Chớ "đặt hết trứng vào một rổ"

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:27, 16/02/2020

Những ngày qua, hàng nghìn tấn nông sản chủ yếu là thanh long, dưa hấu bị ùn ứ tại các cửa khẩu không thể xuất sang Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19.

Tình trạng nông sản Việt Nam gặp khó mỗi khi thị trường Trung Quốc "hắt hơi" không phải là lần đầu tiên. Nông sản phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu khiến cho mặt hàng này luôn ở thế bị động.

Trước đây, vải thiều của Hải Dương cũng từng phải nhận "quả đắng" khi thương lái Trung Quốc ngừng mua. Lúc đó, vải thiều giảm giá chỉ còn vài nghìn đồng mỗi kg. Nông dân không muốn thu hoạch vì công thuê bẻ vải còn cao hơn tiền bán vải. Đã có thời điểm rau vụ đông cũng vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc làm nông dân rơi vào cảnh vừa mất mùa, vừa mất giá...

Qua ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những bài học từ trước đó, ngành nông nghiệp nên nhìn nhận lại và tập trung tái cơ cấu vùng sản xuất, gia tăng chế biến, liên kết chặt chẽ và mở ra nhiều thị trường mới. 

Để làm được điều này trước hết phải thay đổi tư duy của chính nhà nông. Trung Quốc vốn là thị trường không quá khó tính trong nhập khẩu nông sản như những quốc gia khác. Vì sự dễ dãi này đã khiến nông dân Việt Nam chậm cải tiến, nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khác. Khi không thể xuất sang Trung Quốc thì cũng đồng nghĩa việc nông sản Việt khó có thể xuất khẩu sang một nước khác, nhất là những thị trường có những yêu cầu cao như Nhật Bản, Australia, Mỹ...

Nhưng khó không phải là không làm được, chẳng nói đâu xa, bài học từ chính quả vải của Hải Dương. Trước đây, quả vải phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây nhờ sự thay đổi trong sản xuất nên thị trường tiêu thụ được mở rộng. Nông dân đã biết trồng vải theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thậm chí đáp ứng được cả những tiêu chuẩn khắt khe hơn để xuất khẩu sang Mỹ. Người trồng vải đã bớt được phần nào nỗi lo mỗi khi thị trường Trung Quốc biến động.

Bên cạnh vải, nhiều loại nông sản khác của tỉnh như rau, cà rốt, hành tỏi cũng đã bước đầu tìm kiếm được nhiều thị trường mới ngoài Trung Quốc. Điều này cho thấy nếu giảm sự phụ thuộc vào một thị trường sẽ giúp nông sản không còn phấp phỏng, lo lắng theo "sức khỏe" của Trung Quốc.

Cùng với sự cố gắng của nhà nông, các cơ quan chức năng, nhất là ngành công thương nên chủ động thực hiện các giải pháp tìm kiếm thị trường; cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường mới để các doanh nghiệp chủ động gửi sản phẩm chào hàng cho các đối tác. Nông sản Hải Dương đã từng có mặt ở không ít thị trường khó tính. Chẳng hạn như cải bắp, su lơ xanh đã được xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng nếu chúng ta có cách làm bài bản từ sản xuất, chế biến đến thương mại thì nông sản hoàn toàn có thể xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Thị trường trong nước cũng khá tiềm năng, khi dịch bệnh bùng phát thay vì kêu gọi người dân giải cứu nông sản thì việc nên làm là tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Xây dựng các kênh bán hàng đa dạng, phát triển các loại nông sản đã qua chế biến như thanh long sấy khô, nước ép dưa hấu để phục vụ thị trường. Các kênh bán hàng online, giao hàng tận nhà cũng nên thực hiện để tăng sức mua nông sản của người dân nhân lúc dịch bệnh.

Dịch bệnh do Covid-19 cũng là thời điểm để nông sản tìm cơ hội khác cho chính mình.

HẢI MINH