Việt Nam đủ sức làm Chính phủ điện tử

Chính trị - Ngày đăng : 14:56, 12/02/2020

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đi liên với cải cách hành chính, giúp giảm biên chế, phải tiết kiệm chi phí...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu tại hội nghị

Sáng 12.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng dự.

Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương.

Công tác cải cách hành chính đạt kết quả tích cực

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào nền nếp. Cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%. Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương hệ thống dịch vụ công quốc gia (9.122019) đến ngày 9.2.2020, hơn 44.200 tài khoản đã đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6.900 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công; tiếp nhận, xử lý 4.150 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ 3.900 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ. 100% Bộ, ngành, địa phương đã cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ trong quá trình triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm này, 9/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tăng cường sử dụng văn bản điện tử

Báo cáo kết quả xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nghị quyết số 17/NQ-CP thể hiện sự kết hợp giữa văn bản Chiến lược và Kế hoạch thực thi Chính phủ điện tử, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử. Đến nay, đã có chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%… Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019. Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa để kết nối, chia sẻ tri thức cho các tầng lớp xã hội trong thời đại số. Việc tuyên bố các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử. Các công nghệ nền tảng khác của Chính phủ điện tử như trục liên thông văn bản, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây cũng do các công ty Việt Nam làm chủ. Chiến lược “Make in Vietnam” với tinh thần làm sản phẩm công nghệ Việt Nam đã khích lệ nhiều công ty công nghệ số Việt Nam tham gia phát triển các giải pháp, các ứng dụng Chính phủ điện tử.


Các đại biểu dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ

Việt Nam đủ sức làm Chính phủ điện tử

Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn mạnh có đủ sức làm Chính phủ điện tử. Những thành công của việc xây dựng chính phủ năm 2019 sẽ làm tiền đề quan trọng cho năm 2020 và những năm tiếp theo để thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, khả năng đột phá xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là rất cao, rút ngắn so với nhiều nước khác.

Đánh giá cao những tiến bộ đáng mừng nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ: Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Như vậy, Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp so với bình quân của thế giới và ASEAN." Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật này để tiếp tục phấn đấu", Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của việc xếp hạng chưa cao là do cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ là khâu yếu, thấp điểm, mất điểm của Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ngoài ra, một số vấn đề khác làm chậm, chưa đồng bộ, chưa quyết tâm, vẫn còn một vài nơi tình trạng “án binh bất động” trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những tồn tại hiện nay, cụ thể là chưa hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng Chính phủ điện tử, các cơ sở sở dữ liệu về dân cư, đất đai, nền tảng tích hợp dữ liệu điện tử, nền tảng thanh toán điện tử còn nhiều vấn đề. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp. Hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác an toàn an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ. Đầu tư cho cấu thành này mới chiếm 5%, còn tình trạng để mất an toàn mạng ở trong các cơ quan trọng yếu. Hạ tầng điện toán đám mây ít được sử dụng, vẫn còn phổ biến tâm lý muốn đầu tư riêng biệt, vừa không đảm bảo chất lượng, vừa gây lãng phí. Mạng số liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước chưa thực sự trở thành nền tảng cơ sở của Chính phủ điện tử.

Công tác đào tạo cán bộ công chức, viên chức mới bước đầu được quan tâm nhưng chưa được quan tâm đúng. Công tác báo cáo, đề xuất các bấp cập trong quá trình thực hiện Chính phủ điện tử chưa tốt. Nguồn lực triển khai cho Chính phủ điện tử còn thiếu, nhiều địa phương bố trí ngân sách hạn chế cho Chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Còn tình trạng mạnh ai nấy làm, tình trạng chưa kiểm soát tốn, dễ dẫn đến lãng phí, tiêu cực xảy ra”.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương 

Về mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đặc biệt là chỉ tiêu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên mức 30%. Việc đầu tiên, Thủ tướng nhấn mạnh là xây dựng chiến lược về Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đến, là hoàn thiện thể chế. Năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, về bảo vệ thông tin cá nhân… tiến đến các bước sửa đổi về luật giao dịch điện tử và luật về lưu trữ. Vấn đề thứ 3 là phải làm là hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh những yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử và chỉ đạo "chúng ta phải làm cho được". Trên cơ sở đó, Thủ tướng đưa ra những mục tiêu: Phấn đấu 100% các bộ ngành địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% các bộ, ngành, địa phương có Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng...; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản hoàn thành.

Để bảo đảm nguồn tài chính cho Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất chuyển một phần quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I.2020. Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung nội dung Chính phủ điện tử vào nội dung chi của quỹ viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025. Bộ Tài chính đảm bảo đủ tài chính cho các dự án nền tảng về Chính phủ điện tử. Các địa phương, các ngành phải quản lý tốt, hiệu quả, tránh tham nhũng, tiêu cực trong phát triển Chính phủ điện tử.

Thủ tướng lưu ý vai trò của người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương. Các hệ thống cơ sở dữ liệu truyền thông vượt quá phạm vi của bộ, ngành phải do bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan điều phối thống nhất về Chính phủ điện tử, tổng hợp chiến lược, kế hoạch các dự án đầu tư, thuê công nghệ thông tin... tháo gỡ khó khăn kịp thời, lan tỏa kinh nghiệm tốt, kịp thời báo cáo các bất cập để xử lý.

"Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đi liên với cải cách hành chính, giúp giảm biên chế, phải tiết kiệm chi phí", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Bộ Thông tin về Truyền thông để Ban Chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm các vấn đề về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, đề xuất không thành lập thêm các Ban Chỉ đạo quốc gia mới; đồng ý đề xuất về xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử, vận hành và khai thác các nền tảng dùng chung. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng Trung tâm Giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn an mạng và dịch vụ của Chính phủ điện tử... Đề cập đến các vấn đề đào tạo nhân lực, truyền thông đến người dân, Thủ tướng kêu gọi các địa phương, thành phần kinh tế, người dân Việt Nam tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam theo khả năng. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng để mọi người dân, doanh nghiệp có thể thông qua một ứng dụng trên thiết bị di dộng truy cập được mọi dịch vụ của Chính phủ điện tử...


Theo TTXVN