Hướng dẫn cấp ''sổ hồng'' 50 năm cho condotel
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 08:22, 17/02/2020
Nhân viên tư vấn cho khách về đầu tư condotel tại tổ hợp Cocobay ở TP Đà Nẵng
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, không phải condotel nào cũng được cấp giấy mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện pháp lý khác.
Thời hạn "sổ hồng" tùy thuộc thời gian thuê đất
Trong văn bản hướng dẫn, Bộ TNMT đề nghị sở TNMT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất.
Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
"Từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án" - văn bản hướng dẫn nêu.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT), khẳng định việc cấp giấy chứng nhận ở đây là cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình có thời hạn 50 năm hoặc 70 năm tùy vào thời hạn cho thuê đất thương mại, dịch vụ thực hiện dự án.
Cũng theo ông Phấn, giấy chứng nhận với condotel phải hiểu rõ là giấy chứng nhận sở hữu công trình với loại hình không phải là đất ở. "Căn hộ chung cư hay nhà ở thì cấp giấy chứng nhận lâu dài, còn với condotel thì chỉ cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình có
thời hạn theo dự án, có thể 50 năm, có thể 70 năm, chứ không phải là lâu dài như nhà ở" - ông Phấn nói.
Không phải condotel nào cũng được cấp giấy
Liên quan đến hướng dẫn mới này, luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng không phải condotel nào cũng được cấp giấy.
Theo ông Nông, việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch (thường gọi là condotel) là giấy chứng nhận cho những công trình không phải là nhà ở đã được pháp luật quy định. Khi có giấy chứng nhận này, chủ sở hữu công trình được thực hiện đầy đủ các quyền đối với các công trình này như thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng, thừa kế… trong thời hạn của giấy chứng nhận.
Sau khi hết thời hạn trên giấy chứng nhận thì pháp lý của căn hộ, biệt thự phụ thuộc vào pháp lý của quyền sử dụng đất dự án.
Theo ông Nông, hướng dẫn của Bộ TNMT quy định phải là dự án được cơ quan chức năng phê duyệt, cụ thể là căn hộ du lịch, biệt thự du lịch mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình. Nhưng thực tế thì không phải dự án nào có condotel cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dự án chỉ được cơ quan nhà nước duyệt cho xây khách sạn hoặc resort để kinh doanh du lịch, nhưng các chủ đầu tư đã rao bán lập lờ dưới danh nghĩa condotel. Các căn hộ và biệt thự du lịch có phân chia những phần riêng lẻ cho nhiều chủ khác nhau ngay từ khi duyệt dự án, còn khách sạn và resort chỉ có các phòng, chỉ cấp cho một chủ để kinh doanh.
Hiện trên thị trường, các dự án condotel là do các chủ đầu tư… tự phong từ dự án khách sạn, resort chứ không phải là căn hộ hay biệt thự du lịch. Khách hàng khi mua loại hình này phải tìm hiểu rõ dự án được duyệt có đúng là biệt thự du lịch, căn hộ du lịch hay không.
Cũng theo ông Nông, do loại hình này chỉ là cơ sở lưu trú du lịch nên việc cư trú tương tự như loại hình căn hộ cho thuê. Chủ sở hữu được lưu trú nhưng không được đăng ký hộ khẩu tại các căn hộ, biệt thự này.
Theo Tuổi trẻ