Ly hôn ở tuổi xế chiều
Đời sống - Ngày đăng : 14:36, 09/02/2020
Không chỉ phụ nữ, cả đàn ông cũng cần có kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Giới hạn của sự chịu đựng
Bà N.T.A. (60 tuổi) ở phố Hai Bà Trưng (TP Hải Dương) vừa hoàn tất thủ tục ly hôn với chồng sau 32 năm chung sống. Từ người thân tới bạn bè đều rất ngạc nhiên với quyết định bỏ chồng của bà A. Lúc còn trẻ, vợ chồng bà A. khá vất vả. Để có tiền nuôi con, hai vợ chồng bà A. làm đủ nghề, chồng làm thuê, vợ chạy chợ.
Khó khăn là thế nhưng cuộc sống của vợ chồng bà A. khá hạnh phúc. Rồi có người họ hàng xa bỏ mối bán đồ gia dụng giúp đỡ vốn và nguồn hàng nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Có "của ăn của để", chồng bà A. bắt đầu sinh tật. Không ít lần bà A. chấp nhận tha thứ cho chồng để các con có cha.
Những tưởng bị vợ phát hiện chồng bà A. sẽ biết hối lỗi quay về, nhưng bà A. đã lầm khi chồng bà hết lần này tới lần khác vẫn cặp kè với người phụ nữ khác. Thậm chí, chồng bà A. còn công khai dọn ra ngoài ở với người tình, bỏ mặc việc gia đình và con cái. Ngay thời điểm đó, khi bà A. mới ngoài 40 tuổi, nhiều người đã khuyên bà sớm từ bỏ cuộc hôn nhân này.
Vì muốn các con có đủ cả cha lẫn mẹ, lại sợ 2 cô con gái khi lấy chồng bị người ta bàn tán, khinh thường vì bố mẹ bỏ nhau nên bà A. chấp nhận cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sau hơn 15 năm chịu đựng, khi con cái đã trưởng thành, bà A. quyết định ly dị người chồng bội bạc. "Đến tuổi này rồi còn lôi nhau ra tòa cũng chẳng hay ho gì. Nhưng giờ các con tôi đã lớn, tôi nghĩ nên sống cho mình, cuộc sống vợ chồng mà không hạnh phúc thì nên dừng lại", bà A. nói.
Nộp đơn ra tòa xin ly hôn sau 35 năm chung sống, bà Đ.T.H. 62 tuổi ở phố Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) cũng mong muốn có được cuộc sống thoải mái hơn.
Những năm còn trẻ, dù cuộc sống thiếu thốn, chồng đi làm xa bà H. vẫn lo toan, gánh vác mọi chuyện. Chồng bà H. trước là công nhân làm việc tại Quảng Ninh, do đặc thù công việc nên rất ít khi về nhà. Rồi bà cũng nghe phong thanh chuyện ông có “phòng nhì” ở gần nơi làm việc. Sống xa nhau, rồi vì các con, bà H. đã nín nhịn, coi như không biết.
Cũng có thời gian, chồng bà H. đánh tiếng muốn ly hôn để lấy người khác, nhưng chính bà đã không đồng ý vì bà không muốn các con phải rơi vào cảnh thiếu cha, thiếu mẹ, chưa kể tới việc sẽ phải phân chia quyền nuôi con nên bà H. lại nhẫn nhịn.
Thời gian trôi qua, bà H. cũng mặc định quen với việc chồng không ở nhà, dần dà chồng bà cũng không về nữa dù đã được nghỉ hưu. Sau hơn hai chục năm chịu đựng, các con đã lớn có thể lo cho mẹ thì chính họ đã khuyên bà nên ly hôn với bố.
Muốn tự giải thoát
Những vụ ly hôn khi đã ở tuổi trung niên hoặc xế chiều đang có chiều hướng gia tăng. Và gần như số vụ ly hôn này được tòa án thụ lý tỷ lệ hòa giải rất thấp, gần như không thành công bởi họ thường rất quyết tâm.
Lý giải nguyên nhân này, bà Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh) cho rằng vì những rạn nứt hôn nhân từ khi còn trẻ, nhưng do nhiều nguyên nhân họ chưa thể dừng lại. Những nguyên nhân thường được đưa ra như con cái, kinh tế, sợ bị mọi người dị nghị nên các cặp vợ chồng dù không còn hạnh phúc nhưng họ vẫn cố gắng duy trì. Đến khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống ổn định, họ muốn giải thoát cho mình nên quyết định ly hôn ở độ tuổi không còn trẻ.
Thế hệ những người lớn tuổi trước đây kết hôn thường do mai mối, ít có cơ hội được tìm hiểu trước nên khi về sống chung một nhà thường phát sinh nhiều mâu thuẫn. Đa phần những người đàn ông thuộc thế hệ trước thường có tư tưởng gia trưởng, bảo thủ, coi thường vợ, thậm chí nhiều người vợ bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hơn nữa do định kiến xã hội, việc bỏ vợ, bỏ chồng thường bị người đời dị nghị, cười chê nên dù chịu nhiều thiệt thòi, có cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì họ vẫn cam chịu. Vì thế khi về già, họ muốn có cuộc sống thảnh thơi, muốn tự giải thoát cho mình.
Cũng theo bà Phạm Thị Phương, dẫn tới ly hôn ở tuổi trung niên hoặc xế chiều cũng xuất phát từ những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình từ lâu nhưng không được giải quyết. Giữa vợ chồng không có sự chia sẻ mà chỉ là sự nín nhịn, đến khi sự cam chịu đó không còn thì họ muốn dừng lại.
Cả thời tuổi trẻ họ sống vì con, vì định kiến xã hội, đến khi ở độ tuổi không còn trẻ họ mới tự giải thoát mình khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Vì thế, để duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc không phải chỉ từ sự cố gắng của một người mà phải có sự chia sẻ, thấu hiểu từ cả hai phía. Khi cuộc sống gia đình có những khúc mắc, bất hòa cần được giải quyết kịp thời, không để mâu thuẫn kéo dài gây tổn thương cho các thành viên trong gia đình. Vì thế dù là đàn ông hay phụ nữ đều cần có kỹ năng trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
TÂM PHÚC