ luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Người. Mỗi năm, xã trồng thêm hàng trăm cây xanh các loại. Năm 2019, toàn xã đã trồng được khoảng 5.000 cây lấy gỗ, cây phong cảnh, cây bóng mát và cây ăn quả. 80% số cây được trồng vào mùa xuân. Tỷ lệ cây sống và phát triển đạt cao. Cây cảnh, cây bóng mát trồng tập trung tại khu vực trường học, công sở, các điểm công cộng và ven đường nội đồng. Tại các vườn và khu vực chuyển đổi, nhân dân trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập.
Phong trào "Tết trồng cây" do Bác phát động ngày càng được nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường, tô đẹp làng quê. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân Hồng Dụ lại tưng bừng hưởng ứng ngày hội "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Hằng năm, Tết trồng cây được xã tổ chức vào ngày mùng 4 Tết, trở thành nét đẹp văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Hơn 20 năm nay, năm nào gia đình ông Bùi Quang Lâm (72 tuổi) ở thôn An Rặc đều hưởng ứng Tết trồng cây. Không chỉ trồng cây tại vườn nhà, ông còn vận động các thành viên trong gia đình tham gia trồng cây tại đường làng, ngõ xóm, khu chuyển đổi. Ông Lâm cho biết: "Ngày gặp Bác tôi mới 13 tuổi nhưng những lời Bác căn dặn tôi vẫn nhớ như in. 20 năm qua, năm nào tôi cũng trồng từ 5-10 cây ăn quả vào dịp đầu xuân. Hiện tôi đã có một vườn cây ăn trái, cây cảnh với trên 100 cây các loại. Phong trào trồng cây vào mỗi độ xuân về đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây".
Trước những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, mặc dù bận rất nhiều việc nhưng UBND xã Hồng Dụ vẫn chú trọng xây dựng và triển khai kế hoạch phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Năm nay, xã phấn đấu mỗi ban, ngành, đoàn thể và hộ dân trồng ít nhất từ 1-2 cây xanh; tham gia chăm sóc, bảo vệ vườn cây tại di tích lịch sử lưu niệm Bác Hồ. Xã chuyển đổi 30 ha trồng lúa sang trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ. Đối với 120 ha diện tích nuôi thủy sản, xã sẽ vận động người dân trồng thêm cây ăn quả để tăng thu nhập.
ĐỖ QUYẾT