Siết chặt kiểm soát buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã để phòng ngừa dịch bệnh

Bình luận - Ngày đăng : 16:23, 19/02/2020

Theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Một con kỳ giông khổng lồ vẫn còn sống bị bắt trong chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 27.1. Ảnh: Yuan Zheng

Điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch từng xảy ra trên thế giới, như HIV, Ebola, H5N1, SARS, virus đậu mùa, bệnh dại từ dơi ở vùng Amazon, virus Marburg ở châu Âu. Đặc biệt, bệnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới đang được xác định có nguồn gốc phát sinh từ động vật hoang dã, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Phương hại tới phát triển bền vững

Buôn lậu động vật hoang dã có thể được thực hiện trên phạm vi quốc tế hoặc trong phạm vi từng nước, nhằm vào đối tượng là các loài động vật và sản phẩm động vật có nguồn gốc từ môi trường tự nhiên. Việc săn bắt, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã không chỉ gây phương hại tới phát triển bền vững và an ninh của các quốc gia, mà còn là mối đe dọa lớn tới sự tồn vong của hàng triệu động vật trên hành tinh.

Thời gian qua, những kẻ săn trộm rải bẫy khắp nơi để săn bắt thú rừng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở khu vực và đã trở thành vấn nạn phổ biến ở các nước. Kết cục là rất nhiều khu rừng nhiệt đới ở châu Á đang trở thành rừng rỗng, không còn các quần thể thú đặc hữu, quý và hiếm.

Hiện nay, số lượng và quy mô của nhiều quần thể động vật hoang dã đang bị suy giảm trên toàn thế giới, trong đó, voi châu Phi, tê giác, hổ và tê tê là những loài trong tầm ngắm của những kẻ săn trộm, đưa chúng đứng bên bờ vực của sự tuyệt chủng.

Theo Liên hợp quốc, hoạt động buôn bán các sản phẩm hoang dã là loại tội phạm sinh lời nhiều thứ tư trên thế giới, sau nạn buôn bán ma túy, buôn người và vũ khí. Ước tính hàng năm thế giới thất thoát 48-153 tỷ USD do nạn buôn bán các sản phẩm hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu hàng năm (135 tỷ USD).

Các nhà nghiên cứu cho biết, cốt lõi của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là nhu cầu tăng cao chóng mặt đối với các sản phẩm động vật hoang dã trên toàn thế giới, như thịt rừng làm thực phẩm; nguyên dược liệu cho y học cổ truyền; nhu cầu nuôi nhốt động vật, giam giữ, trưng bày những con thú nuôi độc lạ; nhu cầu làm đồ trang sức, nữ trang và các phụ kiện xa xỉ và chiến lợi phẩm làm chiến tích săn bắn... Số liệu thống kê ước tính hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép mang lại doanh thu từ 7 đến 24 tỷ USD trên toàn thế giới mỗi năm.

Đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Trong vòng 20 năm qua, nhiều đại dịch trên thế giới đã cho thấy mối liên hệ rõ ràng với các ổ chứa virus trong các quần thể động vật hoang dã. Cụ thể như dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia, khiến hơn 770 người tử vong, vốn xuất phát từ một chủng virus betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata). Hay như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát năm 2012 khiến gần 2.500 người lây nhiễm, khiến gần 860 người tử vong cũng bắt nguồn từ một chủng virus corona truyền qua lạc đà tới con người. Dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần đây càn quét qua Trung Quốc, Việt Nam và 9 quốc gia khác, gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi.

Không nằm ngoài những tổn thất nghiêm trọng trên, dịch Covid-19 diễn ra gần 2 tháng qua đã khiến trên 75.000 người mắc bệnh, hơn 2.000 người tử vong và hiện vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, chắc chắn sẽ gây tổn thất nghiêm trọng về người và kinh tế toàn cầu.

Siết chặt kiểm soát buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã

Người ta chưa xác định chắc chắn loài nào đóng vai trò vật chủ trung gian lây truyền dịch bệnh, tuy nhiên, bất luận đó là loài nào, vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã là một nguyên nhân gây ra sự lây truyền dịch bệnh thông qua tiếp xúc gần giữa con người và động vật hoang dã.

Chính vì thế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và các nhà khoa học khắp thế giới đã kêu gọi các quốc gia siết chặt kiểm soát bằng luật pháp, thậm chí nghiêm cấm hoàn toàn việc buôn bán và tiêu thụ các loài động vật hoang dã.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho rằng việc buôn bán các loài hoang dã cần phải được cấm tuyệt đối. Đáng tiếc là nhiều quốc gia đã có luật cấm buôn bán, săn bắt các loài hoang dã nguy cấp, nhưng việc thực thi pháp luật đối với các thị trường bất hợp pháp này dường như bị bỏ ngỏ.

Những hoạt động buôn bán bất hợp pháp này không chỉ là mối đe dọa đối với quần thể các loài hoang dã. Do hoạt động buôn bán này không được kiểm dịch nên nó đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người, vật nuôi, tiềm ẩn những ảnh hưởng khôn lường tới cộng đồng và kinh tế ở cấp quốc gia cũng như cấp quốc tế.

Tại Trung Quốc, mặc dù nước này đã có luật để điều chỉnh ngành công nghiệp và thương mại động vật hoang dã, nhưng theo các chuyên gia thì luật vẫn còn sơ hở, như không cấm hoàn toàn đối với việc tiêu thụ động vật hoang dã và nuôi nhốt cho mục đích thương mại.

Gần một tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ngày 26.1, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tạm thời buôn bán động vật hoang dã nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời phát động các chiến dịch đặc biệt để triệt phá các đường dây buôn bán phạm pháp. Trong vòng 20 ngày, cảnh sát nước này thông báo đã tịch thu khoảng 38.000 động vật hoang dã, thu giữ 2.347 kg các sản phẩm động vật hoang dã bị buôn bán trái pháp luật, xử lý trên 200 vụ án hình sự, 473 vụ án hành chính và 690 đối tượng có liên quan. Thậm chí, một nghị quyết về lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã đã được đệ trình và sẽ được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) xem xét ban hành tại kỳ họp lần thứ 16.

Tại Việt Nam, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Văn bản số 679/BTNMT-TCMT ngày 14.2.2020, đề nghị các bộ, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã; các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã. Các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã…

Theo TTXVN