Mải mê làm giàu

Đời sống - Ngày đăng : 15:30, 23/02/2020

Trước khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, anh làm công tác tư tưởng cho chị mất hàng tháng trời vì chị không đồng ý.



Chị không thích cuộc sống vợ chồng một chốn đôi nơi, xa mặt thì dễ cách lòng. Chị bảo có rau ăn rau, có cháo ăn cháo miễn là vợ chồng, con cái sớm tối quây quần. Anh phân tích đủ đường những điều hay lẽ thiệt. Anh bảo thời nay không có tiền thì chẳng làm được việc gì, nghèo thì người ta khinh.

Anh đi mấy năm lấy vốn về làm ăn, xây cái nhà, mua cái xe bốn bánh để chạy taxi. Anh vẽ ra viễn cảnh rằng chị sẽ được nhàn hạ, được ăn sung mặc sướng, con cái sẽ chẳng thiếu thốn. Vậy mà chị vẫn nhất quyết không nghe.

Anh phải nhờ đến hai bên nội, ngoại và cả đồng nghiệp của chị thuyết phục thì chị mới xuôi xuôi. Bố mẹ chồng động viên: “Chồng con còn trẻ, còn cơ hội, để nó đi làm ăn vài năm, giờ mới có một đứa con, vất vả gì thì bố mẹ sẽ hỗ trợ”.

Bố mẹ đẻ thì bênh anh chằm chặp, mắng chị là “lạc hậu, giờ người ta đi nước ngoài ầm ầm, ở nhà nhìn nhau thì lấy gì mà ăn, bao giờ mới ngẩng đầu lên được”. Đồng nghiệp của chị khuyên chân tình: “Chẳng ai nắm tay được cả ngày đâu, khối nhà vợ chồng ở cạnh nhau mà vẫn phản bội kia kìa. Bây giờ công nghệ hiện đại, ngày nào mà chả gọi facetime, nhìn thấy từng sợi tóc của nhau ấy chứ”.

Chị dằn lòng, dốc hết tiền tiết kiệm của hai vợ chồng từ khi lấy nhau để lo cho anh xuất ngoại. Từ khi anh đi, mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu bắt đầu căng thẳng, nhất là những bất đồng về quan điểm dạy con, dạy cháu.

Từ giờ giấc sinh hoạt đến chuyện ăn, chơi của cu Tin đều bị đảo lộn, không theo ý chị. Mẹ chồng chị nuông chiều cháu đến nỗi chị bất bình. Chị muốn rèn cho con tính tự lập thì mẹ chồng phá vỡ hết. Bà thích đút cho cháu từng thìa cơm, vừa đút vừa cho nó xem ti vi, mặc dù cháu có thể tự ăn. Bà ôm cháu ngủ và cho nó sờ rốn nên khi bà dậy thì nó cũng tỉnh dậy theo. Chị nhắc con học thì mẹ chồng bảo để nó chơi cho nó nhớn...

Những chuyện lặt vặt như thế tích tụ lâu ngày cũng làm chị mệt mỏi, uất ức. Chị trở nên ít nói, về nhà cứ lầm lầm lì lì khiến bố mẹ chồng bằng mặt mà không bằng lòng. Mẹ chồng chị còn đi nói xấu chị với hàng xóm rằng chị sướng mà không biết đường sướng, có ông bà trông con cho từ sáng đến tối, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước phục vụ đủ đầy, ngày ngày chỉ có quần là áo lượt đi làm mà về đến nhà cứ mặt nặng mày nhẹ.

Ông bà không hiểu rằng chị cũng gặp bao nhiêu áp lực, giờ giấc bó buộc, tăng ca tối mắt tối mũi. Nhiều đêm mất ngủ vì đau bụng, đau đầu, đau lưng mà cũng không dám kêu ca một lời. Chị chẳng thể kể lể những việc tủn mủn ấy với anh mỗi khi nhắn tin, gọi điện. Chị muốn anh yên tâm làm việc. Hằng tháng anh vẫn đều đặn chuyển tiền về cho chị đem gửi ngân hàng.

Khi hết hạn lao động ba năm, anh trở về, quyết định xây nhà ra ở riêng. Căn nhà ba tầng vừa hoàn thành thì anh lại đi tiếp dù chị đang mang thai đứa con thứ hai. Lúc này chị cũng không muốn cản anh. Chị đã có nhà riêng, được tự do thoải mái, thích ăn gì thì ăn, thích làm gì thì làm và chị được dạy con theo ý chị.

Chị hiểu rằng có tiền là có nhiều thứ. Có tiền, chị lên bệnh viện Trung ương để sinh con trọn gói, được quay clip hành trình con ra đời, gửi cho anh. Anh cười sung sướng: “Đấy! Có tiền vẫn hơn! Cu Tít này hơn cu Tin rồi nhá!”. Chị nghỉ hẳn một năm để ở nhà chăm con nên mẹ chồng chỉ đảo qua đảo lại chứ không ở cùng mà áp đặt chị như trước.

Ba năm sau, anh cũng chỉ về phép vài tuần rồi lại ra đi. Anh bảo anh mua được một ki ốt bán hàng bên đó rồi, bỏ thì anh tiếc lắm. Quay đi ngoảnh lại, anh đã đi nước ngoài hơn chục năm.

Tiền anh gửi về, chị cứ việc tiêu sướng tay. Chị xúng xính váy áo, giày dép, mỹ phẩm, toàn hàng hiệu. Đồ đạc, máy móc trong nhà chị chẳng thiếu thứ gì, đến rửa bát cũng có máy, dọn nhà thì thuê người, chỗ nào cũng sạch sẽ.

Chị còn mua thêm vài suất đất và đi làm cũng chỉ “cho vui”. Có điều, hai thằng con càng lớn càng đổi tính thay nết, nó biết nhà có của ăn của để nên ỷ lại, lười biếng, học hành sa sút.

Hôm nọ, phát hiện nó cậy tủ lấy trộm tiền đi chơi điện tử, chị bàng hoàng. Chị gọi điện khóc lóc, kể lể, bắt anh về ngay. Anh bảo chị điên à, đang làm ăn vào cầu, về là về thế nào, có mỗi việc dạy con mà cũng không xong. Chị gào lên qua điện thoại: “Thế anh định làm giàu đến bao giờ nữa. Hay anh có người đàn bà nào khác nên không muốn về với mẹ con tôi?”. Trước khi tắt máy, anh quát chị “vớ vẩn”.

Chị ngồi thừ ra, nước mắt lưng tròng. Nhìn mình trong gương, chị giật mình khi phát hiện những nếp nhăn trên khóe mắt, vết nám trên gò má mà loại phấn đắt tiền cũng không che được. Chị sắp bước qua tuổi tứ tuần, lòng tự hỏi đam mê kiếm tiền của anh khiến chị phải trả giá bằng cả thanh xuân của mình ư?

NAM HỒNG