Khó thực hiện tiêu chí HTX kiểu mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:03, 25/02/2020
Xã Nam Hồng (Nam Sách) khó thành lập thêm HTX vì chủ yếu sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ
Nhiều khó khăn
Hiện tại HTX dịch vụ nông nghiệp của xã Bình Xuyên (Bình Giang) mới thực hiện 2 dịch vụ cơ bản là thủy nông và diệt chuột. Vì dịch vụ nghèo nàn, lại được sự hỗ trợ từ Nhà nước nên doanh thu hằng năm của HTX thấp, lương của đội ngũ cán bộ HTX không cao.
"Mặc dù đã hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng HTX không có điểm gì nổi bật, chỉ là 2 dịch vụ thông thường. Nếu muốn có nguồn thu thì HTX phải thay đổi đa dạng các hình thức phục vụ. Tiêu chí về 2 HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả đối với địa phương là rất khó thực hiện", ông Nhữ Đình Tảo, Chủ tịch UBND xã Bình Xuyên nói.
Ở những xã sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là cấy lúa, trồng rau màu hoặc các ngành nghề phụ không phát triển thì việc thành lập thêm các HTX gặp không ít khó khăn.
Nhiều năm nay, xã Nam Hồng (Nam Sách) duy trì hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp với 2 dịch vụ gồm điều tiết nước tưới và cung ứng giống cho người dân.
Ngoài cây lúa, người dân ở đây còn trồng thêm cây mùi tây, hành và một số loại rau màu khác. Mặc dù đã nhiều lần lãnh đạo xã vận động các hộ dân thành lập HTX nhưng họ không đồng ý vì cho rằng thủ tục quá phức tạp, quy mô sản xuất nhỏ, không có HTX thì hàng hóa vẫn tiêu thụ được trên thị trường...
Đại diện lãnh đạo xã Nam Hồng khẳng định, đối với cơ cấu kinh tế như hiện nay thì việc thành lập thêm 1 HTX nữa không hề đơn giản.
Góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Tính đến thời điểm này, trong số 10 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao năm 2019 gồm Thượng Quận, Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn), Nhân Quyền, Bình Xuyên (Bình Giang), Đức Chính, Cao An (Cẩm Giàng), Tân Kỳ (Tứ Kỳ), Nam Tân, Nam Hồng (Nam Sách) và Đoàn Thượng (Gia Lộc) mới có xã Đức Chính đạt đủ 18 tiêu chí NTM nâng cao.
Trong thời gian tới, văn phòng Điều phối NTM tỉnh sẽ khảo sát lại và trình UBND tỉnh quyết định, công nhận các xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ tiếp tục đăng ký để xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM năm nay, tỉnh ta phấn đấu có 5 xã được công nhận NTM kiểu mẫu.
Ngày 1.11.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3853/QĐ-UBND quy định Bộ tiêu chí về xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xã NTM kiểu mẫu phải có ít nhất 2 HTX kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả.
Mỗi HTX ít nhất có 2 loại dịch vụ cơ bản, kinh doanh có lãi liên tục trong 2 năm và tham gia vào chuỗi giá trị gắn kết với các sản phẩm chủ lực của xã. So với quy định trong xây dựng NTM và NTM nâng cao, tiêu chí này cao hơn hẳn.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng) chủ động tìm đầu ra cho cây cà rốt
Ông Trần Duy Chinh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: "Việc thành lập 2 HTX nằm trong nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên tất cả các xã xây dựng NTM kiểu mẫu sẽ phải nghiêm túc thực hiện. Cho dù việc thành lập 2 HTX kiểu mới ở một số xã sẽ rất khó khăn, nhất là những xã không có ngành nghề phụ nhưng quy định này là hết sức cần thiết".
Thực tế tại những xã đã có 2 hoặc 3 HTX cho thấy, việc thành lập thêm HTX là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Xã Bạch Đằng (Kinh Môn) hiện có 3 HTX. Mỗi HTX hoạt động một lĩnh vực nên đội ngũ lãnh đạo có trình độ chuyên môn sâu, hỗ trợ được các thành viên.
HTX dịch vụ nông nghiệp chuyên cung cấp giống lúa, rau màu, xây dựng các vùng lúa tập trung, điều tiết nước tưới cho nông dân. HTX chăn nuôi, thủy sản thường xuyên mở các lớp chuyển giao kỹ thuật cho hội viên, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phối hợp cung cấp thức ăn để được hưởng những ưu đãi về giá hay giới thiệu, chia sẻ cho nhau thị trường tiêu thụ. Còn HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch tập trung vào lĩnh vực trồng, tiêu thụ thanh long sạch.
Anh Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng cho biết: "Chúng tôi phải hợp tác với nhau mới có đủ nguồn hàng bởi nếu tách riêng thì sản lượng thanh long ít, không đáp ứng được nhu cầu của các siêu thị, cửa hàng có nhu cầu.
Việc phân chia thời vụ được thực hiện giữa các thành viên, mỗi hộ thu hoạch cách nhau vài ngày để lúc nào cũng có hàng cung cấp cho khách. Nếu không có sự hợp tác thì sản phẩm làm ra chỉ bán nhỏ lẻ, không thể vươn tới những thị trường tốt hơn được".
Xã Đức Chính (Cẩm Giàng) hiện cũng đã có 2 HTX và đều làm ăn hiệu quả. Ông Vương Đức Dũng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Việc thành lập được nhiều HTX sẽ góp phần thu hút được các xã viên tham gia. Họ sẽ hỗ trợ nhau, từ đó giảm gánh nặng cho chính quyền cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất".
Việc xây dựng 2 HTX ở những xã NTM kiểu mẫu hết sức cần thiết. Bởi nếu địa phương có 2 HTX phát triển sẽ tạo điều kiện liên kết, chia sẻ, hợp tác giữa các thành viên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế bền vững ở địa phương.
Các HTX sẽ là cầu nối giữa nông dân với nông dân, giữa xã viên HTX với khách hàng, giúp mở ra hướng sản xuất mới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho xã viên. Dù là tiêu chí khó nhưng các địa phương vẫn cần quyết tâm thực hiện.
THANH HÀ