Chuẩn bị lộ trình cắt giảm thuế sau khi EVFTA có hiệu lực

Kinh tế - Ngày đăng : 08:46, 16/02/2020

100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7.2020.

Sản phẩm điện tử, thủy sản và dệt may sẽ hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: TTXVN

Về thuế nhập khẩu của EU, theo cam kết, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Về phía Việt Nam sẽ cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU.

Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như sau: Ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3 - 5 năm); cá và các sản phẩm cá (3 - 7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm)... Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)... 

Bộ Tài chính sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện EVFTA, nhiều khả năng sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020.

Hiện, các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) - thành viên EVFTA là những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Lộ trình cam kết thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Hiệp định có thể tham khảo trong trang web: http://evfta.moit.gov.vn. 

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên EU (28 nước) đạt 56,39 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 41,48 tỷ USD giảm 1% so với năm 2018, nhưng vẫn chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi nhập khẩu của Việt Nam là 14,91 tỷ USD, tăng 7,4%, chiếm 5,9% kim ngạch nhập khẩu. Trong quan hệ thương mại với EU, Việt Nam đang có được mức xuất siêu đang kể là 26,57 tỷ USD năm 2019. Những thị trường của các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự xuất hiện của các thành viên EU.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, nền kinh tế Việt Nam là một mắt xích, việc EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này. 

“Là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA được ví là "con đường cao tốc hướng Tây", kết nối tới thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Ngay lập tức, châu Âu sẽ dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này", TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Theo báo Tin tức