Cú hích cho công nghiệp hỗ trợ phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 21/02/2020

Hải Dương có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Để ngành này tăng trưởng mạnh cần sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.


Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội); Nguyễn  Mạnh  Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp Hải Dương

Đầu tháng 2 này, lần đầu tiên chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được tổ chức tại Hải Dương. Đây là bước đi chủ động trong nỗ lực phát triển CNHT của tỉnh.

Lép vế ngay trên sân nhà

Hải Dương đã quy hoạch 18 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, trong đó 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Tỉnh quy hoạch 45 cụm công nghiệp tại nhiều vị trí thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Toàn tỉnh có gần 15.000 DN trong nước đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 164.000 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh ta hiện có gần 500 dự án FDI đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD.

CNHT ngày càng được chú trọng trong phát triển công nghiệp chung của tỉnh. Ở Hải Dương có khoảng 130 DN CNHT đang hoạt động, tập trung trong 3 lĩnh vực chủ yếu là cơ khí chế tạo, điện - điện tử và dệt may - da giày. Các sản phẩm CNHT đã cơ bản góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp này hiện tập trung chủ yếu ở các DN ngoại trong khi rất ít DN nội đủ tầm. Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: "Các DN CNHT trong nước về cơ bản còn nhiều hạn chế và yếu kém, hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, chưa có sự kết nối giữa DN CNHT trong nước với DN FDI, tập đoàn đa quốc gia bởi đây mới là những đối tác có nhu cầu lớn về sản phẩm hỗ trợ". 

Bên cạnh đó, việc triển khai các chính sách hỗ trợ trên thực tế còn nhiều hạn chế, thiếu sự tập trung khiến các DN CNHT trong nước chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, dẫn đến tình trạng yếu, lép vế ngay trên sân nhà. "Điều này đòi hỏi sự thay đổi từ nhận thức, từ đó có những hành động cụ thể, hiệu quả. Cần xác định CNHT là ngành xương sống. Nếu coi sản xuất công nghiệp là đỉnh núi thì CNHT chính là cái gốc, là chân núi. Đỉnh núi muốn cao thì chân núi phải vững", ông Hiền ví von.


Doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần chuyên nghiệp trong quản lý để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Doanh nghiệp và Nhà nước phải cùng bứt phá

Tiềm năng phát triển CNHT trong nước nói chung và tại Hải Dương nói riêng còn rất lớn. Để tăng trưởng nhanh, mạnh hơn nữa cần sự nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn DN. 

Một trong những bước đi được nhận định là đột phá, tạo cú hích cho phát triển CNHT của tỉnh là sáng kiến phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Samsung tổ chức chương trình tư vấn hỗ trợ DN CNHT trong thời gian vừa qua. 

Thông qua chương trình, nhiều kế hoạch, chỉ đạo đã được đưa ra nhằm phát triển ngành CNHT cả nước nói chung và tại Hải Dương nói riêng. Môi trường đầu tư kinh doanh cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cùng với đó là việc rà soát, xây dựng định hướng phát triển CNHT cho một số lĩnh vực chính. Đồng thời, ngành khoa học - công nghệ cũng cần tăng cường hỗ trợ các DN tiếp cận, đổi mới công nghệ sản xuất. Ngành ngân hàng chủ động cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, phát triển nhiều gói tín dụng ưu đãi hơn để tạo điều kiện giúp DN CNHT phát triển. 

Bên lề chương trình, đại diện Tập đoàn Samsung cho biết sẽ thay đổi phương thức tiếp cận, lựa chọn đối tác cung ứng đầu vào. Theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, nếu như trước đây Samsung tìm kiếm những DN cung cấp chi tiết thì nay tập đoàn này còn hướng tới tìm kiếm những đối tác chế tạo khuôn mẫu, lĩnh vực đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật và công nghệ. Đây là cơ hội lớn mở ra đối với các DN CNHT nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng để trở thành đối tác chiến lược trong cung cấp sản phẩm cho Samsung trong tương lai.

Biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên giữa Bộ Công thương, UBND tỉnh và Tập đoàn Samsung về chương trình tư vấn dành cho các DN hoạt động trong ngành CNHT được ký kết là kết quả của sự nỗ lực nhằm đưa ngành CNHT tỉnh phát triển lên một tầm cao mới. Theo đó, 15 DN của Hải Dương sẽ được lựa chọn để Samsung đánh giá, khảo sát tình hình hoạt động. Sau đó, các chuyên gia của tập đoàn lớn này sẽ tư vấn cải tiến sản xuất và quản lý chất lượng, đồng thời thiết lập mô hình thử nghiệm nhà máy thông minh nếu thích hợp. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau kết quả khảo sát và lựa chọn sơ bộ, bước đầu đã lựa chọn được 10 DN phù hợp. Dự kiến cuối tháng 2, các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể của Samsung sẽ tiến hành khảo sát lần tiếp theo để đưa ra kế hoạch chi tiết hoạt động tư vấn kéo dài 12 tuần cho các DN.

Để đưa ngành CNHT phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp trên địa bàn, khu vực lân cận cũng như trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ là điều kiện cần. Bản thân DN phải chuyên nghiệp trong quản lý, không ngừng học hỏi, đổi mới, nâng cấp công nghệ. Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể theo từng giai đoạn.

HÀ KIÊN