“Cán bộ sợ trù dập thì không phải là người có đấu tranh“
Tin tức - Ngày đăng : 07:47, 05/02/2020
Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa
Cùng với đó, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hàng loạt cán bộ lãnh đạo cũng bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Qua kiểm tra nhiều dự án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của lãnh đạo tỉnh từ năm 2010 đến nay. Trong đó, 47 dự án UBND tỉnh phê duyệt chủ trương vượt thẩm quyền, UBND tỉnh đã ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vi phạm khi không xem xét cho chủ trương 29 dự án, để Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang trực tiếp ký 1 văn bản cho chủ trương đối với một dự án vượt thẩm quyền, trái với quy định, chưa thảo luận và bàn bạc trong tập thể.
Vi phạm của các tổ chức Đảng và các cá nhân lãnh đạo ở tỉnh Khánh Hòa được kết luận là rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục.
Ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra rất nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài.
"Mỗi đảng viên đều phải có ý thức, thấy sai phải phản đối, thấy đúng phải ủng hộ, phải có chính kiến. Cán bộ có cương vị mà không có ý kiến gì trong các chủ trương, coi như mình thống nhất với các chủ trương đó, chủ trương đúng thì mình ăn theo, nếu sai thì mình phải chịu trách nhiệm, nếu sợ trù dập thì đó không phải là người có đấu tranh"- ông Phạm Văn Chi nêu quan điểm.
Trong thời gian dài, hàng loạt dự án tại tỉnh Khánh Hòa có nhiều sai phạm. Trong đó, UBND tỉnh chỉ định thầu và chỉ định luôn giá mà không tổ chức đấu thầu, đấu giá, dẫn đến thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước. Vi phạm này có sự giúp sức của nhiều cơ quan chức năng.
Ông Lê Văn Long - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5 Thanh Hải, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang cho rằng những sai phạm này cho thấy có sự tiếp tay của nhiều cán bộ cấp dưới. Cho nên người dân mong muốn cán bộ nào sai phạm thì không nên đưa vào cấp ủy khóa mới.
Khó khăn hiện nay ở Khánh Hòa là từ giữa tháng 12.2019 đến nay, tỉnh này chưa có người làm Chủ tịch UBND tỉnh thay thế ông Lê Đức Vinh bị kỷ luật cách chức. Hiện công việc điều hành của UBND tỉnh dồn vào 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết khối lượng công việc bị dồn ứ, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức sa sút.
"Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh cần phải rà soát lại thủ tục pháp lý đối với các dự án được cấp phép đầu tư trước đây để làm đúng theo quy định của pháp luật. Trước đây làm gọn, đi tắt đón đầu cũng nhiều để cho nhanh. Các dự án ồ ạt vào tỉnh, triển khai rất mạnh. Vừa rồi rà soát bị sai theo quy định. Yêu cầu lập lại từ đầu, dự án phải đấu thầu, đất thì phải đấu giá" - ông Nguyễn Đắc Tài nhấn mạnh.
Sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, tỉnh Khánh Hòa thành lập các Ban Chỉ đạo, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh cùng chia sẻ trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trước mắt. Đối với những dự án mà đoàn kiểm tra chỉ ra có thất thoát tài sản, các bên có liên quan sẽ tính toán để thu hồi nộp ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết Tỉnh ủy sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định pháp luật.
Theo ông, trách nhiệm Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ cũng như nhiệm kỳ hiện tại phải thể hiện tinh thần cầu thị, nhận lấy thiếu sót và có hướng khắc phục. Còn bản thân các cán bộ trong Ban Thường vụ, Ban Cán sự UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm với hình thức xử lý kỷ luật mà Ban Bí thư cũng như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã công bố.
Theo VOV