Chuyện về những người "đến tận ngõ, gõ tận nhà" vùng tâm dịch Sơn Lôi
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:21, 24/02/2020
Bệnh viện Đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên) trong ngày 2 bệnh nhân mắc Covid-19 được xuất viện. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Ngày nào, y sỹ Nguyễn Thị Hương cùng các đồng nghiệp cũng cần mẫn một công việc là "đến tận ngõ, gõ tận nhà" từng gia đình ở xã Sơn Lôi, được coi là tâm dịch của huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) và cả nước, để hướng dẫn phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng.
Các y, bác sỹ này cũng tham gia điều tra, phát hiện các trường hợp có biểu hiện bệnh, nghi bệnh và trường hợp tiếp xúc gần người bệnh để báo cáo, có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Chị Hương và 6 y, bác sỹ khác thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc được điều động về tăng cường cho Sơn Lôi từ ngày 13.2 và ăn ở tại Trạm Y tế xã cùng với các đồng nghiệp khác.
Họ đã thực sự thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả, tận tụy phục vụ, hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh, coi nỗi khổ đau của người bệnh như chính mình đau khổ.
Nhiều y, bác sỹ có lịch trực dày đặc trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý nhưng vẫn lên đường theo sự phân công cắm chốt tại các làng, xã hay trực ở các cơ sở điều trị, trung tâm cách ly 24/24 giờ, nhiều ngày chưa về thăm gia đình.
Đây là tâm sự của nhiều cán bộ, người dân ở Vĩnh Phúc về công việc của các chiến sỹ "áo trắng” được phân công, điều động phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đến với các bệnh viện, cơ sở y tế ở những địa phương có dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc những ngày này mới thấu hiểu sự vất vả, nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, y, bác sỹ của Vĩnh Phúc cũng như của Bộ Y tế.
Tất cả họ được điều động về địa bàn vùng có dịch nhằm thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch.
Bác sỹ Trần Quang Vịnh, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), được điều động tăng cường đến Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà ở huyện Bình Xuyên từ ngày 7.2. Thời điểm ấy, nơi đây đã phát hiện 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19 và trở thành nơi điều trị cách ly người nhiễm.
Từ ngày được điều động tăng cường đến nay, bác sỹ Vịnh chưa rời phòng khám bởi quy định khắt khe của ngành trong thời kỳ dịch bệnh phải tuân thủ. Anh cũng như các đồng nghiệp khác thường xuyên phải trực 24/24 giờ một ngày.
Theo bác sỹ Vịnh, dịch bệnh này mới, số người nhiễm, người tử vong ở Trung Quốc cao trong khi thông tin về virus chưa đầy đủ nên các bệnh nhân ở đây lo ngại, bất an.
Vì vậy, ngoài điều trị sức khỏe thể chất, các bác sỹ kiêm cả vai trò tư vấn tâm lý, trấn an, động viên để người bệnh yên tâm, tránh gây tâm lý hoang mang.
Mặt khác, họ còn phải thường xuyên tuyên truyền để các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đang theo dõi tại đây hiểu rõ hơn sự cần thiết phải cách ly, theo dõi... để không trốn viện ra ngoài cộng đồng.
Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà hiện có 20 bác sỹ, nhân viên y tế điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và 40 người đang được cách ly. Tất cả các y, bác sỹ này phải trực 24/24 giờ tại đây.
Nói về sự tận tình, chu đáo suốt thời gian điều trị của y, bác sỹ ở Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, bệnh nhân nữ P.T.T (sinh năm 1971, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên) cho hay được điều trị 14 ngày, chị đã đủ các điều kiện được xuất viện vào ngày 20.2.
Trong thời gian điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, chị đã được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ và còn được các y, bác sỹ động viên thường xuyên.
Nhân viên y tế xịt dung dịch sát khuẩn phòng chống dịch. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Chị N.T.N, 29 tuổi, ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, một trường hợp nhiễm Covid-19 điều trị ở Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà mới được xuất viện cũng tâm sự các y, bác sỹ nơi chị được điều trị không quản ngại khó khăn, có nhiều đêm mưa rét vẫn túc trực bên giường bệnh.
Chị N.T.N cho biết nhiều y, bác sỹ còn kiêm cả người lau dọn, vệ sinh, mang đồ ăn thức uống cho người bệnh... Chị sẽ nhớ mãi y đức, trách nhiệm, tấm lòng hết mình vì người bệnh của các y, bác sỹ nơi đây.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế về “cắm chốt” trong nhiều ngày qua tại tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết tổ công tác có 15 người, phần lớn có gia đình ở Hà Nội, được chia thành các nhóm dự phòng, môi trường, điều trị, theo phương châm cầm tay chỉ việc đến cán bộ y tế các cấp. Cùng với đó, họ còn tuyên truyền để người dân không hoang mang, không chủ quan.
Trong lúc dịch bệnh phức tạp, có thể lây nhiễm đến cả y, bác sỹ, mỗi cán bộ ở đây phải thể hiện trách nhiệm trong công việc chuyên môn được phân công và giao phó, do đó các thành viên trong tổ công tác phải gương mẫu trong cuộc chiến chống dịch này.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Trần Như Dương, quan điểm của các thành viên trong tổ công tác cũng giống như những gì đã được Bộ Y tế quán triệt trước khi nhận nhiệm vụ.
Theo phó giáo sư Dương, lên Vĩnh Phúc là lên "nằm vùng," lập chốt "chống dịch như chống giặc" và coi đây là môi trường thử thách để trưởng thành.
Câu chuyện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch) giờ đây đã quen với các thành viên trong tổ. Họ tự nhủ bao giờ dập được dịch Covid-19 mới về với gia đình.
Theo Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải, sau khi kết thúc dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cũng là lúc một số địa phương trong tỉnh phát hiện có người nhiễm Covid-19 trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc công bố tình hình dịch bệnh.
Vĩnh Phúc đã yêu cầu ngành y tế tỉnh tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả với phương châm "chống dịch như chống giặc."
Vì lẽ đó, ngành y tế đã triệu tập, huy động một lực lượng đông đảo đội ngũ y, bác sỹ vào cuộc, tăng cường cho các địa phương có dịch, đặc biệt là huyện Bình Xuyên.
Ngày 13.2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức kiểm soát, cách ly, áp dụng các biện pháp y tế cần thiết tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, nơi được xác định là tâm dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao. Toàn bộ người dân của xã được cách ly 20 ngày.
Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động hơn 161 cán bộ y tế tăng cường cho 13 xã trọng điểm của huyện Bình Xuyên.
Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã gây sức ép lớn cho đội ngũ y, bác sỹ ở không ít bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, công suất làm việc của các y, bác sỹ, điều dưỡng tại Khoa Truyền nhiễm có thời điểm cao gấp hơn 2 lần so với ngày thường, thậm chí họ không có cả giờ nghỉ trưa.
Mặc dù vậy, hầu hết các y, bác sỹ nơi đây luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng tỉnh sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Đến ngày 24.2, toàn tỉnh có 11 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 10 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện. Trường hợp còn lại tiếp tục được điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định.
Đặc biệt, từ ngày 13.2 đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận thêm trường hợp tại tỉnh bị nhiễm bệnh.
Hiện, Vĩnh Phúc có 583 trường hợp được theo dõi, giám sát, trong đó 116 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, 467 trường hợp tiếp xúc gần; 65 trường hợp đang được cách ly, theo dõi tại các cơ sở y tế.
Tỉnh vẫn chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu các ngành chức năng thông tin nhanh chóng, kịp thời về tình hình dịch bệnh và xử lý kịp thời những thông tin sai lệch để người dân không hoang mang, lo ngại.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả khả quan; người dân đã tin tưởng vào đội ngũ y, bác sỹ và không hoang mang lo ngại như trước.
Các hoạt động sản xuất của người dân đang dần ổn định... đó là nhờ vào những nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, đơn vị chức năng, trong đó có cả đội ngũ y, bác sỹ của tỉnh, các tổ công tác của Bộ Y tế, bệnh viện tuyến Trung ương...
Song, dịch bệnh vẫn còn có những diễn biến khó lường. Vì vậy, trong cuộc chiến chống dịch, dập dịch Covid-19, người Vĩnh Phúc vẫn chờ vào sự quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của những chiến sỹ "áo trắng," những nhà quản lý và chuyên môn giỏi, tâm huyết trong ngành y tế của tỉnh và Trung ương.
Theo TTXVN