Lên huyện đòi chế độ chính đáng, hàng loạt giáo viên bị kỷ luật
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:06, 20/02/2020
Trường Mầm non Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - nơi xảy ra vụ việc
Hàng loạt giáo viên ở Trường Mầm non Cẩm Phú, xã Cẩm Phú, huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang kêu oan, bởi bỗng nhiên bị kỷ luật vì ký đơn tập thể gửi lên UBND huyện đòi chế độ, quyền lợi ... theo đúng quy định của pháp luật.
Theo phản ảnh của giáo viên Trường Mầm non Cẩm Phú, trong ba năm 2016, 2017, 2018, nhà trường có 12 giáo viên nghỉ chế độ thai sản. Ban Giám hiệu nhà trường động viên giáo viên trong trường đảm nhận việc dạy thay cho giáo viên nghỉ thai sản.
Tuy nhiên, ban giám hiệu không chi trả chế độ đứng lớp cho số giáo viên dạy thay người nghỉ thai sản theo quy định. Bức xúc vì hỏi nhiều lần, nhưng ban giám hiệu không chi trả tiền chế độ được hưởng, 19 giáo viên đã ký đơn tập thể gửi lên UBND huyện đề nghị giải quyết.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị của 19 giáo viên Trường Mầm non Cẩm Phú, Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Cẩm Thủy trả lời: "Về chế độ chi cho con người (chi cho giáo viên dạy thay người nghỉ sản), năm học 2016, nhà trường đã rút 15 triệu đồng. Năm 2017, phòng không cấp khoản tiền này cho trường, năm 2018 nhà trường đã rút 58.210.000 đồng; tổng cộng hai năm là 73.210.000 đồng từ các khoản tiền công, tiền lương, tiền phụ cấp lương.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, phòng phát hiện Trường Mầm non Cẩm Phú đã rút tiền chi chế độ cho con người, rồi chuyển sang chi mua sắm trang thiết bị. Nhà trường tự ý chi mà không thực hiện điều chỉnh nguồn là sai mục đích sử dụng nguồn kinh phí.
Sai phạm thuộc về hiệu trưởng, kế toán nhà trường, nên phải có trách nhiệm bố trí, tiết kiệm kinh phí hoạt động hằng năm để hỗ trợ tiền dạy thay, dạy tăng cường cho giáo viên với số tiền là 73.210.000 đồng".
Trao đổi với phóng viên, bà Hàn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Phú thừa nhận sai phạm tại trường mình. Việc 19 giáo viên lên UBND huyện đòi chế độ, quyền lợi là chính đáng. Sau khi phòng tài chính - kế hoạch huyện Cẩm Thủy kiểm tra, phát hiện sai phạm của trường, ban giám hiệu đã chi trả tiền dạy thay, dạy tăng cường cho người nghỉ thai sản, với số tiền là 2.615.000 đồng/giáo viên.
Sau khi vụ việc nêu trên được giải quyết thỏa đáng, bỗng nhiên nhiều giáo viên là đảng viên của Trường Mầm non Cẩm Phú bị Đảng ủy xã Cẩm Phú thi hành kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách đến cảnh cáo (tùy từng người), với lý do là "ký vào đơn tập thể".
Các quyết định kỷ luật này còn được đóng dấu "Mật"; Thường trực Đảng ủy xã Cẩm Phú còn yêu cầu giáo viên không được phô tô, phát tán quyết định kỷ luật dưới mọi hình thức, không được cung cấp ra ngoài đơn vị và các cơ quan báo chí. Từ đó, gây bức xúc cho cán bộ, đảng viên, giáo viên trong trường.
Bà Hàn Thị Thu cho biết thêm: "Tôi là người đứng đầu đơn vị, khi để xảy ra sai phạm về chi tiêu tài chính tôi đã nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Đảng ủy xã Cẩm Phú. Tôi cũng đã có ý kiến với Thường trực Đảng ủy xã xin "giơ cao, đánh khẽ" đối với các đảng viên trong chi bộ nhà trường, để cho giáo viên cơ hội phấn đấu vì họ đang còn trẻ và họ làm đơn kiến nghị giải quyết chế độ là chính đáng. Thế nhưng, cuối cùng Đảng ủy xã không đồng ý nên vẫn kỷ luật 10 đảng viên".
Sáng 20.2, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy khẳng định: "Việc Đảng ủy xã Cẩm Phú ra quyết định kỷ luật đảng viên mà đóng dấu "Mật" là không đúng. Quyết định kỷ luật đảng viên còn phải được công bố rộng rãi để răn đe người khác không vi phạm. Các giáo viên Trường Mầm non Cẩm Phú ký đơn tập thể để kiến nghị giải quyết chế độ là chính đáng.
Còn việc đảng viên ký đơn tập thể có vi phạm hay không, vi phạm ở mức độ nào thì phải xem xét, xử lý tùy theo mức độ, bảo đảm công bằng, minh bạch. Lãnh đạo huyện ủy đã giao Ủy ban Kiểm tra huyện ủy cùng phòng Giáo dục và đào tạo huyện, Đảng ủy xã Cẩm Phú kiểm tra, xem xét lại toàn bộ quy trình xử lý kỷ luật đảng viên tại chi bộ Trường Mầm non Cẩm Phú, để giải quyết dứt điểm vụ việc này theo đúng quy định của Đảng".
Theo Tuổi trẻ