Căng mình chống "cát tặc"

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 09:45, 16/02/2020

Hơn 3 tháng nay, trên các tuyến sông Thái Bình, Kinh Thầy qua địa bàn tỉnh hầu như vắng bóng "cát tặc".

Lực lượng công an bắt quả tang tàu khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình vào tối mùng 5 Tết Canh Tý 2020

Chuyển biến trên có được là nhờ hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an đang âm thầm ngày đêm căng mình giữ đất, giữ cát.

Không quản nắng mưa

Chúng tôi phải để xe ở chân đê sông Thái Bình rồi đi bộ gần một cây số mới đến được chốt tuần tra, phòng chống khai thác cát trái phép (KTCTP) An Sơn (Nam Sách). Con đường dẫn ra bờ sông lầy lội, nhão nhoét do những trận mưa của đợt không khí lạnh đầu tháng 2. Mọi người đều phải bật đèn của điện thoại di động để soi đường. Càng về đêm, cái rét buốt ở nơi bờ sông, đất bãi càng thấm sâu vào da thịt.

Chốt tuần tra là một chiếc tàu nhỏ được điều động từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đến. Tàu vừa là phương tiện tuần tra và cũng là nơi ăn nghỉ của gần chục cán bộ, chiến sĩ công an thường trực 24/24 giờ ở đây. Thượng úy Đinh Xuân Quý là chốt trưởng tiếp chúng tôi trong cabin tàu. Khi thấy có khách đến, vài chiến sĩ phải đi ra ngoài để nhường chỗ ngồi cho chúng tôi vì cabin khá chật chội.

Thấy tôi có vẻ ái ngại, đồng chí Quý vừa cười, vừa nói: “Ở đây chúng tôi thấy tốt lắm rồi. Hơn tháng đầu triển khai chốt, tất cả anh em đều ăn, ngủ tại điếm canh đê chỉ vỏn vẹn gần 30 m2. Ở đấy điện thì phải xin từ nhà dân ra, nước sạch không có, nhà vệ sinh cũng không. Suốt nhiều ngày anh em thường chỉ pha mỳ tôm ăn lót dạ chứ không nấu nướng được gì. Vất vả quá nên chúng tôi đã đề xuất xin cấp trên hỗ trợ cho chiếc tàu này”.

Chốt tuần tra An Sơn phụ trách gần 12 km dọc sông Thái Bình, từ cầu Hàn về ngã ba Lấu Khê. Ở địa bàn này có điểm “nóng” kéo dài về KTCTP tại khu vực giáp ranh giữa Hải Dương với Bắc Ninh đoạn qua xã Hiệp Cát (Nam Sách).

Tại đây có trữ lượng lớn cát vàng có giá trị kinh tế cao. Các đối tượng KTCTP thường lợi dụng khi thời tiết xấu, lúc rạng sáng để nghe ngóng tình hình, chờ thời cơ là ra tay. Chỉ cần lực lượng tuần tra sơ sểnh là ngay lập tức có tàu đến hút cát trái phép.

Lực lượng công an chốt An Sơn tuần tra trên sông Thái Bình

Chốt An Sơn có gần chục cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương chia làm 4 ca tuần ban đêm. Các ca thay nhau tuần tra từ 20 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau nên hầu như chẳng có ai được ngủ đủ giấc. Đêm về khuya, đến giờ tuần tra, chúng tôi được cùng đồng chí Quý và các chiến sĩ cho lên ca nô đi tuần.

“Mình đi thế này là các đối tượng chim lợn biết hết đấy. Từ khi có chốt, các chủ tàu thuê người rồi cắt cử nhau theo dõi lực lượng chức năng như hình với bóng. Các đối tượng nhiều chiêu trò lắm. Cuối tháng trước, giữa đêm bọn chúng còn đưa cả tàu đến hút nước không để khiêu khích lực lượng chức năng”, thượng úy Quý chia sẻ.

Chiếc ca nô từ từ rời mạn tàu rồi xuyên vào giữa dòng sông trong màn đêm mịt mùng. Giữa tiếng ồn của động cơ và tiếng gió ào ào bên tai, chúng tôi phải nói thật to mới nghe được tiếng nhau. “Mình đi tuần tra công khai thế này thì chắc chắn không có đối tượng nào dám hút cát.

Cả đoạn sông dài thế này mà không đi tuần thường xuyên, không tận mắt kiểm tra thì không nắm chính xác được tình hình. Bây giờ hệ thống máy móc hút cát rất hiện đại, thường được lắp trong khoang tàu nên tiếng nổ rất nhỏ”, thượng úy Nguyễn Trung Hưng, cán bộ làm việc tại chốt thông tin với chúng tôi. Hằng ngày, để tránh bị phát hiện các trinh sát thường kết hợp giữa tuần tra công khai và bí mật.

Theo các trinh sát, để tiếp cận các tàu nghi hút cát trên tuyến phải sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau. Khi thì đi đường bộ, lúc phải lấy ca nô cập áp mạn các tàu vận tải chạy ngang qua rồi nhờ họ lai dắt đến hiện trường. Có ngụy trang thì bọn cát tặc mới không phát hiện được.

Càng vào ngày nghỉ, dịp lễ, Tết thì các đối tượng càng lợi dụng để hoạt động. Bởi vậy, trong dịp Tết Canh Tý vừa qua, khi nhà nhà, người người sum họp thì các cán bộ, chiến sĩ tại đây vẫn căng mình chống cát tặc. Ngay trong đêm mùng 5 Tết, khi tổ tuần tra vừa quay về tàu thì một tàu xi-măng không biển kiểm soát lén lún đến hút cát.

Nắm được thông tin, ngay lập tức, chốt tuần tra An Sơn liên lạc với lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp bắt giữ. “Nếu anh em lấy ca nô quay lại thì bọn chúng sẽ thông tin cho nhau để bỏ chạy hoặc xả cát xuống sông ngay. Vì vậy, chúng tôi đã nhờ Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp cận trước rồi bất ngờ tổ chức bắt giữ khiến các đối tượng không kịp trở tay ”, thượng úy Quý kể lại.

Chỗ dựa của dân

Từ khi có chốt tuần tra của lực lượng công an, ông Thìn đã kéo chiếc thuyền để xua đuổi "cát tặc" lên góc vườn

Từ ngày 8.11.2019 đến nay, cùng với chốt An Sơn, Công an tỉnh còn bố trí 3 chốt tuần tra thường trực tại các xã Nam Hưng (Nam Sách), xã Nhân Huệ và phường Đồng Lạc (TP Chí Linh). Mỗi chốt đều có lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh.

Việc phối hợp lực lượng của nhiều đơn vị liên quan cùng làm nhiệm vụ giúp nâng cao hiệu quả công việc và chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Những chuyển biến tích cực từ cách làm trên đã dần xóa sổ những “điểm nóng” về hoạt động KTCTP trong tỉnh và củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng công an.

Sau vài cuộc điện thoại, chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Văn Thìn (54 tuổi, ở thôn Kinh Dương, xã Hiệp Cát, Nam Sách) giữa vườn chuối mênh mông ở bãi sông Thái Bình.

Thu nhập của cả gia đình ông Thìn đều trông chờ vào hơn 2 ha chuối trồng trên đất bãi. Trước đây, suốt nhiều năm liền, các thành viên trong gia đình ông không lúc nào có giấc ngủ yên vì luôn canh cánh nỗi lo tài sản bị trôi sông do cát tặc. Mỗi tối, cứ sau bữa cơm là bố con ông lại kéo nhau ra nhà trông coi ở bãi để ngủ. Ngủ ở nhà trông coi cũng chưa yên tâm, ông dựng thêm một cái lều ra tận bờ sông để xua đuổi các đối tượng KTCTP. Thậm chí, gia đình ông còn mua hẳn một chiếc thuyền sắt để chống cát tặc.

“Lúc cao điểm ngày nào cũng có gần chục tàu hút cát liên tục từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau. Người nhà đuổi không được tôi còn thuê thêm người, nhờ cả công an xã đến canh gác, xua đuổi nhưng cũng không ăn thua, đành bất lực nhìn đất, nhìn chuối bị cuốn trôi”, ông Thìn nhớ lại.

Từ khi có các chốt thường trực của lực lượng công an chính quy, ông Thìn như trút bỏ gánh nặng kéo dài đã nhiều năm. Không còn tàu hút cát đến, ông Thìn chỉ còn phải tập trung vào việc vun trồng, thu hoạch chuối. Căn lều tạm ngoài bờ sông đã được tháo dỡ, ông cũng đã kéo chiếc thuyền sắt lên để ở góc vườn và mong không phải dùng đến nó nữa.

“Bây giờ, bố con tôi không phải ngày nào cũng ra vườn trông coi nữa. Ở đây chả ai trộm chuối cả. Mà cả vườn mênh mông thế này có mất vài buồng cũng không sao, tôi chỉ lo mất đất, mất bãi là mất kế sinh nhai thôi. Mong sao các anh công an tiếp tục cắm chốt canh gác ở đây càng lâu càng tốt để nông dân chúng tôi được nhờ”, ông Thìn phấn khởi nói.

Việc lập các chốt thường trực 24/24 giờ ở các tuyến sông là giải pháp quyết liệt, hữu hiệu nhất từ trước đến nay để phòng chống KTCTP trong tỉnh. Từ khi bố trí các chốt canh "cát tặc”, số trường hợp KTCTP trong tỉnh bị phát hiện, xử lý chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bất kể ngày hay đêm, sự bình yên trên các tuyến sông đã được gìn giữ. 

Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, các cán bộ, chiến sĩ ở những chốt tuần tra, phòng chống KTCTP đã và đang trở thành chỗ dựa để người dân yên tâm sản xuất. Sự tin tưởng của nhân dân đang dần trở lại. Tuy nhiên, theo các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ thì cuộc chiến với "cát tặc" chắc chắn còn nhiều phức tạp, khó khăn phía trước. Bởi vì chỉ cần vắng bóng lực lượng công an thì tình trạng “chảy máu” tài nguyên, khoáng sản sẽ có thể tái diễn bất cứ khi nào.

HẠO NHIÊN