Những quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động khi có dịch bệnh Corona

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 14:14, 09/02/2020

Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, người sử dụng lao động được chuyển người lao động công việc khác hoặc cho thôi việc, nhưng phải báo trước.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đang diễn biến hết sức phức tạp, gây hoang mang cho đại đa số người dân, trong đó có cả người lao động (NLĐ) lẫn người sử dụng lao động (NSDLĐ). Sau đây là những quyền và nghĩa vụ của hai bên quan hệ lao động.

Được chuyển NLĐ làm việc khác hoặc cho thôi việc

Đối với NSDLĐ được chuyển NLĐ làm công việc khác. Theo khoản 1, điều 31 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh… NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, chỉ được chuyển NLĐ sang làm công việc khác không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm. Trường hợp đã đủ 60 ngày, nếu tiếp tục phải chuyển NLĐ làm công việc khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của NLĐ.

Những quyền lợi của doanh nghiệp và NLĐ khi có dịch bệnh Corona - Ảnh 1.
Nếu người lao động phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch bệnh thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Trước khi chuyển NLĐ làm công việc khác, NSDLĐ phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của NLĐ.

Theo điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ Luật Lao động hiện hành, NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) vì lý do bất khả kháng. Tại khoản 2, điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP liệt kê các trường hợp bất khả kháng bao gồm: Địch họa, dịch bệnh; Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do đó, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, NSDLĐ được quyền cho NLĐ thôi việc.

Điều đáng chú ý, phải báo cho NLĐ biết trước: Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; Ít nhất 3 ngày làm việc đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Pháp luật cho phép NSDLĐ làm việc này để bù đắp, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra. Điều 107 Bộ Luật Lao động 2012 quy định: NSDLĐ có quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và NLĐ không được từ chối trong trường hợp thực hiện công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

NLĐ được trả lương khi ngừng việc

Đối với NLĐ, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, NSDLĐ có quyền tạm chuyển NLĐ sang làm công việc khác so với HĐLĐ. Lúc này, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, khoản 3, điều 31 Bộ Luật Lao động 2012 nêu rõ: NLĐ được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Đồng thời, tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ- CP như sau: Vùng I, mức 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II, mức 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III, mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng IV, mức 3.070.000 đồng/tháng.

Còn tại khoản 3, điều 98 Bộ luật Lao động 2012 đề cập đến tiền lương trong trường hợp ngừng việc: Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ, NLĐ hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ… thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Trên cơ sở này, nếu NLĐ phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch bệnh thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đã nêu.

Trong quan hệ lao động, hầu hết mọi trường hợp gây thiệt hại đều phải bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, điều 130 Bộ luật Lao động 2012: Nếu thiệt hại xảy ra do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa… không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì NLĐ sẽ không phải bồi thường.

Quy định là vậy nhưng NLĐ cũng không nên lợi dụng tình hình dịch bệnh làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ để tránh ảnh hưởng tới công việc của mình và những người xung quanh.


Theo Người lao động